• Zalo

GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Bách khoa toàn thư Việt Nam phải gần gũi với người dân

Tin tức - Sự kiệnThứ Hai, 30/11/2020 14:57:39 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam phải đảm bảo tính xác thực, tin cậy và gần gũi với người dân.

Sáng 30/11, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo biên soạn Bách khoa toàn thư (BKTT) Việt Nam với chủ đề "Truyền thống và Cộng đồng". Hội thảo có sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học, giảng viên, sinh viên và những người quan tâm tới việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam.

Tại Hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đề án BKTT Việt Nam cho rằng, nếu muốn biên soạn, xây dựng bộ BKTT Việt Nam đáp ứng mục đích "trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam", rõ ràng lựa chọn tốt nhất là phương pháp bác học. Tuy nhiên, sản phẩm muốn gần gũi với nhân dân thì phải vận dụng được trí tuệ của nhân dân.

“BKTT là sản phẩm bác học, nhưng sản phẩm bác học không có nghĩa là đóng cửa chỉ có riêng thành tựu của các nhà khoa học, muốn đảm bảo độ xác thực, tin cậy, gần gũi với người dân hơn thì phải tận dụng trí tuệ của nhân dân. Đặc biệt, trong bối cảnh mạng internet, mạng xã hội rất phát triển thì việc cộng đồng tham gia đóng góp BKTT là cần thiết", ông Tấn nói 

GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Bách khoa toàn thư Việt Nam phải gần gũi với người dân - 1

Đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên tại TP.HCM tham dự Hội thảo. (Ảnh: Mai Thúy)

Nhiều nhà khoa học mang tới hội thảo những tham luận đáng chú ý như: Phương thức biên soạn BKTT Việt Nam: Bác học hay Cộng đồng?; Mạng lưới nhân lực và truyền thông trong quá trình biên soạn BKTT Nhật Bản; Biên soạn BKTT Trung Quốc: Đôi điều suy nghĩ; Những lỗi thường gặp trong BKTT Việt Nam... 

Đề án Biên soạn BKTT Việt Nam được Chính phủ phê duyệt ngày 28/7/2014, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một bộ sách phản ánh cơ bản về đất nước, con người Việt Nam và thế giới. Đề án quy tụ hàng nghìn nhà khoa học trong 70 ngành khoa học thuộc các khối ngành xã hội và nhân văn, tự nhiên và công nghệ, nghệ thuật, quốc phòng, an ninh cùng chung tay xây dựng.

Năm 2020, Đề án bước vào giai đoạn 2 với việc mời cộng đồng cùng tham gia biên soạn dựa trên ý tưởng chúng ta đang bước vào thời đại bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, điều kiện công nghệ đã khác hoàn toàn bối cảnh ra đời của các bộ BKTT hiện đại trên thế giới. Bằng cách này đã giải quyết được một số vấn đề quan trọng về nguồn lực con người và tài chính, góp phần đẩy nhanh tiến độ biên soạn, phát triển nền tảng tri thức Việt. 

MAI THÚY
Bình luận
vtcnews.vn