Hà Nội ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024

Tin tứcChủ Nhật, 21/04/2024 11:11:31 +07:00
(VTC News) -

Hà Nội ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024, là bé gái 10 tuổi, đã tiêm 3 mũi vaccine phòng sởi.

Ngày 21/4, Sở Y tế Hà Nội thông tin, bé gái 10 tuổi ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. 

Bé khởi phát bệnh ngày 27/3. Đến ngày 12/4, xét nghiệm ELISA IgM sởi và rubella của bệnh nhi cho kết quả dương tính.

Các chuyên gia cảnh báo, năm 2024, dịch sởi nguy cơ bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần. Hai chu kỳ gần nhất là 2019 và 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao, riêng năm 2014 hơn 110 trẻ tử vong.

Trẻ em và đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, rất dễ mắc bệnh sởi do hệ miễn dịch yếu và giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ sau khi sinh ra. Việc tiêm chủng không đầy đủ có thể khiến dịch sởi bùng phát bất cứ lúc nào. Tỷ lệ tiêm chủng bao phủ cần thiết để ngăn chặn sởi lây truyền trong cộng đồng là ít nhất phải đạt 95%.

Do đó, tiêm phòng vaccine sởi cho trẻ em và người lớn là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. (Ảnh minh hoạ)

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. (Ảnh minh hoạ)

Tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận một ca mắc ho gà tại Thanh Xuân, giảm 6 ca mắc so với tuần trước.

Đối với dịch sốt xuất huyết, trong tuần ghi nhận 7 ca, giảm 6 ca so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 576 ca mắc. Trong tuần không ghi nhận thêm ổ dịch mới, các ca mắc đều là ca tản phát. Ngoài ra, các dịch bệnh khác như rubella, uốn ván, viêm não Nhật Bản, dại không ghi nhận ca mắc trong tuần.

Từ ngày 12/4 đến 19/4, toàn thành phố ghi nhận 186 ca mắc tay chân miệng, tăng 25 ca mắc so với tuần trước đó. Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 770 ca mắc tay chân miệng tăng 85% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2023.

Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, tháng 4 và 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng nên trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và ổ dịch. Do đó, các địa phương cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa y tế và nhà trường để phòng, chống dịch, kịp thời phát hiện, điều trị ca mắc và xử lý ổ dịch nhanh chóng, hiệu quả.

Hà Nội tiếp tục tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, đặc biệt tại trường mầm non, tiểu học.

Ngành y tế thủ đô tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng, chống bệnh tay chân miệng tại trường mầm non, mẫu giáo khi có ca bệnh, ổ dịch; tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống một số dịch bệnh mùa hè như: Tay chân miệng, ho gà, thủy đậu, sởi, rubella…

Đồng thời, ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động cho trẻ tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch theo khuyến cáo của ngành Y tế.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng.

Bình luận
vtcnews.vn