Tại cuộc họp với Bộ Tài Chính hôm nay (23/11) để tìm giải pháp tháo gỡ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đại diện một số doanh nghiệp nêu khó khăn trong việc cân đối giữa trả nợ và sản xuất, nguồn vốn đến từ các kênh huy động đều đang bị thắt lại. Bên cạnh đó, việc một số doanh nghiệp sai phạm làm nhà đầu tư mất niềm tin, ồ ạt rút tiền về khiến hệ thống tài chính của doanh nghiệp không xoay xở kịp….
Ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán VNDirect nói: "Khó khăn lớn nhất hiện nay là dòng vốn của doanh nghiệp. Dòng vốn đang ách tắc và nút thắt lớn nhất là tín dụng ngân hàng. Các ngân hàng đều không thể cho vay mới vì bị hết room tín dụng.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị việc cần làm ngay là tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và thanh khoản cho thị trường, không để một con sâu làm rầu nồi canh'. Các doanh nghiệp cần thu xếp khả năng trả nợ đúng hạn cho nhà đầu tư, thực hiện đúng những điều đã cam kết.
Còn về nguồn vốn, vấn đề nới room tín dụng được nhiều doanh nghiệp nhắc tới và kiến nghị. Nới room tín dụng được ví như 'bơm thêm máu' để thị trường tiếp tục hoạt động, đây là điều quan trọng nhất để thị trường có thể hồi phục".
Theo đại diện Tập đoàn Trung Nam, một số doanh nghiệp dồn rất nhiều nguồn lực đầu tư vào các dự án trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng khiến khả năng trả nợ trong ngắn hạn thấp đi, thiếu nguồn tiền tái đầu tư trong tương lai. Đại diện tập đoàn này đề xuất vẫn bảo đảm kỳ hạn trái phiếu nhưng có phương án nghiên cứu để doanh nghiệp có thời gian bảo đảm trả nợ linh hoạt hơn.
Đại diện Trung Nam cũng cho rằng, tỷ lệ phát hành trái phiếu qua các trung gian như ngân hàng, công ty còn cao, Bộ Tài chính nên có cơ chế để nhà đầu tư tiếp cận trực tiếp nhiều hơn thay vì thông qua bên tư vấn.
Trong khi đó, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển đầu tư hạ tầng TP.HCM nêu quan điểm: "Các tổ chức phát hành phải chịu trách nhiệm trả nợ cho nhà đầu tư. Đây là thời điểm rất khó khăn, các doanh nghiệp cần xoay xở tất cả các kênh huy động, thậm chí bán rẻ tài sản, hạ giá sản phẩm để thu hồi dòng tiền về, thanh toán cho nhà đầu tư trái phiếu, có như vậy niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu mới được vực dậy và thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới có thể tiếp tục phát triển.
Cũng trong thời gian qua, trên thị trường xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ".
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ông sẽ tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp, cơ quan chức năng, từ đó đưa ra những giải pháp cho thị trường trái phiếu. Bộ trưởng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần đồng hành nhiều hơn với cơ quan quản lý trong việc xây dựng lại niềm tin về thị trường.
Trước tiên, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho công chúng, nhà đầu tư hiểu đây là kênh huy động hiệu quả, xây dựng dự án tốt. Nhà đầu tư "làm được nhưng phải nói được", có thanh khoản tốt, trả nợ đúng hạn, cần chia sẻ thông tin với báo chí để dư luận nắm rõ. Các doanh nghiệp cần nắm tình hình tài chính, có lộ trình cam kết trả nợ rõ ràng, đúng hạn. Tâm lý nhà đầu tư e ngại các vụ việc như Tân Hoàng Minh, nhất là khi có các tin đồn khác nhau. Do đó các đơn vị phát hành trái phiếu cần hết sức nghiêm túc trong việc trả nợ.
Theo bộ trưởng, các doanh nghiệp cũng cần cân đối khả năng tài chính, quản trị, cơ cấu lại tình hình sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng bung ra quá mạnh nhưng dàn trải, không hiệu quả.
"Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải chú ý tập trung trả nợ đúng hạn để tạo niềm tin cho công chúng, như công ty phát hành bảo lãnh phát hành phải thực hiện đúng thoả thuận. Thậm chí trong bối cảnh khó khăn thanh khoản, người lãnh đạo phải tính đến phương án bán các tài sản, không được để nhà đầu tư mất niềm tin", ông Hồ Đức Phớc lưu ý.
Lãnh đạo Bộ Tài chính đồng tình với kiến ngh, đề xuất Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cần cho vay hoàn thiện dự án, khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, giảm bớt khó khăn cho các dự án có tiềm năng tốt để không bị đứt gãy dòng tiền.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định quan điểm, dù phát hành trái phiếu ra công chúng hay phát hành riêng lẻ, điều quan trọng nhất là uy tín, lòng tin với nhà đầu tư.
"Các cơ quan của Bộ cải cách thủ tục hành chính, cấp phép nhanh gọn đúng quy định, đưa lên các căn cứ hoàn thành thủ tục, đẩy nhanh tiến độ cấp phép, đúng quy định. Tuy nhiên, việc quản lý thị trường cần hết sức đồng bộ. Bên cạnh đó, cần đấu tranh với hiện tượng nhân viên một số ngân hàng cùng các công ty phát hành tư vấn sai, không đầy đủ, chào mời người dân nhưng không nắm rõ các sản phẩm", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định, Bộ sẽ hoàn thiện khung pháp lý, tiếp thu có chọn lọc ý kiến đóng góp về các tổ chức trung gian quỹ, rủi ro, chứng khoán, trái phiếu… Với một số nội dung trong luật hiện hành chưa có, Bộ Tài chính sẽ áp dụng một số thông lệ quốc tế, đánh giá tác động để đưa vào các quy định, bảo đảm tính đồng bộ phù hợp với thực tiễn.
Bộ cũng phối hợp các đơn vị tháo gỡ thủ tục pháp lý liên quan đến bất động sản; thu thập các ý kiến để trình sửa Nghị định 65 (về chào bán trái phiếu doanh nghiệp) theo hướng "nới", vừa bảo đảm quản lý, hạn chế tiêu cực vừa tạo thuận lợi hơn cho thị trường trái phiếu phát triển. Một số quy định sẽ được điều chỉnh để có thể gia hạn nợ hay nội dung thoả thuận giữ nhà đầu tư, nhà phát hành, ví dụ có thể đàm đàm phán kéo dài thời hạn thu xếp trả nợ dần cho nhà đầu tư…
"Các nhà phát hành, các công ty chứng khoán, doanh nghiệp cần đóng góp có trách nhiệm hơn, nghiên cứu lại Nghị định 65, đồng thời khẩn trương góp ý những điểm cần tháo gỡ để Bộ Tài chính điều chỉnh, bổ sung các quy định bám sát thực tiễn", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị.
Bình luận