Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân nêu quan điểm: "Đây là một chương trình rất tốt, rất nhân văn nhưng chúng tôi băn khoăn là tại sao gói 120.000 tỷ không áp dụng cho những khách hàng đã mua nhà tại dự án đã hoàn thành".
Theo ông Tuấn, trước đây, chúng ta có gói 30.000 tỷ đồng nhưng sau đó đã dừng, nên nhiều khách hàng là người dân, công nhân, lực lượng vũ trang khi mua nhà không được hưởng ưu đãi từ gói này.
"Vì thế, chúng tôi kiến nghị gói 120.000 tỷ đồng dành cho cả khách hàng đã mua những dự án đã hoàn thành nhưng chưa được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi", ông đề xuất.
Cũng theo ông Tuấn, chương trình 120.000 tỷ đồng hiện chưa có sự đồng bộ thời gian vay giữa chủ đầu tư và khách hàng. Khách hàng thì được vay 5 năm nhưng chủ đầu tư chỉ có vay 3 năm và nhiều ngân hàng đề nghị chủ đầu tư phải bảo lãnh cho khách hàng khi vay vốn mua nhà ở xã hội. Như vậy, nếu khách hàng là 5 năm thì chủ đầu tư phải được vay 5 năm, NHNN nên nghiên cứu thêm vấn đề này.
Ông cũng kiến nghị Chính phủ có thể nghiên cứu dành ra một khoản từ 1 - 2% bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại. Theo ông, nếu 1% thì mỗi năm là 1.200 tỷ đồng, nếu bù 2% là mỗi năm 2.400 tỷ đồng. Như vậy khi có việc bù lãi suất 1-2% của Chính phủ, chương trình này chắc chắn sẽ thành công và mạnh hơn gói 120.000 tỷ đồng như hiện nay.
Với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật đất đai, ông Tuấn đề xuất nên áp dụng từ 1/7/2024, như vậy sẽ tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc và thúc đẩy mạnh hơn cho chương trình 1.000.000 căn nhà ở xã hội (NOXH).
Đề xuất hạ lãi suất cho vay với xây dựng, mua, thuê NOXH
Tại Hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp bất động sản nhận xét, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội (NOXH). Tuy vậy, để đạt được mục tiêu 130.000 căn hộ NOXH trong năm 2024 như Thủ tướng giao, cần nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo đó, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, nêu ý kiến: Dù Chính phủ đã có chính sách về các gói vay ưu đãi cho người mua, thuê NOXH nhưng thực tế người dân chưa thuận lợi tiếp cận các gói vay ưu đãi này.
Mức lãi suất cho vay ưu đãi để đầu tư xây dựng cũng như để cho thuê, mua NOXH hiện vẫn đang cao (lãi suất cho vay áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 đối với chủ đầu tư là 8%/năm và với khách hàng mua NOXH là 7,5%/năm).
Vì thế, ông Quang đề xuất nên xem xét điều chỉnh hạ lãi suất cho vay để đầu tư xây dựng cũng như để mua, thuê NOXH. Trên cơ sở ngân sách thực hiện, cấp bù chênh lệch lãi suất nếu chủ đầu tư, khách hàng vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư xây dựng và thuê, mua NOXH.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng nhưng hiện lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà. Cùng với đó là thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân). Những điều này chưa thực sự thu hút người vay.
Một kiến nghị nữa được ông Quang nêu ra đó là xem xét cắt giảm, tối ưu các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án NOXH.
Ông Quang nói: "Hiện số lượng thủ tục của dự án NOXH hiện nay đang nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại. Bên cạnh các thủ tục chung như phê duyệt quy hoạch; chấp thuận chủ trương đầu tư; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; giao đất, cho thuê đất thì dự án NOXH phát sinh thêm các thủ tục về xác nhận đối tượng được mua, thuê NOXH, thủ tục thẩm định giá bán, giá cho thuê NOXH …
Điều này khiến tổng thời gian hoàn thành thủ tục dự án NOXH từ lúc bắt đầu đến khi khởi công thường là khoảng 2 năm".
Ngoài ra cũng cần ban hành danh mục các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được ngân sách hỗ trợ kinh phí đầu tư, miễn giảm tiền thuê đất đối với các diện tích công trình dịch vụ thương mại trong phạm vi dự án nhà ở xã hội.
Đồng thời, xem xét điều chỉnh lại suất vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội cho phù hợp với thực tế. Theo ông Quang, suất vốn đầu tư xây dựng NOXH cao tầng theo Quyết định số 610/QĐ- BXD, ngày 13/2/2022 của Bộ Xây dựng hiện nay đang thấp hơn suất vốn đầu tư cho nhà ở thương mại, trong khi đó chi phí và suất vốn đầu tư thực tế của nhà ở thương mại đang cao hơn suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng công bố.
Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình NOXH và khó khăn về doanh thu cho nhà đầu tư dự án NOXH do việc xác định giá bán phải trên cơ sở suất vốn đầu tư.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex, nhận xét lãi vay cho người lao động vẫn còn cao, trong khi thời gian vay còn ngắn. Nếu chúng ta kéo dài thời gian vay cho người lao động thì sẽ tạo điều kiện lớn cho người lao động được sở hữu nhà ở xã hội.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Viglacera, bày tỏ: Doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc kinh doanh NOXH do các quy định còn hạn chế về đối tượng cũng như điều kiện thuê mua.
Vì vậy, ông Ngọc Anh kiến nghị với Thủ tướng là sớm cho áp dụng Luật Nhà ở sửa đổi và ban hành Nghị định về nhà ở xã hội theo hướng tháo gỡ, mở rộng đối tượng được mua, được thuê với điều kiện đơn giản, dễ thực hiện để người nghèo sớm tiếp cận được với các sản phẩm này.
Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, ngày 3/4/2023, Thủ tướng ban hành Quyết định số 388 phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Ngân hàng Nhà nước đề xuất, triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề: Cơ chế, chính sách đã đúng, trúng chưa, nếu cơ chế, chính sách đã đúng, trúng rồi mà chưa làm được thì nguyên nhân chủ quan, khách quan do đâu, cách tháo gỡ thế nào, mỗi chủ thể phải làm gì?
"Muốn thực hiện được mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, "góp gió thành bão", đặt mình vào địa vị của người khác, "trong tôi có anh, trong anh có tôi", đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội có chuyển biến tích cực, các bộ ngành, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp cùng tìm cách, cùng làm, người dân cũng cố gắng, đã làm được một số việc, nhưng đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Báo cáo trước Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng...
Bên cạnh đó, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025.
Ví dụ Hà Nội: 3 dự án (1.700 căn), đáp ứng 9%; TP.HCM 7 dự án (4.996 căn) đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án (2.750 căn) đáp ứng 43%...
Những địa phương tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội là: Bắc Ninh (15 dự án, 6.000 căn); Bắc Giang (5 dự án, 12.475 căn); Hải Phòng (7 dự án, 11.678 căn); Bình Dương (7 dự án, 6.557 căn); Đồng Nai (8 dự án, 9.074 căn); Bình Dương: (7 dự án, 6.557 căn); Thanh Hóa (9 dự án, 4.948 căn...).
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023 cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Về quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, cả nước hiện quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611 ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.252 ha so với năm 2020.
Bình luận