• Zalo

Sau đại dịch, giới siêu giàu còn tốn tiền hơn vào du lịch

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 10/10/2021 21:41:11 +07:00Google News

Nhu cầu du lịch của nhóm giàu nhất thế giới không chậm lại trong đại dịch, thậm chí tăng mạnh với những yêu cầu đặc biệt, tốn kém hơn.

Đối với giới siêu giàu, du lịch trong đại dịch có phần khác biệt, theo The Washington Post.

Trong khi mọi người còn mải tranh luận liệu về thăm gia đình dịp nghỉ lễ có đủ an toàn hay không, gia đình Kardashian vẫn tới Paris du lịch dù biên giới nước Pháp đóng cửa, hoặc thuê trọn một hòn đảo tư nhân ở Tahiti để tổ chức sinh nhật.

Phản ứng dữ dội ngắn ngủi của công chúng không ngăn được những người giàu có tiếp tục du lịch.

Sau một năm bị giam giữ trong một, hai hoặc ba ngôi nhà của mình, họ đang chi trả nhiều hơn bao giờ hết để bù đắp cho khoảng thời gian đã mất.

The Washington Post đã trò chuyện với 3 nhân viên tư vấn du lịch về những chuyến nghỉ dưỡng trong mơ mà họ lên kế hoạch cho giới 1% giàu nhất thế giới.

Sau đại dịch, giới siêu giàu còn tốn tiền hơn vào du lịch - 1

Kim Kardashian bị chỉ trích khi tổ chức tiệc sinh nhật lớn trên một hòn đảo tư nhân giữa thời điểm dịch bệnh tháng 10/2020. (Ảnh: Kim Kardashian)

Tốn kém hơn

Giới siêu giàu không có mức hạn chế trong việc chi tiêu cho nghỉ dưỡng. Erica Jackowitz, đồng sáng lập Roman & Erica, công ty du lịch dành cho những người rất giàu có, cho biết khách hàng của cô đang chi tiêu nhiều gấp đôi, gấp ba cho một chuyến đi so với thời kỳ trước đại dịch.

Họ sẵn sàng rút hầu bao và chi nhiều hơn những gì họ từng cân nhắc cách đây 2 hoặc 3 năm”, Jackowitz cho biết.

Chẳng hạn, trước đây, một số khách hàng thường bỏ 150.000 USD cho một chuyến du lịch tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết vào dịp Giáng sinh. Hiện họ sẵn sàng chi tới 250.000 USD.

Tôi có một khách hàng đã tiêu nửa triệu USD mỗi tháng kể từ tháng 6 năm trước. Người này sống trên một hòn đảo tư nhân và du lịch suốt thời gian qua”, cô chia sẻ.

Trải nghiệm được đề cao hơn điểm đến

Tại công ty du lịch cao cấp Brown and Hudson, Philippe Brown, người sáng lập, dựa vào “nghệ thuật và khoa học của du lịch sang trọng” để thiết kế kỳ nghỉ cho giới thượng lưu.

Chúng tôi áp dụng các nguyên tắc khoa học để lên kế hoạch cho các chuyến du lịch - những nguyên tắc như hiệu ứng thích nghi với khoái lạc”, Brown cho biết.

Ví dụ, để chống lại hiệu ứng thích nghi với khoái lạc - thuật ngữ dùng để chỉ cảm giác đã quá quen hoặc chán nản về một thứ gì đó, Brown lập kế hoạch để tạo ấn tượng cho khách hàng ngày này qua ngày khác. Điều đó có thể đơn giản như việc thay đổi chỗ ở của khách hàng sau mỗi vài ngày để cảnh quan không trở nên nhàm.

Sau đại dịch, giới siêu giàu còn tốn tiền hơn vào du lịch - 2

Giới nhà giàu đề cao trải nghiệm du lịch hơn đích đến. (Ảnh: Karell Africa)

Brown cho biết hiện nhiều khách hàng tìm đến công ty anh hơn để đăng ký tour du lịch, nhưng bày tỏ một mong muốn xúc cảm, thay vì chỉ định một địa điểm cụ thể.

Các cuộc trò chuyện trở nên thú vị xen lẫn chút mù mờ đối với tôi khi khách hàng ‘muốn cảm thấy tràn đầy sinh lực’ hoặc ‘muốn trẻ trung trở lại’. Những người này ở một độ tuổi nhất định. Họ muốn những thứ khiến họ cảm thấy như mình đạt được thành tựu nào đó hơn cả việc sở hữu siêu xe, máy bay phản lực hay trả hết nợ thế chấp”, anh nói.

Đối với khách hàng muốn cảm giác phiêu lưu, Brown đề xuất kế hoạch “thám hiểm xa xỉ” trên khắp Madagascar.

Đối với một người cha muốn thân thiết hơn với con trai, anh tổ chức kế hoạch cho một chuyến phượt đường dài, bao gồm các rạp chiếu phim ngoài trời ở những điểm bất ngờ và gặp gỡ một số người nổi tiếng Hollywood.

Jaclyn Sienna India, người sáng lập công ty du lịch siêu sang Sienna Charles, cho biết đại dịch khiến giới siêu giàu đón nhận những ý tưởng nghỉ dưỡng khác biệt.

