• Zalo

GS Đặng Văn Chí và hành trình thành nhà nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới

Diễn đànThứ Sáu, 04/02/2022 08:06:00 +07:00Google News
(VTC News) -

GS Đặng Văn Chí, thành viên hội đồng giải thưởng VinFuture nổi tiếng thế giới với các nghiên cứu về ung thư trở về quê hương đón Tết Nguyên đán sau 53 năm xa xứ.

GS Đặng Văn Chí (67 tuổi) hiện là Chủ tịch hội đồng cố vấn khoa học của Viện ung thư quốc gia Mỹ. Là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về chuyển hóa ung thư, ông thường được các trường đại học top 1 thế giới về y khoa mời chia sẻ về cách các khối u thiết lập lại con đường sinh hóa để hấp thụ dưỡng chất và cách phá vỡ các thích ứng độc hại này - một cách tiếp cận hiện hữu trong điều trị ung thư. 

GS Chí được coi là người tiên phong trên thế giới nghiên cứu liên ngành giữa sinh học và ung thư. Các nghiên cứu của ông tìm hiểu về cách các tế bào ung thư thay đổi quá trình trao đổi chất dựa trên thí nghiệm về một loại đường (glucozo) quan trọng tồn tại trong cơ thể con người. Nghiên cứu này giúp giải thích một dấu hiệu của bệnh ung thư được gọi là "Hiệu ứng Warburg". Hiện nay, các liệu pháp được đưa ra dựa trên công trình này đang trong các giai đoạn phát triển lâm sàng.

GS Đặng Văn Chí và hành trình thành nhà nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới - 1

GS Đặng Văn Chí.

Nối nghiệp Y của cha

GS Đặng Văn Chí, SN 1954 tại TP.HCM. Ông lớn lên trong gia đình có 10 anh chị em - ông là con thứ 6, tên ở nhà được ba mẹ gọi là bé Bảy. Cha ông là Đặng Văn Chiếu - bác sĩ phẫu thuật thần kinh đầu tiên của Việt Nam và từng là trưởng khoa Đại học Y khoa Sài Gòn.

GS Chí coi cha như hình mẫu để học hỏi và tiến tới các vị trí dẫn đầu trong nghiên cứu về y học hàn lâm.

"Di sản lớn nhất ba tôi để lại cho các con là bài học về lòng nhân ái. Là bác sĩ, ông ấy luôn buồn bã mỗi khi bệnh nhân nào đó không qua khỏi, ông cảm thấy như mất đi một người thân. Có lẽ đó là động lực để ba tôi làm việc nhiều hơn mỗi ngày tìm ra hướng điều trị được hiệu quả nhất cho bệnh nhân", ông nói.

Hồi nhỏ ông từng hỏi ba, vì sao ba cứ làm việc liên tục mà không đi nghỉ ngơi, đi du lịch. Ba nói, công việc là niềm yêu thích của ba, mỗi ngày đi làm việc cũng chính là đi nghỉ. Điều đó tác động sâu sắc vào nhận thức, vào suy nghĩ của ông cho đến tận bây giờ.

"Tôi tự nhủ, ngày nào ba cũng được đi nghỉ như thế thì tại sao mình lại không làm công việc như ba để ngày nào cũng được đi nghỉ". Cứ thế, 7 anh chị em của GS Chí đều trở thành các bác sĩ, nối nghiệp ba.

GS Đặng Văn Chí và hành trình thành nhà nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới - 2

GS Đặng Văn Chí chia sẻ trong sự kiện của VinFuture.

Sau khi tới Mỹ năm 1967, ông hoàn thành bằng cử nhân Hóa học tại Đại học Michigan năm 1975, lấy bằng tiến sĩ hóa học tại Đại học Georgetown năm 1978 và lấy thêm bằng tiến sĩ nữa tại Đại học Johns Hopkin vào năm 1982.

Ở Đại học California, bang San Francisco, ông hoàn thành luận án nghiên cứu sinh về huyết học - ung thư và làm quen với gen MYC, loại gen đóng vai trò quan trọng trong các công trình y học của ông sau này.

25 năm tạo ra nghiên cứu đột phá

Ông dành gần 25 năm giảng dạy tại Đại học Johns Hopkins, đảm nhiệm đến vị trí phó khoa nghiên cứu của trường, nơi ông từng nghĩ sẽ chẳng bao giờ rời đi. Nhưng đến năm 2011 anh trai ông qua đời vì ung thư di căn mô mềm khiến ông trăn trở. "Là một bác sĩ chuyên khoa ung thư, mình cần phải làm nhiều hơn nữa", ông tự nhủ.

