• Zalo

Hải chiến Trường Sa 1988: Người thuyền trưởng và con tàu giữ đảo Cô Lin

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 13/03/2015 06:19:00 +07:00Google News

27 năm trước tại đá ngầm Cô Lin, huyện đảo Trường Sa, một pháo đài thép đã được dựng lên trong những giờ phút sinh tử một mất một còn.

(VTC News) - 27 năm trước tại đá ngầm Cô Lin, huyện đảo Trường Sa, một pháo đài thép đã được dựng lên trong những giờ phút sinh tử một mất một còn, ngăn cản dã tâm bành trướng của quân xâm lược Trung Quốc .

Kỳ 1: Chiến công lịch sử của HQ 505

Hiện ông đã 70 tuổi, nghỉ hưu, ngày ngày vui thú điền viên cùng với gia đình mình tại làng Lũng (quận Hải An, Hải Phòng) – làng hoa nổi tiếng của thành phố Cảng.

Ông là cựu Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ 505 trong sự kiện bi tráng 14/3/1988. 27 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về cái ngày định mệnh khi tàu bị nã đạn dồn dập bốc cháy, có thể chìm xuống biển bất cứ lúc nào, vẫn còn in đậm trong tâm trí ông.

Hỏi chuyện, người cựu binh hải quân bồi hồi, phải mất một lúc lâu mới cất lên lời. Ông nói với chúng tôi như nói với những người lính của mình mệnh lệnh giữ đảo Cô Lin năm xưa: “Chúng tôi muốn các thế hệ mai sau không bao giờ quên ngày 14/3/1988, không bao giờ quên những người đã ngã xuống vì quê hương, không bao giờ quên Gạc Ma, một phần máu thịt của Tổ quốc”.
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Vũ Huy Lễ 
Năm 1964 thế kỷ trước, lúc ông Lễ đang học ở Hải Phòng thì sự kiện Vịnh Bắc Bộ diễn ra. Học không yên, lòng sục sôi căm thù quân cướp nước, ông lên đường xung phong đi bộ đội. Ông được phân công gia nhập đội tàu không số (nay là Lữ đoàn 125) với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào miền Nam chiến đấu chống Mỹ.

Năm 1982, ông được cử đi đào tạo ở Leningrat (Liên Xô cũ). Học xong, về nước, ông nhận nhiệm vụ làm thuyền trưởng tàu HQ 505. Đó là con tàu lớn, dài cả trăm mét, nhưng là tàu vận tải quân sự. Vũ khí trang bị trên tàu chỉ có pháo cỡ nhỏ, tầm bắn hạn chế.

Đầu năm 1988, Trung Quốc bất ngờ chiếm đóng một số đảo ngoài Trường Sa như đảo Châu Viên, đảo Đá Nhỏ… Lúc đó, HQ 505 mới vận chuyển hàng hóa từ cảng Hải Phòng vào Cam Ranh. Ông Lễ huy động anh em chuẩn bị nhổ neo ra Bắc ăn Tết thì bất ngờ nhận nhiệm vụ phải đưa tàu ra chốt trực, giữ đảo ngoài Trường Sa.

Đóng ở đảo Đá Lớn được một tháng, đến trưa 13/3/1988, cựu Đại tá Vũ Huy Lễ nhận mật lệnh tiến ra Cô Lin để giữ đảo. Thời điểm đó, trên tàu có khoảng 50 cán bộ chiến sỹ.
Hồi tưởng lại sự kiện 14/3/1988, ông Lễ không khỏi bồi hồi xúc động 
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ trên đảo Cô Lin ngày ấy (ảnh tư liệu) 
Chiều tối tiến đến gần Cô Lin, thì HQ 505 đã bắt gặp 2 tàu chiến Trung Quốc, chúng chặn đường không cho đi qua dù HQ 505 đã hú còi và gửi tín hiệu xin nhường đường. Mất nửa tiếng luồn lách mới thoát khỏi sự ngăn cản, ông Lễ cùng đồng đội mới đưa được con tàu vào Cô Lin.

Nhìn sang bên phía Gạc Ma cách đó 1 hải lý, ông Lễ thấy tàu HQ 604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ nhận nhiệm vụ canh giữ Gạc Ma đang nằm trong vòng kiềm tỏa của 2 tàu pháo lớn, phía vòng ngoài là một loạt tàu chiến, khu trục hạm, xa hơn nữa phía Len Đao là một tàu tên lửa đang phục sẵn. Không khó để ông Lễ cùng các chiến sĩ nhận thấy có sự khác thường trong việc điều động tàu của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa.

