• Zalo

GS Nguyễn Minh Thuyết: Làm rõ 3 phương thức thi CĐ-ĐH

Giáo dụcChủ Nhật, 21/09/2014 07:58:00 +07:00Google News

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cần làm rõ phương thức tuyển sinh năm nay để các thí sinh đủ tâm lý dự thi.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cần làm rõ phương thức tuyển sinh năm nay để các thí sinh đủ tâm lý dự thi.

- Bộ GD-ĐT vừa công bố chọn phương án thi 4 môn cho kỳ thi quốc gia năm 2015. Giáo sư có nhận xét gì về quyết định này?

Cá nhân tôi thì không muốn gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH làm một. Tôi nghĩ, thi tốt nghiệp nên giao cho địa phương tổ chức. Tuyển sinh ĐH, CĐ thì để các trường tự quyết.

Bộ GD-ĐT nên thực hiện đúng vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, tức là hoạch định chiến lược, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, thanh tra và xử lý nghiêm các sai phạm, nếu có.


Tuy nhiên, nếu chỉ bàn bạc trong phạm vi 3 phương án thi đã nêu thì Bộ chọn phương án một (thi 4 môn) là đúng vì nó không khác nhiều so với cách thi năm trước. Điểm khác duy nhất là Ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc. Tuy nhiên, ở những trường chưa có điều kiện học Ngoại ngữ tốt, học sinh được phép chọn môn thay thế. Như vậy sẽ giảm được áp lực.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cần làm rõ 3 phương thức thi tuyển năm nay ở các trường CĐ-ĐH để thí sinh đủ tâm lý dự thi. 
- Mặt hạn chế của phương án thi 4 môn của kỳ thi quốc gia chung, theo ông là gì?

Đánh giá một cách chung nhất thì kỳ thi quốc gia năm nay tự nó không giải quyết được hai vấn đề: đánh giá khách quan trình độ học sinh và giảm sự cồng kềnh. Kỳ thi đang gây lo lắng, căng thẳng cho học sinh, nhà trường và xã hội bởi được thực hiện gấp gáp quá.

Đối với thầy và trò lớp 12 năm nay, đây là thử thách tâm lý rất lớn. Các em phải học vất vả hơn khi không còn một tháng ôn thi ĐH, CĐ nữa. Các trường có lẽ sẽ gác hết mọi việc để tập trung vừa ôn tốt nghiệp, vừa ôn thi ĐH, CĐ cho học sinh mà ở THPT không phải thầy cô nào cũng quen hướng dẫn thi ĐH, CĐ.

Để thực hiện tốt kỳ thi này, trước hết Bộ GD-ĐT cần làm rõ một số điểm chưa rõ.


Đầu tiên là vấn đề các trường ĐH, CĐ sẽ tuyển sinh theo phương thức nào. Đây là điều quan trọng, cần giải quyết trước nhất. Những năm trước, học sinh thi ĐH, CĐ đã biết trước từ 2-3 năm phương án tuyển sinh của trường, điểm chuẩn thường lấy là bao nhiêu để lựa chọn và gắng sức học hành cho đỗ đạt.

Năm nay, học sinh lớp 12 chỉ còn 8 tháng để học thi mà chưa biết ĐH, CĐ sẽ tuyển sinh theo hình thức nào, như vậy thì các em sẽ rất bị động.


Điểm thứ hai Bộ GD-ĐT cần làm rõ là xử lý kết quả thi Ngoại ngữ ra sao. Nếu cả nước cùng thi môn học này thì không có vấn đề gì nhưng có những em được thi môn thay thế. Chắc những học sinh đó không thể vào các trường ĐH, CĐ tuyển khối D?

Những em sử dụng chứng chỉ Ngoại ngữ của các trung tâm thay cho thi kỳ thi chung có được xét vào ĐH,CĐ khối D không? Tôi nghĩ chắc cũng không vì đã gọi là thi thì phải xét kết quả trên cùng một mặt bằng.


Điểm chưa rõ thứ ba là kết quả thi được tổ chức ở địa phương sẽ được sử dụng như thế nào? Việc để các thí sinh không có nhu cầu vào ĐH, CĐ thi ở địa phương giúp giảm gánh nặng cho cụm thi ở các trường ĐH và giảm gánh nặng tài chính cho gia đình thí sinh.

