Trong văn bản này, HoREA cho rằng Hà Nội và TP.HCM cần có khung giá đất riêng của mỗi thành phố.
Cụ thể, đối với ba đô thị loại một là thành phố trực thuộc trung ương gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, HoREA đề nghị quy định khung giá đất riêng với mức giá riêng cho từng thành phố, do các thành phố này cũng có nhiều điểm đặc thù, khác biệt và thuộc ba vùng kinh tế khác nhau tại ba miền Bắc, Trung, Nam.
Theo HoREA, cần có quy định khung giá đất riêng đối với Hà Nội và TP.HCM bởi quy định hiện tại không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc thù và sự khác biệt của hai thành phố.
Đồng thời, HoREA cũng chỉ ra sự lạc hậu của bảng giá đất tại TP.HCM. Theo đó, tình trạng giá đất của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến chỉ bằng khoảng 30-50% giá đất thực tế trên thị trường. Đây là điểm bất hợp lý vì không đảm bảo được nguyên tắc định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.
Nghị định 104 quy định giá đất tối đa tại TP.HCM (nhóm đô thị đặc biệt) là 162 triệu đồng mỗi m2. Căn cứ khung giá đất, TP.HCM quy định ba tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (Quận 1) có mức giá đất ở cao nhất 162 triệu đồng/m2 (bằng mức giá đất tối đa của khung giá đất). Giá đất của đường Lê Duẩn (Quận 1) là 110 triệu đồng/m2…
Hiệp hội nhận thấy UBND thành phố chưa sử dụng thẩm quyền được quy định mức giá đất trong bảng giá đất cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của khung giá đất.
Ngày 1/8/2019, UBND thành phố ban hành quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019, quy định hệ số 2,5 đối với khu vực 1, trong đó có Quận 1. Như vậy, mức giá đất để tính nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của ba tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ là 405 triệu đồng/m2; Giá đất của đường Lê Duẩn là 275 triệu đồng/m2, đều thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế thị trường.
Trước những vướng mắc này, HoREA đề xuất ba phương án xây dựng khung giá đất mới: Giữ nguyên mức giá tối thiểu, tăng khoảng gấp đôi mức giá tối đa so với mức giá hiện nay; giữ nguyên mức giá tối thiểu, tăng khoảng gấp rưỡi mức giá tối đa so với mức giá hiện nay; giữ nguyên mức giá tối thiểu, tăng khoảng 1/3 mức giá tối đa so với mức giá hiện nay.
Trong ba phương án này, HoREA cho rằng phương án 3 có mức giá hợp lý nhất. Theo đó, khung giá đất ở tối thiểu 1,5 triệu đồng/m2, tối đa 215,4 triệu đồng/m2. Khung giá đất thương mại, dịch vụ tối thiểu 1,2 triệu đồng/m2, tối đa 172,3 triệu đồng/m2. Khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tối thiểu 900.000 đồng/m2, tối đa 129,2 triệu đồng/m2.
Trong trường hợp Chính phủ cân nhắc các yếu tố vĩ mô mà không thể lựa chọn phương án 3, HoREA cho rằng có thể xem xét lựa chọn phương án 2, không nên lựa chọn phương án 1.
Bình luận