• Zalo

Hai cô giáo hy sinh hạnh phúc bản thân, làm mẹ của 17 đứa trẻ H’Mông

Giáo dụcThứ Tư, 20/11/2019 11:51:00 +07:00Google News

Giữa đại ngàn biên giới, hai cô giáo trẻ hy sinh hạnh phúc cá nhân, kiên trì bám bản dạy chữ cho hàng trăm đứa trẻ dân tộc H'Mông.

Cung đường độc đạo

Vượt gần 30km đường đèo từ trung tâm huyện Quản Bạ (Hà Giang), băng qua hơn 40 cung đường gấp khúc mà người dân bản địa ví như “khúc cua tay áo”, chúng tôi theo chân cô giáo Đoàn Thị Dự, Phó Hiệu trưởng trường PTDTNT Tiểu học Bát Đại Sơn vào điểm trường khó khăn nhất. Điểm trường đó nằm trên đỉnh Xà Phìn thuộc dãy núi Bát Đại Sơn, trấn giữ biên giới phía Bắc tổ quốc.

Không thể đếm nổi có bao nhiêu phiến đá tai mèo chừng 20- 90cm, nhọn như chông vót, “rễ” chúng bám sâu vào lòng đất rồi cắm thẳng đầu nhọn lên trời. Ước tính quãng đường đi bộ vào điểm trường tầm 3km, nhưng phải mất hơn 4 tiếng quốc bộ băng qua đỉnh núi cao vút kia mới đến được điểm trường.

20180418_162719

Con đường độc đạo vào điểm trường Thào Chư Phìn là đi bộ băng qua hàng trăm phiến đá tai mèo sắc nhọn, đạp lên những mỏm đất trơn trượt bám đầy rêu bên sườn núi. 

Cô Dự rối rít giục: “Đi nhanh kẻo trời đứng nắng, mất sức hơn nhiều, từng có giáo viên ngất vì quá mệt. Ấy thế mà đều đặn cứ cuối tuần, các thầy cô giáo phải gánh chiếc gùi đầy ắp thực phẩm và đồ dùng từ thị trấn mang vào tiếp tế”.

Dọc đường đi, chỉ thấy lác đác 2- 3 hộ dân sống cách xa nhau, những mái nhà đen xỉn rêu bám qua năm tháng, những cây samu xứ lạnh sừng sững giữa trời, quang cảnh bao trùm bởi một màu u tối, ảm đạm. Vừa đi đường, cô Dự rôm rả kể về những kỷ niệm hơn 20 năm bấm chân vào đá, băng rừng gieo chữ cho trẻ.

Băng qua hàng trăm phiến đá tai mèo, luồn qua những lùm cây rậm rịt đến rợn người, chúng tôi cũng thấy thấp thoáng lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nóc điểm trường lẻ Thào Chư Phìn.

"Thà bỏ chồng, quyết không bỏ nghề”

Từ xa, cô giáo Chương Thị Phinh đứng bên hiên nhà, nhoẻn miệng cười và hối lũ trẻ ùa ra đón đoàn tíu tít. Đám con nít không còn lạ người như trước, chúng cười, ôm lấy cô Dự, rồi khúc khích chia nhau túi kẹo cô mang từ thị trấn vào làm quà.

Cô Phinh thấy chúng tôi tôi mừng: “Lâu lắm mới lại có người tới thăm, nhất là lũ trẻ, háo hức từ sớm, chúng ngóng mãi. Cứ một lúc lại ríu rít hỏi “Mẹ Phinh ơi!, có người làm chơi chưa?”.

20180418_131342

Chiếc trống ở điểm trường Thào Chư Phìn thủng từ bao giờ không ai biết, nhưng vẫn ngày ngày âm vang lên, làm tín hiệu báo cho các bạn trẻ đã đến giờ vào lớp. 

Điểm trường lẻ Thào Chư Phìn có tổng cộng 17 trẻ (14 trẻ mầm non, 3 trẻ tiểu học đều là dân tộc H’Mông). Do nhà các em ở xa lớp, tận rừng sâu trong khi các con còn quá nhỏ, đi về trong ngày không có người đón đưa rất nguy hiểm. Vì thế các cô giáo vận động phụ huynh cùng góp gạo, góp rau nuôi các con ở nội trú tại điểm trường từ sáng thứ 2 đến chiều thứ 6 mới về.