Cách tổ chức 2 loại cụm thi này có thể là bước đầu tạo ra phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, đặt ra cụm thi ở địa phương sẽ rất phức tạp. Các em thi tại đây có bị cấm đăng ký vào ĐH, CĐ không khi thi đề chung, chấm thi theo đáp án, biểu điểm chung? Nếu xét cả những HS thi ở cụm thi địa phương vào ĐH, CĐ thì sẽ phá vỡ nguyên tắc phân chia thí sinh ban đầu của Bộ, còn nếu không xét thì không đúng luật.


Mặt khác, tôi ngờ rằng kết quả thi ở nhiều địa phương có thể sẽ cao hơn kết quả cụm thi do ĐH cầm trịch vì ĐH coi thi chặt chẽ hơn và mọi người quan tâm cụm thi ở ĐH nhiều hơn cụm thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Như vậy sẽ dẫn đến tình trạng, học sinh thi ở cụm thi ở địa phương có điểm cao hơn lại không vào được ĐH, CĐ, còn những em thi ở cụm thi ĐH có điểm thấp hơn lại được vào.

Cùng với việc làm rõ một số vấn đề chưa rõ, Bộ GD&ĐT cần công bố lộ trình đổi mới để học sinh những năm tới đây không bị bất ngờ như năm nay. Bởi vì tôi không nghĩ rằng phương án thi năm nay là phương án cuối cùng trong đổi mới thi cử. Ngay cả những việc cụ thể như đến năm nào thì chấm dứt việc thay Ngoại ngữ bằng một môn khác cũng cần nói rõ từ bây giờ.

- Có ý kiến cho rằng, việc Bộ đưa Ngoại ngữ làm môn thi bắt buộc là chưa hợp lý. Quan điểm của GS về vấn đề này thế nào?

Ngoại ngữ là môn rất quan trọng, nhất là trong thời hội nhập này. Nếu theo đúng dự kiến thì năm 2015 thị trường ASEAN sẽ là một, kể cả thị trường lao động. Như vậy, các doanh nghiệp trên đất Việt Nam có quyền tuyển và phải tuyển công dân các nước ASEAN vào làm việc. Lúc đó người Việt kém ngoại ngữ hơn thì sẽ bị thất nghiệp ngay trên quê hương mình. Người lao động bình thường khi đó cũng cần giỏi ngoại ngữ.

Mặt khác, từ trước đến nay, chuẩn tốt nghiệp của Việt Nam cũng khác nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Một trong những chuẩn tốt nghiệp của các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines là sử dụng tương đối thành thạo tiếng Anh; còn Việt Nam thì không đặt ra yêu cầu này. Như vậy, phải chăng cùng là bằng tốt nghiệp phổ thông nhưng bằng Việt Nam kém hơn nước khác? Chúng ta không thể chấp nhận điều đó lâu dài được nên cần nâng cao yêu cầu về Ngoại ngữ hơn.

- Về lâu dài, theo ông phương án nào sẽ hợp lý cho kỳ thi quốc gia chung?


Tôi nghĩ đó là thi theo các bài thi tích hợp như phương án 3.

Ở thời điểm hiện tại, phương án này chắc chắn gây khó cho cả học sinh, người ra đề và người chấm. Một số người nói, chờ có chương trình sách giáo khoa mới hãy thi tích hợp, nhưng cá nhân tôi cho rằng, không hy vọng chương trình mới giải quyết được vấn đề này vì ở Việt Nam bây giờ lấy đâu ra chuyên gia để soạn chương trình và sách các môn tích hợp? Bởi vì chuyên gia hay các giáo viên của ta vẫn chỉ chuyên về từng môn riêng lẻ.

Tôi nhớ là khi xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa năm 2000 có đặt ra vấn đề tích hợp các môn học, nhưng cuối cùng chỉ thực hiện được ở môn Ngữ văn (tích hợp Tiếng Việt, Văn học, Làm văn), bởi trước cải cách giáo dục năm 1979, Tiếng Việt, Văn học, Làm văn vốn là các phân môn của cùng một môn học. Tuy nhiên, việc gộp 3 môn này vẫn chưa thành công, vì còn rời rạc. Các môn gần nhau thế mà tích hợp chưa xong thì tôi không biết các môn Toán, Lý, Hóa lấy ai ra để tích hợp được.

Song, đổi mới để phát triển là cần thiết. Chúng ta vẫn có thể ra đề tích hợp ở mức vừa phải rồi dần dần nâng lên khi cả hệ thống tiến bộ hơn.

Theo Quỳnh Trang/VNE
Bình luận
vtcnews.vn