Chiều 19/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội, TP.HCM và đại diện các bộ, ngành họp bàn về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường, không khí tại các đô thị lớn.
Phát biểu kết luận buổi họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chỉ ra các nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong thời gian qua, đồng thời đưa ra các giải pháp trước mắt để hạn chế tình trạng này.
Theo Bộ trưởng Hà, mặc dù chưa có đánh giá cuối cùng để nhận diện nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm, song cả Hà Nội và TP.HCM đều thống nhất, nguyên nhân số 1 gây ra tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng như hiện nay đến từ các phương tiện giao thông.
"Ở Hà Nội và TP.HCM, số lượng ô tô và xe máy đều tăng qua các năm. Hiện số lượng ô tô đang lưu hành ở Hà Nội là khoảng 7,5 triệu chiếc. Ở TP.HCM là 7,5 triệu xe máy và khoảng 700.000 ô tô. Chưa kể các phương tiện đi qua đi lại trong thành phố", Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tiêu chuẩn khí thải áp dụng cho các phương tiện giao thông ở Việt Nam đang ở mức thấp hơn rất nhiều so với các nước châu Âu.
"Nếu lấy quy chuẩn của Châu Âu là EURO 6, thì của ta đang hướng đến EURO 4 và xe máy mới được EURO 2, nên ta có thể khẳng định đây là một trong các nguyên nhân chính", ông Hà nói.
Nguyên nhân thứ hai được Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ ra là do hiện trạng xây dựng ở Hà Nội và TP.HCM: "Hà Nội có trên 1000 công trình đang xây dựng, hay nói cách khác Hà Nội hiện nay là công trường và TP.HCM cũng là đại công trường". Theo Bộ trưởng Hà, đây là nguyên nhân lớn gây ra ô nhiễm.
Nguyên nhân ô nhiễm thứ ba theo Bộ trưởng Hà là do các cơ sở sản xuất công nghiệp. Nhóm nguyên nhân này ở TP.HCM chiếm tỷ lệ lớn hơn ở Hà Nội. Tuy nhiên, ở Hà Nội lại có một nguyên nhân khác liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, đó là tình trạng đốt rơm rạ của nông dân.
Một nhóm nguyên nhân khác theo Bộ trưởng Hà không chỉ gây ra ô nhiễm không khí mà còn còn phát thải rất nhiều chất nguy hại, đó là hoạt động đốt rác thải.
"Hoạt động này không chỉ gây ô nhiễm bụi PM2.5 mà còn rất nguy hại. Do vậy phải xem xét trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan đến vấn đề này, xem là chủ ý hay vô tình để có biện pháp xử lý", ông Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khác liên quan đến hoạt động đốt than tổ ong của người dân, việc quét rác của công nhân môi trường chưa đảm bảo quy trình.
Từ các nguyên nhân trên, Bộ trường Trần Hồng Hà đề cập đến các giải pháp hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng hiện nay.
"Giải pháp đầu tiên là tập trung mọi nguồn lực, mọi biện pháp để duy trì các trạm quan sát tự động, để từ đó đưa ra chính xác nhất các thông số về chất lượng môi trường không khí cung cấp hàng ngày cho người dân. Mỗi ngày 2 lần, nếu tình trạng không khí vượt quá quy chuẩn nguy hại thì phải cung cấp và khuyến cáo cho người dân", Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.
Thứ hai, theo Bộ trưởng Hà, chính quyền các thành phố phải có giải pháp kiểm soát lưu lượng, điều tiết các phương tiện giao thông.
"Trong những thời điểm ô nhiễm vượt quá quy chuẩn, UBND thành phố cần có ngay kế hoạch bằng mọi biện pháp, đơn giản là phun nước rửa đường để bụi đừng bay từ dưới đất lên. Các xe đi vào thành phố cũng cần che chắn, cọ rửa", ông Hà nói.
Về kiểm soát ô nhiễm từ các công trình xây dựng, ông Hà cho biết: "Tất cả các công trình xây dựng, tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Xây dựng khẩn trương có văn bản quy phạm pháp luật quy định việc đảm bảo môi trường, che chắn đối với các công trình".
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, một biện pháp rất quan trọng hiện nay là khuyến cáo người dân không sử dụng bếp than tổ ong. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xung quanh Hà Nội có hoạt động nông nghiệp hỗ trợ bà con nông dân không đốt rơm rạ và đặc biệt phải ngăn chặn việc đốt chất thải.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tất cả những giải pháp trên chỉ là những biện pháp trước mắt, còn về lâu dài, cần hoàn thiện các cơ chế chính sách bảo vệ môi trường và các luật liên quan, đẩy nhanh hơn nữa lộ trình Thủ tướng phê duyệt trước đây.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu các biện pháp căn cơ như áp dụng các tiêu chuẩn khí thải cao hơn với các phương tiện giao thông, thay thế sử dụng năng lượng hoá thạch bằng năng lượng tái tạo, trồng cây xanh
"Những vấn đề lâu dài tôi không muốn nói cụ thể ở đây bởi trong quyết định của Thủ tướng và trong chỉ đạo của Thủ tướng đã hết sức đầy đủ. Tôi chỉ muốn nói những gì chúng ta cần làm đó là phải sớm có đủ năng lực để đánh giá tình hình môi trường, có biện pháp mạnh mẽ quyết liệt, không khoan nhượng với những nguyên nhân gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân", ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông Hà, mọi việc cần bắt đầu thực hiện ngay, bởi tinh thần yêu cầu của Thủ tướng là quyết liệt và khẩn trương. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị không chờ đến lúc Thủ tướng có chỉ thị, bởi Thủ tướng đã có văn bản rất cụ thể.
Video: Ô nhiễm không khí - sát nhân lặng thầm trong thành phòng
"Tôi đề nghị cơ quan quản lý môi trường ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở các tỉnh, thành phố nói chung cũng như Hà Nội, TP.HCM trong thời gian này thực hiện ngay việc làm sao để cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác và đồng thời đi kèm đó là các biện pháp.
Tôi mong Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo vì việc này chúng ta không giải quyết ngày một ngày hai ngày được mà phải có biện pháp giúp người dân phòng tránh trong thời điểm nguy hiểm. Còn về lâu dài tôi đề nghị chúng ta phải hoàn thiện theo tinh thần của Thủ tướng. Những gì tôi nhắc đó là ý kiến của Thủ tướng.
Về góc độ Bộ Tài nguyên Môi trường, tôi sẽ thực hiện ý kiến của Thủ tướng, sẽ giám sát việc thực hiện của các đồng chí, vì không có lý do gì mà quyết định của Thủ tướng như vậy mà chúng ta lại không thực hiện để triển khai cho người dân. Để tình trạng này tồn tại, tôi và các đồng chí nhận thấy chúng ta có trách nhiệm, khuyết điểm trước Thủ tướng và với người dân", Bộ trưởng Hà nói.
Bình luận