Nhận định khả năng trong đêm 13/3 hoặc sáng 14/3 địch sẽ tìm cách gây sự và chiếm đóng đảo, ông cùng anh em chiến sĩ chuẩn bị trước. Cũng trong lúc đó, thông tin liên lạc giữa HQ 505 với Sở Chỉ huy hoàn toàn bị cắt đứt do các thiết bị gây nhiễu. Ngay lập tức, ông Lễ cử 2 tiểu đội cấp tốc đổ bộ lên bãi san hô trên đảo Cô Lin, chỉ chờ thủy triều xuống sẽ cắm cờ khẳng định chủ quyền.

2h sáng 14/3/1988, HQ 505 mới bắt liên lạc trở lại được với Sở Chỉ huy. Sau khi nghe báo cáo tình hình, Sở Chỉ huy đồng ý với nhận định của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, đồng thời yêu cầu anh em trên tàu luôn giữ bình tĩnh, dũng cảm, mưu trí, không mắc mưu khiêu khích của địch.
Tàu HQ 505 
4h sáng, cờ đã được dựng xong trên đảo Cô Lin, thủy triều lên, nước ngập, tổ đổ bộ cắm cờ trở về tàu. Phía Gạc Ma, cờ đỏ sao vàng cũng tung bay phấp phới. Nhưng anh em trên tàu HQ 505 chỉ mới nghỉ ngơi được 1h đồng hồ, thì cuộc chiến giữ đảo đã bắt đầu.

Ông Lễ xúc động nhớ lại: 5h sáng, khi toàn bộ chiến sĩ đang tập thể dục, thì từ phía Gạc Ma, ánh lửa chớp lên, tiếng nổ ùng oàng, 2 tàu chiến Trung Quốc áp sát tàu HQ 604 dồn dập khai hỏa. Chỉ được vài phút, HQ 604 bị xé rách tan tành, bốc cháy như một bó đuốc, từ từ chìm dần xuống biển.

Trên đảo Gạc Ma, nước đã ngập, bóng người lố nhố. Bên mình toàn lính công binh với trang bị là cuốc chim, xà beng, phía Trung Quốc vài chục tên lính đổ bộ với AK lưỡi lê sáng quắc.

Rất nhanh chóng, các chiến sĩ kết thành một vòng tròn bao quanh lá cờ tổ quốc. Liên tiếp những bóng người ngã xuống. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, máu đã đổ, xác người la liệt trôi dạt, ánh lửa bùng cháy, tiếng huyên náo la hét cũng lặng dần… tất cả hòa lẫn với vị mặn chát của biển.

Trận hải chiến đó, ngoài 9 người bị quân Trung Quốc bắt giữ, có 64 chiến sỹ đã hy sinh.

Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ Gạc Ma, được treo trong phòng truyền thống Vùng IV Hải quân 
Những cảnh tượng diễn ra trước mắt khiến thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cùng anh em tàu HQ 505 không khỏi bàng hoàng, căm phẫn, tim đau thắt lại. Ngay tức khắc, ông Lễ ra lệnh toàn bộ tàu HQ 505 khẩn cấp nhổ neo, mở hết tốc lực hướng về phía tàu HQ 604, gia nhập vòng chiến.

Tuy nhiên, mới chạy được một đoạn thì HQ 604 đã chìm hẳn, 2 tàu chiến Trung Quốc phía Gạc Ma lập tức quay nòng pháo hướng thẳng về phía tàu của ông Lễ nhả đạn cấp tập. Chúng quyết tâm bắn chìm HQ 505 để cướp tiếp đảo Cô Lin.

Trước đó, chiều 13/3 khi ngăn cản tiếp cận Cô Lin, tàu Trung Quốc đã quan sát được những ụ pháo trên HQ 505 chỉ là pháo nhỏ, tầm bắn hạn chế, nên chúng bắn từ phía Gạc Ma sang. Theo ông Lễ, 2 tàu chiến ở Gạc Ma toàn dùng pháo cỡ lớn bắn xa 100 ly, nên anh em trên HQ 505 gần như bất lực, không thể bắn trả.

“Chỉ vài phút sau, gần như toàn bộ phía mạn phải, đài chỉ huy, hầm dầu, hầm hàng bị trúng đạn. Toàn tàu bị mất điện, tàu không cơ động được nữa, không sử dụng được lái, máy chính bị sự cố, gió mùa đông bắc lại thổi khiến tàu bị trôi ra xa đảo. Lúc ấy, nước vào tàu rất nhiều, lái không sử dụng được, tàu nghiêng một góc 30 độ, có khả năng chìm như HQ 604 bởi độ sâu cách đảo một khoảng lên tới cả 1.000m”, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ bồi hồi nhớ lại thời khắc sinh tử đã qua.

Còn tiếp…

Hải Minh – Minh Khang
Bình luận
vtcnews.vn