• Zalo

Hà Nội không tổ chức bán trú khi mở cửa trường trở lại: Thứ trưởng GD&ĐT nói gì?

Tin tức - Sự kiệnThứ Ba, 08/02/2022 14:08:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nói về quy định không tổ chức ăn bán trú, học sinh chỉ học 1 buổi/ngày của Hà Nội đang khiến phụ huynh gặp khó khăn.

Tại Hội nghị giao ban báo chí đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, ngày 9/2, Bộ sẽ làm việc với thành phố Hà Nội liên quan đến vấn đề ăn bán trú khi học sinh, trẻ em được trở lại trường học trực tiếp.

"Khi các em trở lại trường, chúng ta hãy đặt cương vị của phụ huynh, nhất là gia đình có các em nhỏ, tiểu học mầm non. Nếu các em học nửa ngày, bố mẹ đi đón sẽ ảnh hưởng tới giờ làm", Thứ trưởng nói. 

Thứ trưởng dẫn chứng TP.HCM thời gian đầu không tổ chức bán trú với lý do đảm bảo an toàn chống dịch nhưng hiện nay đã tổ chức bình thường, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, giáo viên, phụ huynh.

Hà Nội không tổ chức bán trú khi mở cửa trường trở lại: Thứ trưởng GD&ĐT nói gì? - 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh. (Ảnh: Tiền Phong)

Thứ trưởng Minh cho biết thêm, hiện khoảng 17 triệu học sinh và trẻ mầm non đến trường học trực tiếp từ ngày 7/2. Trong đó, 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp bắt đầu trong khoảng thời gian từ 7/2 đến 14/2. 60/63 tỉnh, thành phố lên kế hoạch đưa học sinh bậc mầm non, tiểu học quay trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2. 100% các trường đại học, cao đẳng đã lên kế hoạch cho sinh viên, học viên đi học trở lại trong tháng 2.

Mở cửa trường học và giữ cho trường học luôn mở cửa là ưu tiên hàng đầu vì ngày càng nhiều bằng chứng chỉ ra rằng đối với những biện pháp phòng ngừa thích hợp, rủi ro về sức khỏe đối với trẻ em và nhân viên giáo dục có thể được giảm thiểu. Mở cửa trường học trở lại là biện pháp tốt nhất mà các quốc gia có thể thực hiện để bắt đầu khắc phục tình trạng gián đoạn việc dạy học.

Khảo sát, tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế và giáo dục cũng như lắng nghe ý kiến của học sinh, sinh viên cho thấy việc học ở nhà quá lâu để lại nhiều hệ lụy, tác động tới tâm lý, thể chất của các em, tác động tới cả chất lượng dạy và học.

Ở thời điểm này, dịch bệnh phần nào được kiểm soát. Tỷ lệ tiêm vaccine cho người lớn và lứa tuổi 12 đến 18 cũng rất cao. Ngành y tế đã có thuốc điều trị và kinh nghiệm thực tế trong phòng, chống dịch cũng như gia tăng khả năng điều trị COVID-19. Ý thức và sự hiểu biết của người dân về dịch bệnh tốt hơn.

Trong điều kiện đó, việc đưa học sinh trở lại trường lúc này là rất cần thiết và cần phải được triển khai nhanh chóng, kịp thời, cương quyết đối với tất cả bậc học từ mầm non đến đại học. Đây không phải chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là kiên quyết, khẩn trương và chu đáo để đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trong thời gian sớm nhất.

Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để mở cửa trường học an toàn; trong đó nhiều cuộc họp, hội nghị được triển khai nhằm bảo đảm các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường khi trường học mở cửa trở lại.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết thêm, nhằm đánh giá tình hình tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, ngày 9/2, Bộ GD&ĐT tạo sẽ tổ chức 6 đoàn kiểm tra do bộ trưởng, các thứ trưởng làm trưởng đoàn khảo sát thực tế tình hình mở cửa trường học tại các địa phương, cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến đại học.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn