Thông tin trên được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đưa ra tại Hội nghị lần thứ tư của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, ngày 17/8. Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội có 10 tuyến với hơn 410km.
Vừa qua, Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065 có bổ sung phát triển thêm 5 tuyến, nâng tổng số đường sắt đô thị Hà Nội lên 15 tuyến với tổng số chiều dài 616,9km.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ, Hà Nội phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài trên 410,8km.
"Giai đoạn 2024 - 2030 xây dựng 96,8km, sơ bộ như cầu vốn khoảng 14,6 tỷ USD; giai đoạn 2031 - 2035 xây dựng 301km, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,5 tỷ USD. Tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 cần khoảng 37,2 tỷ USD", ông Dương Đức Tuấn thông tin.
Qua rà soát các nguồn vốn đầu tư công, tổng hợp khả năng cân đối các nguồn vốn có thể huy động khác của Hà Nội đến năm 2035 là khoảng 28,56 tỷ USD. Như vậy, đến năm 2035, thành phố cần Trung ương hỗ trợ khoảng hơn 8,6 tỷ USD.
Đến năm 2045, thành phố đầu tư xây dựng hoàn thành 5 tuyến còn lại với tổng chiều dài 201km. Cùng với đó, Hà Nội hoàn thành, đưa vào vận hành, khai thác tổng thể hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô (gồm 15 tuyến, đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung với tổng chiều dài khoảng 616,9km), nhu cầu vốn giai đoạn này là khoảng 18,252 tỷ USD.
Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, thành phố đang tổ chức nghiên cứu, triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị: Tuyến số 2.1 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), Tuyến số 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai), Tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), Tuyến số 2A kéo dài (Hà Đông - Xuân Mai)…
Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại khu vực đô thị trung tâm nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, thành phố ưu tiên triển khai các tuyến đã có nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, thiết kế chi tiết như: Tuyến số 1, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên; Tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Tuyến số 3, đoạn Cầu Giấy - ga Hà Nội - Hoàng Mai; Tuyến số 5: Văn Cao - Hòa Lạc.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu vùng Đồng bằng sông Hồng tập trung phát triển theo hướng 1 vùng động lực quốc gia (gồm Hà Nội và các địa bàn dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18 qua Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh), 2 tiểu vùng (phía bắc sông Hồng và phía nam sông Hồng), 4 cực tăng trưởng (gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng), 5 hành lang kinh tế trong nước và kết nối quốc tế.
Thủ tướng chỉ đạo ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng; phát triển các nguồn cung và lưới điện, nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hạ tầng thủy lợi.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ quán triệt các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành thủ tục để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án vùng và liên vùng như dự án tuyến đường sắt đô thị tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; các dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; các dự án tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương đề xuất các cơ chế, chính sách, gồm cả cơ chế, chính sách đặc thù, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Bình luận