Khi Đại học Pennsylvania mời về làm giám đốc trung tâm ung thư năm 2012, ông nhận lời. "Đây là trung tâm từng phát hiện ra nhiễm sắc thể bất thường có thể gây ung thư, và phát triển một thế hệ liệu pháp tế bào T có khả năng cứu sống con người.

Tại nơi này, tôi có cơ hội trò chuyện và hợp tác về nghiên cứu đồng hồ sinh học. Họ nhận ra những tiến triển quan trọng: Nếu ung thư là căn bệnh của sự phát triển tế bào và nhịp sinh học kiểm soát chu kỳ tế bào thì sự gián đoạn của đồng hồ sinh học bên trong là điều còn thiếu trong việc nghiên cứu sự phát triển và tăng trưởng của khối u".

Ông cho biết thêm, đồng hồ sinh học là chu trình sinh học phức tạp kiểm soát toàn bộ nhịp điệu sinh hoạt hàng ngày như giấc ngủ, thói quen ăn uống, nhiệt độ cơ thể và nhiều chức năng sinh lý khác. Cơ thể con người có đồng hồ sinh học chính trong não và nhiều đồng hồ thứ cấp ở các cơ quan khác, cũng như riêng lẻ trong mỗi tế bào. Chúng đều được điều khiển bởi một mạng lưới phức tạp gồm gene và protein kiểm soát. Ông và nhóm nghiên cứu phát hiện việc cho bệnh nhân ung thư uống thuốc lúc vào lúc 10h hoặc 18h giúp giảm bớt sự phát triển của khối u. 

Khi các đồng hồ khác nhau hoạt động đồng bộ nhịp nhàng, cơ thể vận hành như cỗ máy trơn tru. Nhưng khi một số gene bị đột biến hoặc loại khỏi vị trí do hội chứng rối loạn cơ thể khi thay đổi múi giờ, các hệ thống này có thể bị phá vỡ, dẫn tới các khối u phát triển và lan rộng.

GS Chí tin rằng, liệu pháp này có thể giúp cứu vãn nhóm thuốc điều trị ung thư mới đầy hứa hẹn này. "Chúng ta có thể can thiệp vào chức năng gan bằng cách xác định thời gian sử dụng những loại thuốc đó", ông nói.

GS Đặng Văn Chí và hành trình thành nhà nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới - 3

GS Đăng Văn Chí.

53 năm xa xứ

Lần trở về Việt Nam này rất đặc biệt với GS Đặng Văn Chí. Ông được trở lại quê hương sau 53 năm xa xứ theo gia đình sang Mỹ định cư. Vốn tiếng Việt của ông mai một đi nhiều.

"Công việc liên miên khiến tôi không thể nào dứt ra được dù tôi đã ấp ủ từ lâu kế hoạch đưa con cháu quay về Việt Nam thăm quê hương, họ hàng. Vì vậy, khi nhận được lời mời của VinFuture tham gia hội đồng giải thưởng tôi đồng ý ngay, vì tôi tìm thấy ở việc hợp tác này là cơ hội để hàng năm trở về nước", ông chia sẻ.

Ngoài tham gia vào Hội đồng giải thưởng VinFuture hàng năm, GS Đặng Văn Chí đang làm việc với một số đơn vị của Tập đoàn Vingroup, giúp họ kết nối với các cơ hội nghiên cứu và phát triển các giải pháp điều trị bệnh ung thư. Gần đây nhất là Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigData công bố cơ sở dữ liệu 1.000 hệ genee người Việt.

"Tôi cũng đang làm việc với BigData về việc này, tìm kiếm các cơ hội để khai thác các kết quả của dự án nghiên cứu này. Chẳng hạn, chúng ta có thể tiếp tục nghiên cứu việc chống đột quỵ ở người Việt. Việt Nam là nước có tỷ lệ người đột quỵ cao trong số các nước châu Á. Điều này có thể do trong gene của người Việt dễ dẫn đến đột quỵ chăng? Việc của các nhà khoa học là đi tìm gien đó, khi đã tìm được gene đó thì sẽ tìm được phương pháp phát hiện sớm ai đó có khả năng đột quỵ", vị GS nói.

Trong lần về nước này, GS Chí cũng nhận lời nhiều cơ sở đào tạo đại học  trong nước đến làm việc, trao đổi về khả năng hợp tác, hỗ trợ, giúp họ phát triển về đào tạo, nghiên cứu các giải pháp điều trị ung thư. Ông hy vọng, thời gian tới sẽ có nhiều chuyến công tác ở Việt Nam để đưa nền y học điều trị ung thu ở trong nước lên tầm cao mới.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn