“Trường sinh bất lão” vốn là giấc mộng của nhiều vị vua chúa khao khát được vĩnh viễn nắm giữ quyền lực và sự giàu sang trong lịch sử. Thời đại đã thay đổi, nhưng vẫn không thiếu người mơ cùng giấc mộng đó: các nhà khoa học, những kẻ giàu trí tưởng tượng và các nhà tỷ phú.
Giống như những vị vua trong quá khứ, giới siêu giàu ngày nay cũng sẵn sàng mạnh tay đầu tư để chữa “căn bệnh tuổi tác”. Theo một ước tính, doanh thu của ngành công nghiệp chống lão hóa toàn cầu hiện nay là 200 tỷ USD, con số này có thể sẽ tăng lên 420 tỷ USD vào năm 2030.
Trong số những người theo đuổi khoa học chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ, phải kể đến các đại gia công nghệ như 2 nhà sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin, nhà đầu tư mạo hiểm Peter Thiel. Nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos cũng tài trợ cho Unity Biotechnology, một công ty có trụ sở tại San Francisco đang phát triển loại thuốc chống lão hóa độc quyền. Hồi tháng 9, có tin ông Bezos tiếp tục đầu tư vào một công ty khởi nghiệp công nghệ chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ con người tên Altos Labs.
Nghiên cứu chống lão hóa đã có lịch sử lâu đời. Ngoài hai công ty được tỷ phú sáng lập Amazon tài trợ, nhiều công ty khác trên thế giới cũng tham gia vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công ty nào đưa ra được một liệu pháp đạt đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Vào năm 2012, nhà khoa học Nhật Bản Shinya Yamanaka được trao giải Nobel vì khám phá ra rằng các tế bào trưởng thành có thể được tái lập trình để trở thành tế bào gốc, nhưng kỹ thuật này lại khiến một số khối u ung thư phát triển.
Sẽ ra sao nếu giới siêu giàu ngày càng đông
Giả sử các công ty thành công nghiên cứu được công nghệ kéo dài tuổi thọ, thì đây có thật là tin tốt cho thế giới hay không? Có rất nhiều nghi vấn xoay quanh vấn đề này: Nếu con người sống bất tử, liệu chúng ta có phải làm việc vô thời hạn không? Thế giới sẽ đối phó thế nào với tình trạng bùng nổ dân số, và tình trạng này có tác động thế nào với môi trường sống?
Câu trả lời cho hai nghi vấn sau có liên hệ mật thiết với các cuộc đàm phán tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu tổ chức tại Glasgow (Anh). Hội nghị hướng đến mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C. Mục tiêu này đòi hỏi mỗi người chỉ được tạo ra không quá 2 tấn CO2/năm, trong khi những người thuộc 1% dân số giàu nhất thế giới tạo ra tới hơn 70 tấn CO2/năm. Thế giới sẽ phải hứng chịu các thảm họa khí hậu sớm hơn dự kiến nếu như nhóm đối tượng này không chỉ ngày càng đông hơn mà còn có thể sống thọ đến 140, 200 tuổi, thậm chí là bất tử.
Người cao tuổi ngày càng đông
Dù chưa có công nghệ trường sinh thì tuổi thọ con người vẫn tăng, đây là thách thức đối với chính sách xã hội cho người cao tuổi ở các quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, vào năm 2030, thế giới sẽ có khoảng 1,4 tỷ người từ 60 tuổi – tương đương với 1/6 dân số toàn cầu. Số người từ 80 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2020-2050, tới 426 triệu người. Xu hướng này được biểu hiện rất rõ ở Vương quốc Anh. Thực tế đáng buồn là có tới một nửa số người trên 75 tuổi ở nước này sống neo đơn. Theo tổ chức từ thiện Age UK, nửa triệu người trên 60 tuổi trên toàn thế giới đang ở trong hoàn cảnh tương tự.
Về mặt khoa học, việc hòa nhập với cộng đồng và duy trì các mối quan hệ bền chặt giúp con người sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Ngược lại, những người cao tuổi cô đơn sẽ phải chịu các tác động tiêu cực với sức khỏe và tinh thần. Để khắc phục tình trạng này, các nước sẽ cần số tiền khổng lồ để đầu tư vào cơ sở vật chất và dịch vụ giải trí ở khu dưỡng lão, làng hưu trí hiện đại. Tuy nhiên, rất khó để đảm bảo điều kiện sống tốt nếu số người cao tuổi tăng lên. Hơn nữa, việc này cũng làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa nguồn cung nhà ở và nhu cầu của bộ phận dân số già.
Qua viễn cảnh về một “thế giới bất tử”, có thể thấy công nghệ trường sinh bất lão dường như không quá hấp dẫn, chưa kể các dự án liên quan đến công nghệ này đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ. Sẽ hữu ích hơn nếu như các dự án được giới siêu giàu thế kỷ 21 dốc vốn đầu tư không phải là kéo dài tuổi thọ hay rời khỏi hành tinh, mà là các lĩnh vực có thể thay đổi cuộc sống hiện tại.
Điển hình là việc doanh nhân người Mỹ gốc Scotland Andrew Carnegie tài trợ cho việc xây dựng 2.500 thư viện trên khắp thế giới. Số tiền theo đuổi sự trường thọ đáng lẽ có thể hỗ trợ cho các dự án chung cư, cộng đồng hưu trí, trung tâm giáo dục và hơn thế nữa.
Bình luận