• Zalo

Hà Nội được áp dụng ngừng cung cấp điện, nước với công trình vi phạm nào?

Tin nóngThứ Sáu, 28/06/2024 15:25:04 +07:00Google News
(VTC News) -

Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định Chủ tịch UBND các cấp được yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với một số công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh sai phạm.

Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định, trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với một số công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, đó là các trường hợp công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). 

Ngoài ra, các trường hợp thuộc diện bị áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước gồm các công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy mà tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; Công trình thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt; Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động.

Bên cạnh đó, một số trường hợp khác cũng bị điều chỉnh gồm: Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy; Công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp.

Người cung cấp dịch vụ điện, nước có trách nhiệm ngừng cung cấp dịch vụ ngay khi có yêu cầu của người có thẩm quyền bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng, thời hạn. Quyền ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước của người cung cấp dịch vụ điện, nước phải được thông báo cho người sử dụng dịch vụ và thể hiện trong hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước.

Trước đó, tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu, đề cập đến biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đây là biện pháp hành chính do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Điều này xuất phát từ vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô nên cần phải có các yêu cầu cao hơn trong bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nhất là về phòng cháy, chữa cháy, lấn chiếm đất công, xây các công trình trái phép. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, việc dự thảo Luật xác định đây là biện pháp để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012). Luật đã bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, 7 quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Bình luận
vtcnews.vn