Hiện các khách hàng của cô không còn bận rộn theo “lịch tỷ phú”. Thay vì “phải” tới Aspen hoặc St. Mortiz của Thụy Sĩ vào mùa đông, họ cảm thấy thoải mái khi đi trượt tuyết bằng trực thăng ở Iceland.

Sự thay đổi tương tự cũng diễn ra ở các điểm du lịch hấp dẫn vào mùa hè như Nantucket hoặc đảo Martha's Vineyard.

Giữ kín về chuyến đi

Mặc dù cởi mở về những địa điểm họ đến, India cho biết họ lại muốn giữ kín với công chúng.

Đại dịch đã thay đổi cách khách hàng của cô nhìn nhận mạng xã hội. Những chuyến nghỉ dưỡng không phải để khoe khoang, ít nhất là trên không gian trực tuyến.

Sau đại dịch, giới siêu giàu còn tốn tiền hơn vào du lịch - 3

Giữ kín về chuyến du lịch là xu hướng mới của giới nhà giàu nhằm tránh tai tiếng không mong muốn. (Ảnh: Shutterstock)

Nhiều khách hàng của chúng tôi là CEO, và không ít nhân viên của họ bị sa thải, thất nghiệp hoặc chất vật kiếm sống trong thời điểm Covid-19. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy rằng mọi khách hàng đều không chia sẻ gì khi họ đi du lịch”, India kể lại.

Đây không phải một xu hướng nhất thời, mà sẽ là một chuẩn mực mới, theo India. “Họ sẽ không muốn cho công chúng biết chính xác mình làm gì và cách tiêu tiền thế nào”, cô nói.

Cạnh tranh trong việc thuê dịch vụ xa xỉ

Sự thiếu hụt nguồn cung hàng hóa và dịch vụ cao cấp ngày càng tăng trong bối cảnh giới nhà giàu chi nhiều tiền cho di lịch hơn bao giờ hết.

Những dãy phòng dành cho tổng thống và các biệt thự hàng đầu, du thuyền, máy bay tư nhân đều đã kín chỗ đặt. Số lượng chỗ trống còn lại rất hạn chế, đặc biệt là chuyến bay từ New York (Mỹ) tới Aspen (Thụy Sĩ) vào tháng 12".

India cho biết những khách sạn tốt nhất ở Mỹ, chẳng hạn Amangiri ở bang Utah hoặc Blackberry Farm ở bang Tennessee, đang kín phòng với tốc độ chóng mặt. Với nhu cầu cao như vậy, giá cả sẽ tăng lên đối với những phòng còn trống.

Tháng 4, một khách sạn ở Miami đã niêm yết giá phòng hạng deluxe có diện tích 46,5 m2 của họ ở mức 3.000 USD/đêm. Ngay cả khi bạn sở hữu hàng tỷ USD, mức giá đó thật điên rồ. Vậy mà vẫn có người đặt chỗ”, Jackowitz kể lại.

Sau đại dịch, giới siêu giàu còn tốn tiền hơn vào du lịch - 4

Một số người bỏ tiền mua thêm nhà, du thuyền để tránh tình trạng kín chỗ thuê. (Ảnh: Super Yacht Solandge)

Đối với nhiều khách hàng, họ chi tiền mua thay vì tranh giành chỗ thuê dịch vụ xa xỉ. “Mọi người đang mua du thuyền, máy bay tư nhân và ngôi nhà thứ hai, thứ ba hay thứ tư thay vì thuê chúng”, India cho biết.

Jackowitz cho biết những địa điểm phổ biến nhất mà khách hàng của cô mua bất động sản nghỉ dưỡng trong thời kỳ COVID-19 là Hawaii, Malibu (bang California); Park City (bang Utah), Miami và Palm Beach (bang Florida); khu Hamptons (bang New York) và Aspen.

Trải nghiệm ảo

Để đáp ứng nhu cầu của một số khách hàng, Brown làm việc với một công ty ở Anh để tạo ra những trải nghiệm ảo được cá nhân hóa, hấp dẫn hơn nhiều so với việc chỉ nhìn chằm chằm vào màn hình.

Kế hoạch này bao gồm thuê người đi theo khách hàng trong quá trình du lịch để ghi lại cảnh quay về chuyến đi, hoặc thu thập các cảnh có sẵn. Từ đó, công ty xây dựng trải nghiệm ảo hấp dẫn cùng với sự kích thích vật lý do bộ trang phục đặc biệt mang lại cho khách hàng.

Chẳng hạn, một khách hàng muốn thăm lại địa điểm mà họ ghé qua hồi còn trẻ”, Brown nói.

Anh cho biết chi phí khởi điểm để tạo ra những trải nghiệm ảo này là 400.000 USD. Brown tin rằng loại hình này sẽ tiếp tục hấp dẫn các khách hàng giàu có hậu đại dịch.

Tôi dự tính rằng một thời điểm nào đó, website của công ty tôi sẽ chia làm hai mảng. Một mảng dành cho dịch vụ du lịch thực tế, mảng còn lại là trải nghiệm du lịch ảo”, anh nói.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn