Không phải bàn cãi về sức mạnh của Hà Nội FC ở V-League 2018. Sau trận thua 1-2 của SLNA trước đội bóng Thủ đô ở vòng 10, nhiều người đã an ủi HLV Nguyễn Đức Thắng của đội chủ nhà: "Thua ai chứ thua Hà Nội FC thì không sao cả". Đúng vậy, thua Hà Nội FC ở thời điểm này không có gì phải xấu hổ.
Bởi Quang Hải cùng các đồng đội quá mạnh so với phần còn lại. Không có HLV Chu Đình Nghiêm trên ghế chỉ đạo, Hà Nội FC vẫn bất bại 3 trận để gia tăng khoảng cách với nhóm bám đuổi. Không có Văn Quyết hay chân sút chủ lực Oseni, Hà Nội FC đè bẹp Sanna Khánh Hòa tới 4 bàn không gỡ. Không có Thành Lương, Hà Nội FC không cho thấy sự chệch choạc.
Đội bóng Thủ đô không phụ thuộc vào cá nhân nào, đồng thời có bảng thành tích áp đảo phần còn lại tựa như cách Manchester City "nuốt chửng" Ngoại hạng Anh: Ghi 31 bàn, thủng lưới 7 lần, và vẫn bất bại sau 11 vòng. Từng nhiều năm vô địch V-League, nhưng không năm nào, Hà Nội FC lại toàn diện và mạnh mẽ như vậy.
Tuy nhiên, đó không phải niềm vui lớn nhất của đội bóng áo tím. Nhiều người từng "tiếc rẻ" cho bầu Hiển rằng Hà Nội T&T (tiền thân của Hà Nội FC) được đầu tư bài bản, sở hữu nhiều ngôi sao sáng giá, mùa nào cũng giành ngôi cao và có lối chơi "xem được", mà sân Hàng Đẫy cứ mãi vắng tanh.
Diện mạo Hàng Đẫy hôm nay khiến nhiều người vô tình quên mất: mùa bóng trước, sân bóng này từng sống trong cảnh đìu hiu, buỗn bã ra sao. Trong trận gặp FLC Thanh Hóa mùa trước, cổ động viên Hà Nội bị đối thủ áp đảo ngay tại Hàng Đẫy, dù hôm ấy, đội bóng Thủ đô đã kêu gọi khán giả để sân bằng mọi cách.
Các trận đấu của Hà Nội FC tại AFC Cup mùa trước cũng mở cửa tự do cho cổ động viên ở sân Mỹ Đình, các sinh viên ở nhiều trường đại học được vận động đi cổ vũ để khán đài sân đừng... vắng quá. Thế nhưng, vài nghìn người vẫn không đủ để che giấu thực tại "ế ẩm" người xem mỗi khi Hà Nội FC ra sân.
Để rồi, "cơn gió lạ" mang tên U23 Việt Nam khiến sân bóng cả nước - trong đó có Hàng Đẫy, sống dậy như một giấc mơ. Có người bông đùa: Hà Nội FC bỏ hàng tỷ đồng làm truyền thông và lôi kéo khán giả đến sân, cũng chẳng hiệu quả bằng một giải đấu vỏn vẹn 1 tháng trên đất Thường Châu. Cuộc đời là những cơ duyên khó lý giải.
Chỉ biết rằng, cổ động viên lấp đầy sân Hàng Đẫy để chứng kiến những "sao" U23 như Duy Mạnh, Quang Hải, Đức Huy, Đình Trọng, Văn Hậu,... dẫu mùa trước, cũng những con người này ra sân thi đấu mà lại... không mấy người xem.
Vậy nên, hiệu ứng U23 Việt Nam mang khán giả đến sân là điều không thể phủ nhận. Nhưng Hà Nội FC đã làm được điều mà nhiều đội bóng tại V-League không làm được, đó là giữ được khán giả ở lại khi V-League chuẩn bị đi qua một nửa chặng đường.
