• Zalo

GS.Nguyễn Lân Dũng lần đầu tiết lộ bí quyết phòng bệnh

Sức khỏeThứ Bảy, 17/09/2016 12:00:00 +07:00Google News

GS.Nguyễn Lân Dũng đã chia sẻ những bí quyết để giữ gìn sức khỏe và phòng bệnh một cách hữu hiệu…

Không nên sử dụng phân đạm hóa học để bón cho rau

Trong một buổi tọa đàm về thực trạng thực phẩm ở Việt Nam hiện nay. GS. Nguyễn Lân Dũng đã bày tỏ sự trăn trở: Mỗi năm, nước ta nhập 4.100 loại thuốc trừ sâu, trong đó có 1.643 hoạt chất khác nhau. Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập về 70.000 - 100.000 tấn thuốc trừ sâu.

“Đây thực sự là một con số quá khủng khiếp. Vì thế, việc kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu trên thực phẩm là rất khó” - GS Dũng cho hay.

nguyen_lan_dung_chon_thuc

Giáo sư Dũng còn lo lắng trước thực trạng, hiện nay, nhiều người dân đã tự trồng rau nhưng lại sử dụng phận đạm hóa học để bón cho rau.

Bên cạnh nỗi lo về thuốc trừ sâu, Giáo sư Dũng còn lo lắng trước hiện trạng: Hiện nay, nhiều người dân đã tự trồng rau nhưng lại sử dụng phận đạm hóa học để bón cho rau. Trên thực tế, rau xanh sử dụng phân đạm hoá học cũng nguy hiểm chẳng kém. Rau sẽ tồn dư rất nhiều nitrit và đây là loại chất gây ung thư cho người sử dụng.

Thậm chí, nhiều người bán rau nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, đã “lấy sâu để đảm bảo rau sạch” bằng cách bắt sâu bên ngoài rồi cho bò lổm ngổm trên rau. Cũng có khi, người trồng rau để cho sâu ăn 1 ít lá rồi mới phun thuốc và người tiêu dùng thấy lá rách lỗ chỗ lại tưởng là rau không bị phun thuốc trừ sâu.

Trước vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan, GS Nguyễn Lân Dũng từng “chua chát” nói rằng: “Chưa bao giờ người ta cho nhau rau sạch, thực phẩm sạch lại quý giá như hiện nay”.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cũng từng hoảng hồn vì độ bẩn của nước mía siêu sạch. Ông đã chia sẻ với phóng viên: “Nước mía ở ngoài đường là vô cùng bẩn. Tại sao người dân chúng ta uống nhiều lần mà không bị đau bụng, trong khi đó 3 sinh viên nước ngoài đang học ở trường tôi dạy, uống chung một cốc nước mía đều bị đau bụng phải đi cấp cứu... Nguyên nhân một phần là bởi: Người dân Việt đã quen với những đồ ăn, thức uống bẩn rồi nên cơ thể dần thích nghi...”.

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng băn khoăn là tại sao ở Việt Nam không nghiên cứu, sản xuất các loại nước ép hoa quả như nước mía, nước vải, nước thanh long… đóng trong hộp giấy để người tiêu dùng được sử dụng những loại nước giải khát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?!

Cách chống thực phẩm bẩn, phòng bệnh tật của GS. Nguyễn Lân Dũng

Việt Nam là nước nằm trong top 15 nước hút lá nhiều nhất thế giới. Cụ thể có 15,3 triệu người trưởng thành hút thuốc lá ở Việt Nam, 2/3 phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc lá tại nhà, 33 triệu người không hút thuốc lá vẫn phải thường xuyên hít khói thuốc.

nguyen_lan_dung_chon_thuc_pham_sach3

Cả gia đình GS.Nguyễn Lân Dũng không ai hút thuốc lá. Ảnh: Internet. 

Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành – GATS - 2010, Việt Nam hiện có 47,4% nam giới hút thuốc lá, và tỷ lệ này rất may là còn thấp ở giới nữ, chiếm 1,4%. Điều đáng báo động đó là tỷ lệ người hút thuốc lá đang dần bị “trẻ hóa” và người Việt Nam đang chi rất nhiều tiền cho việc dùng thuốc lá – nguyên nhân chính gây bệnh ung thư phổi.

