Tối 24/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải tuyên bố lùi lịch tổ chức Olympic Tokyo 2020 sang mùa hè năm 2021 do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Hoãn hoặc hủy Olympic không phải là quyết định đơn giản bởi những tổn thất tài chính cũng như danh tiếng của đấu trường thể thao lớn nhất thế giới. Kể từ khi bắt đầu giai đoạn hiện đại năm 1896, Olympic mùa hè chỉ ba lần bị hoãn hoặc hủy bỏ.
Olympic 1916
Nước Đức đế quốc giành quyền đăng cai Olympic mùa hè 1916 sau khi vượt qua Alexxandria (Ai Cập), Amsterdam (Hà Lan), Brussels (Bỉ), Budapest (Hungary), Cleveland (Mỹ). Nước chủ nhà xây một sân vận động mới, Deutsches Stadion hay German Stadium, với sức chứa chỉ ba vạn người.
Olympic Berlin 1916 bị hủy vì chiến tranh thế giới nổ ra vào tháng 7/1914. Ban tổ chức ban đầu tính rằng cuộc chiến có thể kéo dài đến hết Giáng sinh, nhưng thực tế là năm 1918 mới kết thúc.
Hai thập kỷ sau, Berlin có cơ hội thứ hai để đăng cai Olympic thì sân Deutsches đã bị dỡ bỏ. Thế vận hội mùa hè năm 1936 chỉ có 5.000 vận động viên đến từ 51 quốc gia tham dự với 10.000 khán giả chứng kiến.
Olympic 1940 và 1944
Năm 1940, Olympic mùa hè một lần nữa không thể diễn ra. Đây là kỳ Thế vận hội thứ XII, ban đầu dự định được tổ chức từ ngày 21/9 tới 6/10/1940 tại Tokyo, Nhật Bản.
Thế nhưng chính quyền Nhật Bản quyết định từ bỏ vào tháng 7/1938 khi nổ ra chiến tranh Trung-Nhật. Phái đoàn của Nhật Bản tham dự cuộc họp với IOC tại Cairo, Ai Cập tuyên bố từ bỏ Olympic và IOC cũng lập tức tước quyền chủ nhà của Nhật Bản.
IOC sau đó trao quyền tổ chức cho Helsinki, Phần Lan, thành phố đứng thứ hai trong quá trình đua đăng cai. Sự kiện được lên lịch tổ chức từ 20/7 tới 4/8/1940 song cuối cùng không thể diễn ra do Thế chiến II bùng nổ.
4 năm sau, Thế vận hội mùa hè thứ XIII vẫn không thể diễn ra ở London, Anh bởi chiến tranh thế giới lần II vẫn diễn ra ác liệc.
Để giành quyền đăng cai Olympic 1944, London phải vượt qua nhiều thành phố khác như Roma, Detroit, Lausanne, Athens, Budapest, Helsinki và Montreal trong cuộc họp của IOC vào tháng 6/1939.
Do không thể tổ chức Olympic năm 1944 nên London tiếp tục được trao quyền đăng cai Thế vận hội mùa hè năm 1948.
Olympic mùa đông
Không chỉ phải hủy bỏ Olympic mùa hè năm 1940, Nhật Bản còn phải hủy bỏ Olympic mùa đồng cùng năm này. Đánh dấu Thế vận hội mùa đông đầu tiên trong lịch sử không thể tổ chức do Thế chiến II.
Sapporo khi đó được lựa chọn là thành phố đăng cai Thế vận hội mùa đông lần thứ V trong lịch sử và dự kiến diễn ra từ ngày 3 đến 12/2/1940. Thế nhưng Nhật Bản cũng phải trả lại quyền đăng cai cho IOC vào tháng 7/1938 sau khi bùng nổ Chiến tranh Trung-Nhật.
IOC sau đó trao quyền tổ chức cho St Moritz, Thụy Sĩ, nơi từng diễn ra Thế vận hội 1928. Tuy nhiên, do tranh cãi giữa ban tổ chức của Thụy Sĩ và IOC, Thế vận hội bị thu hồi lần nữa.
Mùa xuân năm 1939, IOC trao quyền Thế vận hội mùa đông 1940 cho Garmisch-Partenkirchen, Đức, nơi diễn ra Thế vận hội năm 1936 và dự kiến thời gian tổ chức từ 2–11/2/1940.
Tuy nhiên, 3 tháng sau, Đức xâm lược Ba Lan vào ngày 1/9, mở đầu Chiến tranh thế giới lần II nên Thế vận hội mùa đông 1940 phải hủy vào tháng 11/1940.
Tương tự, Thế vận hội mùa đông năm 1944 được trao cho Cortina d'Ampezzo, Italy năm 1939 cũng bị hoãn vào năm 1941.
St Moritz tổ chức Thế vận hội mùa đông đầu tiên sau chiến tranh năm 1948, Cortina d'Ampezzo là chủ nhà Thế vận hội mùa đông 1956. Còn Saporo phải mãi tới năm 1972 mới lần đầu tiên tổ chức Thế vận hội mùa đông.
Trong khi đó Đức không giành được quyền chủ nhà cho Thế vận hội mùa đông kể từ năm 1936. Vào ngày 6/7/2011, Munchen để thua Pyeongchang, Hàn Quốc trong cuộc đua giành quyền tổ chức Thế vận hội mùa đông 2018.
Video: Mourinho làm từ thiện mùa Covid-19
Bình luận