GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (ĐHQG Hà Nội) đứng đầu trong 5 người Việt lọt top 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021 đã có những trao đổi với VTC News về dạy học trực tuyến.
- Trải qua 2 năm đại dịch, đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, theo GS chúng ta đã bộc lộ những hạn chế gì?
Trước hết, về cơ bản hệ thống giáo dục của chúng ta đã đáp ứng và chuyển mình khá tốt, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập không bị gián đoạn trong mùa dịch. Chúng ta đã có sự trải nghiệm, thích ứng với việc giảng dạy trực tuyến và cũng từ thực tiễn đã phát hiện nhiều cơ hội rất mới mẻ trong dạy và học, tạo động lực để các cơ sở giáo dục chuyển mình nhanh hơn với chuyển đổi số và áp dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0.
Trải qua 2 năm đại dịch, đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, chúng ta cũng đã phát hiện và bộc lộ một số hạn chế như hạ tầng CNTT còn chưa đồng bộ và nhiều nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu, còn có những bất cập; chưa có phần mềm đào tạo trực tuyến đủ mạnh "Made in Vietnam" để dùng chung cho các cơ sở giáo dục.
Do đó, quy chế đào tạo trực tuyến còn phải tiếp tục phải hoàn thiện, bổ sung. Việc chuẩn bị, số hóa học liệu ở nhiều trường cũng mới chỉ ở mức độ ban đầu, còn thiếu và nhiều hạn chế; tâm lý cán bộ, giảng viên và sinh viên khi giảng dạy và học trực tuyến thời gian quá dài cũng có những căng thẳng nhất định và đặc biệt với các ngành đòi hỏi thực hành, thực tế, thực địa chưa triển khai được; việc ít tương tác trực tiếp với giảng viên cũng ảnh hưởng đến động lực và chất lượng học tập của sinh viên.
- Nhiều ý kiến cho rằng việc học trực tuyến kéo dài và không hiệu quả, chúng ta có thể tạo ra một thế hệ học sinh, sinh viên “kém chất lượng”. Quan điểm của GS về vấn thế này thế nào?
Thực tế trên thế giới đã có không ít trường đào tạo trực tuyến, thậm chí còn cấp bằng cho những chương trình đào tạo từ xa, online hoàn toàn. Tuy nhiên với nước ta, việc giảng dạy trực tuyến kéo dài như trong thời gian qua chưa từng có trong tiền lệ.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, với các hạn chế bất cập như tôi đã nói ở trên, đương nhiên có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở những mức độ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện từng trường và khả năng thích ứng của từng giảng viên và sinh viên, nhất là với các môn đòi hỏi có thực hành thực tập và tương tác giữa giảng viên và người học.
Ngay cả việc chúng ta có thể giảng dạy hoàn toàn trực tuyến, thì việc tiếp xúc, được các giáo sư và các giảng viên có trình độ và kinh nghiệm giảng dạy và dìu dắt sẽ nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo. Đây là cơ sở quan trọng để tạo sự phân hóa và đảm bảo chất lượng đào tạo giữa các trường.
Để khắc phục những mặt hạn chế và nâng cao chất lượng đào tạo giảng dạy trực tuyến và online kéo dài, theo tôi, chúng ta trước hết cần xây dựng một nền tảng (platform) phần mềm giảng dạy trực tuyến chung cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, kéo theo là nâng cấp cơ sở vậy chất (CSVC), đường truyền.
Đặc biệt, phải nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng và số hóa bài giảng và học liệu; ứng dụng các mô phỏng 3D để hỗ trợ mạnh hơn nữa trong việc đào tạo thực hành, thực tế ảo; các cơ sở đào tạo cần có chính sách và giải pháp hỗ trợ giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy và học trực tuyến. Đồng thời hoàn thiện các quy chế, quy định, tăng cường kiểm tra giám sát quá trình giảng dạy, học tập.
- Chuyển từ dạy truyền thống sang dạy học qua internet gặp những thách thức như thế nào với cả người dạy và người học, thưa GS?
Thách thức trước tiên là không phải em nào cũng có máy tính và mọi nơi, mọi lúc không phải lúc nào đường truyền cũng thông suốt.