GS Nguyễn Lân Dũng tâm sự cả gia đình ông, con cháu thuộc dòng họ Nguyễn Lân không ai hút thuốc lá cả. Từ thời của GS Lân Dũng còn trẻ thì bố ông đã dạy con cái nói không với thuốc lá. Vì vậy không ai trong gia đình họ hút. Trong nhà cũng không bao giờ để gạt tàn hay khách vào nhà cũng không hút thuốc lá.

Giáo sư Lân Dũng cho rằng: Cách tốt nhất để cai nghiện thuốc lá đó là chị em phụ nữ mạnh mẽ tuyên bố không lấy chồng, không yêu những người hút thuốc lá may ra nam giới mới bỏ thuốc được.

Trong cuộc sống hàng ngày, GS Dũng nhắc nhở: Chị em phụ nữ đừng nên tin vào những lời quảng cáo phóng đại sự thật. Các biện pháp như khử ôzon hay các máy đo lượng tồn dư hoá chất của người tiêu dùng, GS Dũng khẳng định không có giá trị bởi có hàng nghìn loại hoá chất khác nhau như thế thì không có loại máy nào có thể đo hết được.

Còn để phòng tránh mua phải thực phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khỏe, GS Lân Dũng khuyên: các bà nội trợ nên chọn rau rừng, rau có vị đắng thì những loại rau này ít sâu bệnh, ít sâu ăn nên người trồng sẽ không phải phun thuốc trừ sâu nhiều. Hoặc các loại rau mầm, giá đỗ… cũng không có sâu.

Ngoài ra, chúng ta có thể trồng rau sạch bằng cây chùm ngây. Đây là loại rau không có sâu bệnh. Đặc điểm của cây rau chùm ngây là trồng càng nhiều càng không có sâu ăn. Hiện nay, rất nhiều gia đình ở Hà Nội đã thực hiện trồng loại rau này.

“Gia đình tôi có một người cháu trồng rau sạch và thường xuyên cho tôi để sử dụng. Còn thịt lợn thì tôi mua thịt lợn sạch ở trang trại mà tôi giúp đỡ ở trên.

Ngoài ra, với các thực phẩm khác thì khi tôi sử dụng đề phải đảm bảo là biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần trong đó. Đồng thời, gia đình tôi cũng ăn các loại rau mà biết không có sâu như giá đỗ hay rau mầm...” – GS. Dũng tâm sự.

GS Dũng cũng nói không với hoa quả nhập khẩu vì “mua hoa quả nhập khẩu ở những nơi đảm bảo, giá cả không hề rẻ, còn giá phải chăng thì dễ mua phải hoa quả không rõ nguồn gốc, nhập khẩu từ Trung Quốc”. Vì thế, gia đình ông hầu như chỉ sử dụng hoa quả trong nước với mùa nào thức đó.

Đối với những người thích uống rượu bia, GS Dũng nói: Nên chọn mua sản phẩm của các loại rượu của các nhà máy lớn và có đủ uy tín. Các loại rượu tự chế tại các cơ sở tư nhân rất khó xác định được chất lượng.

“Theo các tài liệu khoa học thì cồn được hấp thụ trên toàn tuyến của bộ phận tiêu hóa, bắt đầu ngay từ màng niêm mạc trong miệng. Cồn được hấp thụ ở đấy sẽ đi thẳng vào máu và được phân tán ra toàn cơ thể. Chính vì thế, nếu chọn rượu không an toàn và nhiều tạp chất, các bộ phận trên cơ thể đều bị ảnh hưởng rất nhiều, rất nhanh.

Các bác sĩ đã ghi nhận rất nhiều bệnh tật từ rượu kém chất lượng, như Alzheimer, bệnh ung thư ở đường tiêu hóa trên và ở gan. Do đó, bạn không nên phó mặc sức khỏe của mình cho rượu kém chất lượng” – GS.Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

(Nguồn: VietQ)
Bình luận
vtcnews.vn