• Zalo

Habubank và SHB sẽ sớm sáp nhập

Kinh tếThứ Sáu, 04/05/2012 09:12:00 +07:00 Google News

(VTC News) - Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản ủng hộ chủ trương sáp nhập HBB vào SHB trên cơ sở tự nguyện của hai ngân hàng.

(VTC News) – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản ủng hộ chủ trương sáp nhập HBB vào SHB trên cơ sở tự nguyện của hai ngân hàng.


Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo đề nghị của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản ủng hộ chủ trương sáp nhập Habubank vào SHB trên cơ sở tự nguyện của hai ngân hàng.


Tại văn bản đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng tuân thủ quy định tại Thông tư số 04 năm 2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng), các quy định của pháp luật về chứng khoán, thị trường chứng khoán và các chỉ đạo có liên quan khác của cơ quan này.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, đặc biệt là quyền lợi của người gửi tiền tại từng tổ chức tham gia sáp nhập.

 

Việc đa số cổ đông Habubank thông qua đề án sáp nhập tại đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 28/4 vừa qua được Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận là “thể hiện sự quyết tâm của các cổ đông và Ban lãnh đạo Habubank trong việc tái cơ cấu ngân hàng nhằm khắc phục những khó khăn hiện tại của ngân hàng, đồng thời hướng tới cơ hội cùng hợp tác với SHB kiến tạo một ngân hàng có quy mô lớn hơn và có sức cạnh tranh tốt hơn sau sáp nhập”.


“Quyết định sáp nhập này là một lựa chọn tối ưu để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nói riêng và các nhà đầu tư nói chung tại Habubank, phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để việc sáp nhập này thành công”, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh thêm.

Cũng theo cơ quan này, trên thế giới, việc các định chế tài chính sáp nhập, hợp nhất với nhau là một hoạt động bình thường, là một xu thế phổ biến để hình thành các định chế tài chính lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh cao hơn.

Ở Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng tự nguyện hợp nhất, sáp nhập với nhau.

Đây cũng là một giải pháp hiệu quả để giảm bớt số lượng các tổ chức tín dụng yếu kém, từng bước hình thành một hệ thống tổ chức tín dụng đa năng, hiện đại, an toàn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh lớn hơn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.



PV



Bình luận
vtcnews.vn