Phát biểu tại Lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 diễn ra tối 5/6, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, giải pháp vaccine COVID-19 là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ tính mạng của người dân và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Hầu hết các quốc gia đã và đang phấn đấu thực hiện mục tiêu bao phủ vaccine cho ít nhất 2/3 dân số đến hết năm 2021, trong đó có Việt Nam.
“Tối nay, Thủ tướng chính thức công bố Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19, kêu gọi toàn dân ủng hộ, đóng góp để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho cuộc chiến chống lại COVID-19 ở nước ta”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
200 cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán
Theo ông Long, nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc, dù thời chiến hay thời bình, trước những cam go và thách thức, tinh thần đoàn kết dân tộc luôn được phát huy, đưa đất nước giành mọi thắng lợi.
Những hình ảnh mà chúng ta vừa chứng kiến là minh chứng hùng hồn, tô đẹp thêm truyền thống đoàn kết, yêu nước, nhân ái của nhân dân ta. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã thể hiện tinh thần trách nhiệm với xã hội, với đồng bào.
Bộ trưởng cảm động trước hình ảnh những người nông dân chia sẻ từng mớ rau, cân gạo cho lực lượng chống dịch, hay bà mẹ liệt sỹ đến trụ sở chính quyền ủng hộ những đồng tiền do mình chắt chiu, dành dụm đã đi sâu vào tâm trí chúng ta. Hình ảnh các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp kinh phí, trí tuệ, công sức đã thể hiện trách nhiệm xã hội cao đẹp đối với đất nước.
“Là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, chúng tôi thật sự cảm động và trân trọng sự sẻ chia, đồng hành của toàn dân và toàn xã hội, đây là động lực tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Ông cho hay, để có thể tiếp cận được nguồn vaccine trong bối cảnh khan hiếm trên quy mô toàn cầu, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực, cố gắng đưa vaccine về Việt Nam.
Hơn 200 cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, nhà sản xuất vaccine được Bộ Y tế bền bỉ thực hiện suốt từ giữa năm 2020 đến nay đã giúp Việt Nam có được 130 triệu liều vaccine trong năm 2021.
Bộ Y tế hiện vẫn đang tiếp tục trao đổi nhằm đạt mục tiêu 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021. Tất cả các vaccine được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và đưa về Việt Nam đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra, ngành Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn nhất trong lịch sử của ngành, trong đó ưu tiên về an toàn tiêm chủng được lên hàng đầu, đây cũng là điểm khác biệt của Việt Nam so với các quốc gia khác.
Đến nay hơn 1,3 triệu liều vaccine đã được tiêm chủng cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
“Có lẽ chưa có khi nào ngành y tế đồng thời tiến hành nhiều nhiệm vụ cùng lúc như bây giờ. Vừa thần tốc chống dịch với lực lượng ở mọi chiến tuyến, vừa nỗ lực khám, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở y tế để bảo vệ sức khỏe của người dân, vừa khẩn trương triển khai tiêm chủng an toàn, đảm bảo độ bao phủ cho người dân”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Trong những ngày tới, ông Long cho biết, khi nguồn cung vaccine dồi dào hơn, ngành y tế sẽ huy động tổng lực hơn 12 nghìn cơ sở y tế và hàng vạn cán bộ y tế trong cả nước thực hiện khẩn trương và hiệu quả chiến dịch tiêm chủng với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vaccine nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 của Việt Nam”.
“Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 là sự chắt chiu của người dân, là truyền thống nhân ái của dân tộc. Nhân dân đã trao cho chúng ta sự tin tưởng. Vì vậy việc sử dụng hiệu quả từng đồng vốn của Quỹ là lương tâm, trách nhiệm, nghĩa vụ của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Chính quyền các cấp và các Bộ, ngành liên quan”, Tư lệnh ngành Y tế nhấn mạnh.
Công khai, minh bạch số tiền hàng ngày, từng đợt ủng hộ
Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, từ năm 2020 đến nay, Bộ Tài chính đã cấp ngân sách chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19 là 21.100 tỷ đồng.
Hiện nay, dịch COVID-19 đang bùng phát, ngân sách trung ương đã dành 14.500 tỷ đồng để mua vaccine phòng chống COVID-19. Theo cân đối nguồn lực để mua và tiêm cho 75 triệu dân cần 150 triệu liều vaccine với kinh phí là 25.200 tỷ đồng.
Vì vậy, để có đủ kinh phí mua vaccine tiêm cho nhân dân theo mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng đề xuất thành lập Quỹ vaccine phòng chống COVID-19.
Ngày 26/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và Thủ tướng đã có Quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 do Bộ Tài chính quản lý.
Bộ Tài chính đã thành lập ngay Ban quản lý Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 đặt tại Kho bạc Nhà nước và mở tài khoản ngay để tiếp nhận ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đồng thời, công khai số tài khoản và số điện thoại để hướng dẫn thuận lợi nhất cho người ủng hộ chuyển tiền.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn về tổ chức hoạt động, quản lý, sử dụng và chế độ kế toán, quyết toán, công khai tài chính quỹ vaccine phòng chống COVID-19, trong đó đã quy định các khoản ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lệ được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ông Hồ Đức Phớc cho biết, trước khi ra mắt, Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 đã thu được số tiền hàng trăm tỷ đồng và nhận được cam kết ủng hộ khoảng 5.000 tỷ đồng.
"Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 là nguồn lực vô cùng quý báu và quan trọng để cho đất nước ta chống lại đại dịch, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển. Chúng tôi hiểu rằng đồng tiền trong quỹ, dù một đồng cũng là kết tinh của tình yêu thương, trách nhiệm, sự sẻ chia và tinh thần yêu nước sâu sắc của nhân dân, Chúng tôi phải có trách nhiệm quản lý đúng đắn, chặt chẽ, minh bạch, và sử dụng quỹ tiết kiệm, hiệu quả để phục vụ công tác phòng chống dịch tốt nhất cho nhân dân", Bộ trưởng Tài chính cam kết.
Ông cho biết, khi có yêu cầu của Bộ Y tế và được Thủ tướng phê duyệt, sẽ xuất Quỹ kịp thời để Bộ Y tế mua vaccine về phục vụ nhân dân. Bộ Tài chính sẽ công khai, minh bạch số tiền hàng ngày, từng đợt ủng hộ và công khai quyết toán của Bộ Y tế sau từng đợt tiêm vaccine phòng chống COVID-19.
Bình luận