Khi chuyển sang dạy học qua internet, chúng ta chưa có ngay những phần mềm nền tảng của Việt Nam, mà giảng dạy trực tuyến được thực hiện với nhiều hình thức như zoom, Microsoft teams và một số phần mềm blended learning LMS khác, vì vậy có những linh hoạt nhưng cũng kéo theo nhiều hạn chế nhất định trong tổ chức và quản lý đào tạo.
Việc giảng dạy trực tuyến cũng mở ra cơ hội với một số môn học chung có thể giảng dạy và học tập ở mọi nơi mọi lúc, với những lớp online với số lượng rất đông học sinh tham gia; cũng như cơ hội có thể học online để công nhận tín chỉ những học phần chung giữa các trường đại học. Việc thảo luận nhóm được tổ chức bằng hình thức online cũng hiệu quả không kém so với học trực tiếp.
Tuy nhiên với những môn như Toán, các môn kỹ thuật có bài tập, khi giao bài tập trên lớp để kiểm tra năng lực tiếp thu của sinh viên, lại phải mất thời gian hơn để kiểm tra từng sinh viên. Do đó những môn như vậy lại phải chia thành các lớp nhỏ hơn, để đảm bảo trong thời lượng lên lớp có thể kiểm tra từng em sinh viên.
Với những môn như Y sinh, hoặc những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cần thực hành thực tập, cần làm việc trong bệnh viện, phòng thí nghiệm thì đương nhiên chưa thể triển khai được.
Bên cạnh đó, do thời gian ở nhà giãn cách xã hội lâu, tâm lý của giảng viên và sinh viên cũng có nhiều ảnh hưởng và xáo trộn nhất định và đã có những công bố về các kết quả nghiên cứu về việc này.
- Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đại dịch vẫn tiếp diễn trong năm 2022, thậm chí là 2023, chúng ta cần phải có bước đi như thế nào trong giáo dục để thích ứng với tình trạng “bình thường mới” vừa sống chung với dịch, vừa có chất lượng tốt?
Cùng với những tiến bộ của ngành y tế trong việc chế tạo vaccine và thuốc chữa COVID-19, tôi tin chúng ta sẽ khống chế được bệnh dịch và về lâu dài, phải xác định sống chung với dịch bệnh này, xem COVID-19 như cúm mùa để bình thường hóa trở lại việc dạy và học trong nhà trường.
2 năm qua sống trong dịch bệnh, triển khai dạy và học trực tuyến từ thực tiễn, chúng ta đã nhận thức và rút ra được những bài học, những thách thức và cơ hội.
Trước mắt, phải khẩn trương nâng cấp và hoàn thiện cơ sở vật chất, nền tảng CNTT phục vụ giảng dạy online; phát triển các nền tảng giáo dục trực tuyến blended learning hay xa hơn nữa là ví dụ như MOOCs - một nền tảng giảng dạy trực tuyến chung cho các trường đại học Việt Nam là những việc phải làm ngay cho tình hình mới. Trên cơ sở nền tảng này, từng trường có thể xây dựng thêm các modul để phù hợp với đặc thù của ngành và lĩnh vực đào tạo.
Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo offline và online được xem như một phương pháp giảng dạy mới trong bối cảnh dịch COVID-19. Do đó các trường cần đầu tư xây dựng những giảng đường, phòng học thông minh đáp ứng các yêu cầu học tập trực tuyến.
Cần khẩn trương và chủ động hoàn thành số hóa các học liệu phục vụ đào tạo trực tuyến. Việc xây dựng các bài giảng 3D với các bài thực hành thực tập ảo rất tốn kém và công phu, đòi hỏi thời gian và không phải ngày một ngày hai thực hiện xong ngay hết được.
Sử dụng các nguồn lực chung, các bài giảng điện tử đã có để công nhận kết quả giữa các trường đại học sẽ tiết kiệm các chi phí và mở ra nhiều cơ hội cho người học.
Điều chỉnh quy chế tổ chức và quản lý đào tạo cho phù hợp thực tiễn và nền tảng công nghệ của nhà trường để tăng cường kiểm tra giám sát, quản lý quá trình dạy và học, đảm bảo chất lượng đào tạo.
Việc thành lập các bộ phận kỹ thuật chuyên nghiệp để hỗ trợ các thầy cô số hóa bài giảng cũng như hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập là việc rất nên triển khai trong mỗi nhà trường.
Xin trân trọng cảm ơn GS!
Bình luận