Cổ động viên mua vé vào sân với mục đích ban đầu là cảm tình với lứa U23 Việt Nam và muốn góp một phần công sức cho bóng đá nước nhà, song để giữ khán giả ở lại, nhất thiết đội bóng phải chơi hay, chơi đẹp và thể hiện bản sắc. Con số trung bình 14.000 khán giả/ trận cho thấy Hà Nội FC đã làm rất tốt.
Đừng nói khán giả Hà Nội không yêu bóng đá. Những trận derby huyền thoại giữa Thể Công và Công an Hà Nội ngày trước luôn biến Hàng Đẫy trở thành "chảo lửa" sục sôi, hay sự hiện diện của Hòa Phát hay Hà Nội ACB khiến người hâm mộ phải phấn khích.
Người Hà Nội rất yêu bóng đá và không tiếc mấy chục nghìn hay mấy trăm nghìn để bỏ tiền mua vé vào sân, song họ chỉ đến nếu cảm thấy đội bóng ở trên sân kia là đội bóng Hà Nội, đại diện cho "ý chí Hà Nội" và mang cái gì đó thật... Hà Nội.
Một tiêu chí vô hình, nhưng ai cũng có thể cảm nhận được.
Nỗ lực của Hà Nội FC không chỉ đến từ việc đổi tên hay quyết đưa "CLB Hà Nội" vừa lên từ hạng Nhất vào trong Sài Gòn (và đổi tên thành Sài Gòn FC) để trở thành đại diện "độc tôn" ở mảnh đất nghìn năm văn hiến. Cách làm bóng đá bài bản từ tuyến trẻ đến đội một, lối chơi đẹp mắt cùng tinh thần rực lửa của Hà Nội FC đã khiến khán giả phải "hồi tâm chuyển ý".
Thành công với lứa cầu thủ "của nhà trồng được" như Duy Mạnh, Quang Hải, Đình Trọng, Thành Chung,... cho thấy đội bóng của bầu Hiển không đi theo xu hướng mua bán "ăn xổi", chỉ tập trung tìm kiếm ngoại binh chất lượng trong quá khứ.
Những trụ cột hôm nay của đội bóng Thủ đô còn rất trẻ và đều là trụ cột tương lai của đội tuyển quốc gia nếu phát triển đúng lộ trình. Xem Hà Nội FC đá, không còn cảm giác chỉ xem "Tây" đá chứ không phải "Ta". Xem Hà Nội FC đá đồng nghĩa với việc xem tương lai của bóng đá nước nhà thi thố tài năng trên sân cỏ, với đầy đủ khát khao, nghị lực và cả lối chơi sạch sẽ, đẹp mắt.
Đó là sự kiêu hãnh của người Thủ đô, khi một đội bóng của Thủ đô giờ trở thành đại diện ưu tú trong làng bóng và khiến đối thủ phải nể phục khi nhắc về.
Những tiếng hô "Hà Nội" trên các khán đài chính là minh chứng cho chiến thắng oanh liệt của Hà Nội FC. Hành trình để đi từ "đội bóng của bầu Hiển" đến "đội bóng của khán giả Hà Nội" tưởng như dài vô tận, giờ đã sắp khép lại với cái kết đẹp là tình yêu trọn vẹn của người xem dành cho đội bóng chủ sân Hàng Đẫy.
10 năm rồi, Hà Nội FC không còn "được" gọi với cái tên "T&T - Tình và... tiền" đầy mỉa mai để so sánh với Hà Nội ACB hay Hòa Phát Hà Nội. Đội bóng này giờ được gọi ngắn gọn với cái tên "Hà Nội", có hẳn một bài hát cổ vũ riêng cùng những khẩu hiệu dễ nhớ như "người Hà Nội không vội được đâu", hay "tôi yêu Hà Nội".
Sức sống của đội bóng xuất hiện trong những tiếng hô "Hà Nội" hồn nhiên của những đứa trẻ. Chúng không biết tập đoàn T&T, cũng không biết bầu Hiển là ai, nhưng chúng biết Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam và đội bóng này đại diện tinh thần của Thủ đô ấy, thế là đủ.
>>> Đọc thêm: Video: Đình Trọng được bầu Hiển an ủi khi gặp chấn thương
Bình luận