• Zalo

Hà Nội sẽ 'khai tử' phố cà phê đường tàu: Du khách nói gì?

Thời sựThứ Hai, 07/10/2019 16:30:00 +07:00Google News

Ngay khi Bộ GTVT đề nghị Hà Nội giải tán phố cà phê đường tàu, nhiều hộ kinh doanh và du khách tỏ ra luyến tiếc, tuy nhiên hầu hết đều ủng hộ đề xuất này.

Phố cà phê đường tàu đông nghẹt trước ngày 'khai tử'

Ngày 4/10, Bộ GTVT gửi văn bản đề nghị TP Hà Nội rà soát các quán cà phê trên đường sắt, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn. Bộ GTVT yêu cầu UBND TP Hà Nội thực hiện các biện pháp để ngăn chặn, giải tán các tụ điểm đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.

Ngay sau thông tin này, nhiều người Thủ đô tranh thủ kéo đến khu vực cà phê đường tàu chơi, trải nghiệm cảm giác mạo hiểm và chụp những bức ảnh lưu niệm đẹp ở nơi đây.

cafe duong tau 1 8

 Đoạn đường tàu Trần Phú – Phùng Hưng thu hút khách tham quan trong hai năm trở lại đây.

Cà phê đường tàu vốn là đoạn đường sắt nối từ phố Điện Biên Phủ tới Phùng Hưng, là khu vực có nhiều dân cư sinh sống hai bên.

Dù được cảnh báo là nguy hiểm nhưng sau khi các quán cà phê mọc lên, nhiều người dân và du khách vẫn bất chấp tụ tập đông người để chụp ảnh, thậm chí có những trường hợp đứng, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.

Khi tàu đến, tiếng rung, rít rất lớn nhưng du khách vẫn thường đứng nghiêng người, ở bên lề ngó ra ngoài để chụp ảnh, thậm chí có người còn chạm vào tàu.

cafe duong tau 3 3

Ngay cả trẻ em cũng được người thân hướng dẫn tạo dáng trong lòng đường tàu.

Sẽ chấp hành quy định để đảm bảo an toàn

Trước thông tin phố cà phê đường tàu sắp bị dẹp, đa số khách du lịch và hộ kinh doanh cho rằng, những rủi ro tai nạn tại phố cà phê đường tàu vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát. Tuy nhiên, để đảm an toàn tuyệt đối, nhiều chủ quán cà phê cho biết sẵn sàng chấp hành quy định của Bộ GTVT.

Bà Vũ Thị Hiền Nga (65 tuổi) – chủ quán cà phê mới hoạt động 3 tháng tại phố đường tàu cho biết: “Nếu khách muốn ngồi cạnh đường tàu, chúng tôi đều ngăn cản vì thật sự rất sợ nguy hiểm cho khách. Khi có tàu đến, chúng tôi đều cẩn thận nhắc khách vào nhà ngồi. Từ trước hay sau khi có đề xuất của Bộ GTVT, quán tôi cũng đều như vậy.”

cafe duong tau 5 5

Các hộ kinh doanh đảm bảo chắc nịch về sự an toàn của khách tham quan, thế nhưng nhìn hình ảnh này khó ai dám đảm bảo an toàn cho du khách khi tàu chạy qua.

Cũng theo bà Nga, từ sáng 5/10, công an phường và giao thông đường sắt thường xuyên cử người đến từng quán cà phê yêu cầu tháo dỡ các biển hiệu treo bên ngoài.

Đề xuất của Bộ GTVT là không cho ngồi hành lang đường tàu nhưng vẫn được ngồi trong nhà. Nếu có quy định xóa bỏ hết quán cà phê đường tàu thì chúng tôi cũng sẽ chấp hành”, bà Nga nói.

cafe duong tau 7 7

Hà Nội có rất nhiều điểm du lịch văn hóa và an toàn hơn địa điểm tham quan “thách thức tử thần” như cà phê đường tàu.

Nhiều vị khách đến uống cà phê cũng tỏ ra đồng tình với đề xuất xóa bỏ các điểm kinh doanh cà phê gần đường tàu để đảm bảo an toàn.

Anh Hồ Đức Thắng (21 tuổi) là khách du lịch lần đầu tiên uống cà phê tại phố đường tàu cho rằng: “Điều này sẽ đảm bảo an toàn hơn cho mọi người, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người.

Thông thường mọi người đều biết lịch tàu chạy để lùi vào hai bên lề, tuy nhiên nếu một em bé bất ngờ tuột khỏi vòng tay bố mẹ khi tàu chạy qua thì cũng đều dẫn đến nguy hiểm.

cafe duong tau 8 9

Nhiều người cho rằng, bỏ một địa điểm hút khách du lịch để lấy sự an toàn vẫn là một phép đổi hợp tình hợp lý.

Đồng quan điểm, ông Gary (59 tuổi, du khách từ Anh), một người sớm biết đến hình thức cà phê đường tàu bày tỏ: “Con phố này cách đây một năm rất khác. Trước đây, ở khu vực gần đường tàu có nhiều nhà dân bản địa, họ sinh hoạt thường nhật như nấu cơm ngay cạnh đường ray khiến con phố mang đậm màu sắc truyền thống.

Hiện tại đang có rất nhiều quán cà phê mọc lên, làm mất dần bản sắc của con phố, tăng sự ồn ào của đủ thứ âm thanh và tôi không thích điều đó".

cafe duong tau 4 4

Nhiều người cũng mong muốn có quy định phù hợp để vừa đảm bảo an toàn, vừa thu hút du khách.

Bên cạnh đó, cũng có một vài ý kiến cho rằng thay vì xóa bỏ hoàn toàn, nên tạo cơ chế, hành lang hợp lý cho việc kinh doanh cà phê ở đây để vừa đảm bảo an toàn, vừa thu hút khách du lịch.

Theo anh Hà Trung Tuyên (40 tuổi, nhân viên một quán cà phê đường tàu), Việt Nam và Thái Lan là hai nước có đường tàu đi qua nội đô.

Ở Thái Lan thậm chí còn có chợ trên đường tàu, đó là nét sinh hoạt mang màu sắc bản địa. Tại Việt Nam, cà phê đường tàu là một điểm nhấn của du lịch. Nhiệm vụ của người kinh doanh là phải đảm bảo an toàn giao thông đường sắt cũng như an toàn cho khách tại quán.

"Cần có một quy định rõ ràng về khoảng cách từ quán cà phê ra đường tàu và các giải pháp xử lý các chủ hộ kinh doanh vượt qua ranh giới đó, để đất nước mình vẫn có nhiều điểm đến thu hút du khách nước ngoài mang màu sắc hoài niệm thời xưa cũ như ở đây” - anh Nguyễn Văn Tuấn (47 tuổi) bày tỏ.

Lan Anh - Nguyễn Khánh
Bình luận
vtcnews.vn