Nhìn lũ trẻ chơi đùa, ăn kẹo bên hiên lớp, cô Phinh choa sẻ, cô lên đây dạy học hơn 10 năm, chấp nhận cảnh xa chồng, xa nhà. Giữ trốn rừng xanh này, cô coi đây là nhà. Cô coi học trò như con ruột mình sinh ra, thậm chí lấy niềm vui đó làm “nguồn sống” mỗi ngày.

"Không biết là tôi nương tựa các con, hay các con tựa vào tôi; chỉ biết rằng nếu không có tụi nhỏ, tôi sẽ cô đơn lắm", cô Phinh nói.

Hằng ngày cứ 5 sáng, cô Phinh sẽ gọi các con dậy, đánh răng rửa mặt cho từng đứa, rồi lại tất bật lo nấu ăn sáng, thay quần áo, chăm bẵm từng li từng tí. “Nhà” lúc nào cũng vang lên tiếng cười nói của lũ trẻ, xua đi cái lạnh lẽo một góc rừng. Trưa đến, sau giờ lên lớp mẹ con cô giáo Phinh lại quấn quýt lấy nhau cùng nhặt rau, nấu cơm… và rồi đến tối cũng vậy.

Ở đây không có điện, ánh nến mập mờ chiếu rọi mọi thứ. Chỉ chừng 8 giờ tối là mẹ con lên giường đi ngủ. Nhưng trước khi ngủ 17 đứa con đều đồng thanh đòi mẹ hát, đọc thơ hoặc kể chuyện như một thói quen.

20180418_143842 3

 Hàng ngày, cô Phinh chăm chút từng li, từng tí từ miếng ăn đến giấc ngủ cho 17 đứa con.

Lo cho 17 đứa con từ miếng ăn, giấc ngủ, dạy ca dạy hát, cả ngày cô Phinh luôn tất bật chân tay chẳng lúc nào ngưng. Nỗi nhớ nhà có lẽ cũng vơi đi phần nào. Nhưng khi đêm về nỗi buồn của riêng cô lại dâng trào, nó giống như màu đen kịt đang phủ lấy núi rừng bên ngoài vách tường lớp học kia.

Cách đây 10 năm, cô Phinh từng "lỡ đò”, bị “một nửa” phản bội chỉ vì lý do đi dạy quá xa. Vợ chồng ít được gặp nhau; sóng điện thoại không có nên khó tâm sự, chia sẻ buồn vui mỗi ngày. Thế là người đàn ông ấy “dứt áo ra đi”, bỏ lại người vợ cô đơn một mình giữa rừng sâu.

“Người ấy nói với tôi ‘Nhà cũng cần bàn tay, hơi ấm từ em, nhưng em vẫn quyết chọn ở lại vùng cao dạy học thì em sẽ mất anh’. Vì câu nói đó mà tôi đóng cửa trái tim mình suốt thời gian vừa qua. Tôi mong có một người chồng hiểu nỗi vất vả của vợ mà san sẻ động viên hơn là… Dẫu sao cũng đâu thể trách họ được”, cô Phinh chua xót nói.

20180418_143408 4

Cô Phinh dạy trẻ nhận biết và đánh vần chữ cái. 

Lúc ấy cô Phinh như tuyệt vọng và mất phương hướng. Cô không biết quyết định của mình là đúng hay sai, chỉ bưng mặt khóc mà than với vách núi đá và gió trời. Nhưng rồi, hết lớp này đến lớp khác, lũ trẻ lớn lên từng ngày, cô cũng dần quên đi nỗi tủi trong. "Những đứa con đã vá lành tâm hồn tôi”, nói đến đây cô Phinh như lạc giọng. Cô quay mặt vào góc lớp để lau vội đi giọt nước mắt nóng ran đang lăn trên gò má lấm tấm vết tàng nhàng của mình.

Đứng nói chuyện nhưng cô Phinh chưa khi nào rời mắt khỏi lũ trẻ nhỏ đang chơi ngoài sân. Thi thoảng cô lại dặn “Pư, Dính, Hủa…chạy chậm thôi con, ngã bây giờ!”.

Chúng tôi cảm nhận sự yêu thương ấy vượt qua ngưỡng tình cảm cô trò, đó là tình cảm mẹ con. Những nghĩa cử của cô Phinh như làn gió ấm thổi vào chốn rừng già u tối, lạnh lẽo.

Tôi nhớ mãi câu nói cương quyết của cô giáo Phinh: “Thà bỏ chồng, quyết không bỏ nghề”.

