Ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, HTX Dâu tằm Hạnh Lê (huyện Trấn Yên) có 100% diện tích dâu của các thành viên HTX bị ảnh hưởng, số tằm giống của HTX bị chết ước tính khoảng trên 130 triệu đồng, 54 sào dâu của HTX đã bị thiệt hại ước tính khoảng trên 220 triệu đồng theo giá trị dâu của 1 vụ.
Với tinh thần quyết tâm khôi phục sản xuất, các thành viên HTX đã tích cực thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ ngành nông nghiệp và các Viện nghiên cứu thực hiện các biện pháp kỹ thuật như: Khơi thông dòng chảy đối với diện tích bị ngập nhẹ, tuốt lá đối với cây dâu còn có thể phục hồi, với hy vọng có nguồn thức ăn cho tằm trong vụ mới, kéo lại 1 phần chi phí phân bón đã đầu tư, sớm ổn định sản xuất trở lại.
Không riêng gì HTX dâu tằm Hạnh Lê, các HTX khác trên địa bàn xã Việt Thành có khoảng trên 200 ha dâu bị thiệt hại và các xã lân cận đều bị ảnh hưởng nặng nề. Để đảm bảo chuỗi liên kết không bị gián đoạn, các HTX, Tổ hợp tác trong vũng lũ đang tích cực, cố khắc phục thiệt hại, cùng với sự hướng dẫn, tháo gỡ của các ngành chức năng, nhanh chóng khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, nhằm ổn định việc làm cho thành viên, người lao động.
Ông Nguyễn Văn Hiểu, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ Hoa và Cây cảnh Phụng Công (Hưng Yên), cho biết trong sản xuất hoa, HTX vừa nhập giống từ nước ngoài, vừa chủ động ươm hạt giống. Với những hạt giống hoa nhập từ nước ngoài, giá rất đắt, mỗi hạt giống cũng có giá khoảng 4.000-5.000 đồng. Nên nếu tính ra sản xuất trên quy mô hàng chục ha thì số tiền đầu tư giống không hề nhỏ.
Bên cạnh đó, nghề trồng hoa cây cảnh còn đòi hỏi chủ vườn phải có đa dạng các loại giống mới đáp ứng được nhu cầu thị trường. Thông thường, mỗi vườn ươm trồng phải từ 20-100 trăm loại cây.
Hiện nay, các HTX đang tích cực, chủ động khôi phục sản xuất sau hậu quả của bão. Tuy nhiên, hiện nay các HTX đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, giống cây trồng và vật nuôi. Do đó, các HTX rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, Liên minh HTX Việt Nam và các bộ, ngành chức năng.
Để tái thiết lại hoạt động sản xuất sau bão lũ, hiện nay các HTX cần một nguồn lớn về giống. Theo ông Phạm Văn Hậu, Giám đốc HTX dược liệu Viễn Sơn (Yên Bái), cho biết sau đợt mưa lũ này, HTX có nhu cầu khoảng 50-60 vạn cây giống bách bộ, ngoài ra, còn hàng chục vạn cây giống dược liệu khác. Tuy nhiên việc mua giống hiện nay rất khó khăn vì nhu cầu thị trường rất lớn, điều này kéo theo giá cả nguồn giống và các giá thể tăng.
Thống kê của Bộ NN&PTNT, bão số 3 đã gây ngập lụt hơn 300.000 ha cây trồng. Trong đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng 200.000ha, rau màu 51.000ha và 61.000ha cây ăn quả, cây công nghiệp…
Hiện nay nhu cầu về nguồn giống để tái sản xuất đối với các HTX là rất lớn. Theo Bộ NN&PTNT, chiếu theo số diện tích bị thiệt hại, nhu cầu về giống rau màu các loại hiện nay là khoảng 113 tấn, lúa giống là khoảng 15.000 tấn, khoảng 10.000 tấn ngô giống.
Tuy nhiên, lượng giống dự trữ quốc gia đang bị hạn chế, nhu cầu của người dân, HTX lớn nên nếu không giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành nông nghiệp vào vụ đông Xuân 2024-2025, từ đó làm đứt gãy các chuỗi giá trị sản xuất, ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa trên thị trường.
Còn đối với các HTX, nhu cầu sản xuất để đáp ứng các đơn hàng, phục vụ thị trường là rất quan trọng trong kinh doanh. Đặc biệt, nhu cầu tái sản xuất diễn ra ở nhiều tỉnh thành nên đẩy giá nguồn giống tăng cao. Điều này càng gây áp lực, khó khăn không nhỏ cho người dân, HTX trong sản xuất kinh doanh ở thời điểm này.
Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, cho biết khó khăn trong ngành chăn nuôi hiện nay là con giống, cụ thể là giống phục vụ cho chăn nuôi lợn hiện rất cao. Cụ thể là lợn giống 21 ngày tuổi đã có giá 1,5-1,8 triệu/con. Nên nhiều người dân, HTX không có đủ chi phí để mua giống phục vụ sản xuất, nhất là với những mô hình chăn nuôi quy mô lớn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, một mặt, các HTX đang tích cực làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương để để mong tiếp cận chính sách hỗ trợ vật tư đầu vào, trong đó có hỗ trợ về nguồn giống của Nhà nước để bảo đảm thời vụ.
Tuy nhiên, nếu chỉ tiếp cận nguồn giống hỗ trợ của Nhà nước là không thể đủ. Do đó, nhiều HTX có mối liên kết với các doanh nghiệp theo hợp đồng đang đề xuất với doanh nghiệp để được hỗ trợ nguồn giống phù hợp.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, cho biết doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ HTX về nguồn giống để đồng hành cùng người dân, HTX vượt qua khó khăn. Hiện, đơn vị đã làm việc với các HTX, bộ phận khuyến nông, đại lý giống để có hỗ trợ về vật tư đầu vào, nguồn giống lúa phù hợp.
Thực tiễn cho thấy, đã có những giống lúa ngắn ngày, ít bệnh, chống đổ tốt đã được các HTX áp dụng nên không bị thiệt hại trong mưa bão vừa qua. Do đó, ThaiBinh Seed đang định hướng người dân, HTX tìm hiểu và đưa giống lúa này vào gieo cấy vụ xuân 2025 nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai, bão lũ.
Bình luận