Chưa một lần được yêu vì ở bản quá lâu

Sau một hồi trò chuyện và chơi đùa với lũ trẻ ngoài sân, cô giáo Dự nói với tôi về một cô giáo với dáng người nhỏ nhắn, đang lúi húi đảo nồi cơm trên bếp củi. Đó là cô Hoàng Thị Xâm, điểm trường Thào Chư Phìn, trường mầm non Bát Đại Sơn (xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ). Cô đã hơn 8 năm thâm niên làm giáo viên “cắm bản””.

Cô Sâm năm nay ngoài 30 tuổi, nhưng chưa lập gia đình. Cô cùng với cô Phinh hàng ngày quấn quýt bên lũ trẻ, lấy đó làm thú vui cho tuổi xuân của mình.

Cô Xâm bẽn lẽn, tủm tỉm cười như cô gái tuổi đôi mươi: “Ở đây người còn không có, lấy đâu ra tình yêu để mà mong. 8 năm trước, tôi “chân ướt, chân ráo” vừa tốt nghiệp, quyết định rời Hà Nội lên vùng cao dạy học. Gặp phải sự phản đối từ phía gia đình; không ít đêm mẹ khóc vừa ôm tôi, vừa trách con dại dột chọn nghề giáo; một mực khuyên tôi ở nhà đi làm công nhân cho đỡ vất vả”.

Xam1 6

 Hiện tại cô Xâm đang đảm nhiệm dạy lớp mầm 3-4 tuổi, chủ yếu các nội dung là ca hát, múa và tập cho trẻ giao tiếp bằng tiếng phổ thông.

Nhớ lần đầu tới điểm trường, cô Xâm gần như kiệt sức vì chưa bao giờ băng qua con đường núi đá dài và dốc cao đến như vậy. Leo lên thì mỏi rã rời chân, leo xuống thì chùn bước không đứng nổi. Hơn thế, ở đây lại không điện, không đường, không nước sạch, không sóng điện thoại, không có phòng nghỉ riêng của giáo viên, không người và không mưa.

Điểm trường cô lập với thế giới xung quanh, bốn bề chỉ toàn núi đá cao ngút trời và con đường độc đạo để ra khỏi nơi đây là băng rừng. Chính vì vậy, điều đáng sợ nhất nơi đây là không có nước sạch và không có mưa. Có khi nửa tháng trời, mẹ và các con không có nước để tắm, dành dụm từng gáo nước để uống và nấu nướng.

Vừa nói, cô Xâm vừa chỉ vào bể nước dự trữ chừng 100m3 cạnh lớp học: “Một năm chỉ tháng 4- 5 có mưa. Mỗi khi mưa trút xuống, mẹ con nháo nhác hứng từng giọt; nào xô, nào chậu, ca, cốc, có khi mang cả tấm bạt nilon ra để lấy nước cho vào bể trữ”.

Do địa hình ở đây có nhiều núi cao, ngăn cản hướng gió và mây nên rất hiếm có mưa. Mỗi khi hứng đầy một bể nước, cả cô và trò vừa dùng tắm gội, nấu nướng trong 2 tháng. Đến khi hết nước, các thầy cô sẽ thay phiên nhau đi gánh hoặc đèo nước từ các khe suối, giếng trời sâu trong rừng về.

20170327_173019 5

Các cô giáo phải treo điện thoại lên cột nhà để dò sóng, thi thoảng sóng mạnh còn tranh thủ liên lạc về với người thân. 

Mọi thứ đều thiếu thốn, khiến cuộc sống phải tằn tiện, tiết kiệm từ cây nên thắp đến tí pin điện thoại. Ấy vậy mà hai người mẹ và 17 đứa con thơ cũng đủ sống, “khéo co thì ấm” trong suốt bao năm bấm chân lên đá cắm bản.

Cũng may trong điểm lẻ có 3 anh chị đồng nghiệp, mọi người động viên nhau cố gắng bám trụ lại nơi đây. Những đêm nhớ nhà chỉ biết ngẩng mặt lên trời nói chuyện với gió và trăng. Thi thoảng có cái máy bay vận tải bay ngang qua thì rủ các con ra ngắm cùng, lấy đó làm thú vui qua ngày”, cô Xâm cười.

Không cần những lời ca tụng hay bằng khen… mẹ Phinh và mẹ Xâm lặng lẽ ngày đêm tận tụy chăm sóc cho lớp lớp em thơ H’Mông trên đỉnh Xà Phìn được ăn no, mặc ấm, lớn lên từng ngày.

Họ như những bông hoa nở trên đá, ngày đêm gồng mình làm “bàn đạp” vững chắc, chắp cánh cho ước mơ; góp phần thay đổi số phận trẻ vùng cao và làm cho biên cương tổ quốc vững chãi muôn đời.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn