• Zalo

Giới buôn cổ vật: Trắng đen nhộm nhoạm, lừa lọc vô biên

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 30/11/2022 07:04:10 +07:00Google News

Cổ vật thường không có giá niêm yết, có những món hàng tỷ đồng nhưng cũng có thể là 0 đồng. Vậy nên, trong giới này, trắng đen cứ nhộm nhoạm, lừa lọc thì vô biên…

Cổ vật là lĩnh vực đặc thù, rất kén chọn người chơi. Bên cạnh đó, cổ vật thường không có giá niêm yết, có những món hàng tỷ đồng nhưng cũng có thể là 0 đồng. Vậy nên, trong giới này, trắng đen cứ nhộm nhoạm, lừa lọc thì vô biên…

Nghề buôn… giả thật

Muốn sống được và tồn tại lâu dài trong thế giới cổ vật thì người trong giới phải hiểu rõ thị trường buôn bán cũng như nhu cầu, sở thích của dân chơi để hành nghề cho đúng hướng.

Giới buôn cổ vật: Trắng đen nhộm nhoạm, lừa lọc vô biên - 1

Ông T. bên kho cổ vật gốm sứ của mình

Biết một số cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia, Lê Hoàng, 30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM đã dày công đi tới các bảo tàng tìm hiểu, sao chụp lại các bản gốc được trưng bày rồi về làm lại y chang để bán. Tuy nhiên, Hoàng không nói đó là hàng thật, anh ta bảo thẳng “đây là phiên bản sao chép hiện vật quốc gia”, ai thích thì mua làm kỷ niệm hoặc trưng bày. Ví dụ như bộ đàn đá Lộc Hòa, niên đại gần 3.000 năm, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Phước. Sau khi được xem hàng thật, Hoàng cất công lên Đắk Nông, tìm đến một vài người đang chơi đàn đá tham vấn, nhờ tìm giúp cho vài viên đá có màu sắc tương ứng với cổ vật quốc gia. Sau đó Hoàng về TP.HCM thuê thợ chẻ đá, đẽo gọt rồi thiết kế giống y như bộ đàn đá Lộc Hòa. Hoàng nhờ vài người bạn giới thiệu tới văn nghệ sĩ, người chơi nhạc truyền thống để rao bán.

Sau hai tuần quảng cáo, Hoàng đã bán được bộ đàn đá phiên bản giả cổ vật với giá 12 triệu đồng cho người đàn ông tên Đại, ngụ Q.4, TP.HCM. Trừ chi phí 3 triệu đầu tư, Hoàng lời 9 triệu. Từ 5 năm nay, với cách làm ăn như thế, Hoàng có cuộc sống ổn định, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng.

Nói về bộ đàn đá giả cổ, tưởng như việc mua bán đã xong nhưng rắc rối lại ập đến với Hoàng. Đại là một tay buôn đồ cổ đầy ma ranh và lắm mưu kế. Mang bộ đàn đá về, Đại thuê người sơn phết và vẽ thêm hoa văn, họa tiết sau đó bán lại với giá 150 triệu đồng cho một nhạc sĩ chuyên về dòng nhạc dân tộc ở Đồng Nai.

Đại giới thiệu, đây là chiếc đàn đá có nguồn gốc Tây Nguyên, toàn bộ khối đá là hóa thạch của loài lươn biển khổng lồ từ 300 triệu năm trước. Anh ta tìm thấy cổ vật tại một bản làng ở huyện Cư Jút, Đắk Nông và đã phải họp bàn với các tộc trưởng, già làng trên đó để có được bảo vật. Vì thế, giá trị của nó không thể tính bằng tiền. Với lời lẽ đầy ma lực của người bán, vị nhạc sĩ quyết mua cho bằng được. Vì chưa biết chơi đàn đá nên ông nhờ một chuyên gia đàn đá về nhà chơi thử và nhân tiện thẩm định cổ vật quý của mình. Chuyên gia từ TP.HCM xác nhận, đây không phải cổ vật, chỉ là khối đá bình thường, không phải hóa thạch lươn, rắn gì cả. Chiếc đàn được làm từ loại đá sừng, loại đá thường được đồng bào Tây Nguyên dùng chế tác công cụ âm nhạc. Do không được gò đẽo hài hòa nên âm thanh chưa được chuẩn như các loại đàn đá khác.

Ông nhạc sĩ vô cùng tức giận, liền gọi ngay cho Đại đòi lại tiền. Anh ta trả lời rằng "thuận mua vừa bán, không trả tiền". Nhạc sĩ làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Từ lời khai của Đại, Lê Hoàng nhanh chóng bị triệu tập lấy lời khai. Hoàng may mắn giữ lại giấy mua bán. Nội dung mua bán hoàn toàn không ghi là cổ vật quốc gia, mà chỉ là đàn đá bình thường. Tuy nhiên, trong giấy tờ mua bán với vị nhạc sĩ, Đại đã ghi là cổ vật quý hiếm, cam kết thẩm định. Cuối cùng, Đại phải trả lại số tiền đã lừa vị nhạc sĩ và đưa “cổ vật” về nhà.

Giới buôn cổ vật: Trắng đen nhộm nhoạm, lừa lọc vô biên - 2

Đàn đá cổ được trưng bày tại khu bảo tồn ở Đắk Lắk, nhiều dân buôn đã sao chép rồi làm giả cổ để bán

Lê Hoàng cho biết, đây không phải lần đầu tiên anh gặp sự cố. Trong mấy năm qua, ngoài đi hầu kiện, Hoàng còn bị giang hồ dọa chém vì liên quan đến cổ vật. “Tôi chưa bao giờ nói hàng mình bán là cổ vật thật, tôi chỉ là người sao chép lại để chơi và bán cho người có cùng sở thích, với giá rất bình dân. Nhiều tay buôn lại lợi dụng vào tiếng tăm và độ nổi tiếng của cổ vật quốc gia hoặc bảo vật lịch sử nguyên mẫu để lừa đảo. Họ mua của tôi về, rồi quảng cáo tâng bốc lên. Họ làm hẳn một quyển sách gắn tên tuổi các nhà khảo cổ nổi tiếng, chụp hình với chuyên gia ở bảo tàng... để tăng thêm độ tin cậy cho người mua. Không ít người đã rót những khoản tiền khá lớn để mua đồ giả, trong đó thường là mất trắng, ít người lấy lại được số tiền đã bỏ ra”, Lê Hoàng tiết lộ.

“Mê cung” cổ vật

Mê cổ vật, ham nghiên cứu văn hóa lịch sử và nổi tiếng trong làng chơi cổ vật nhưng ông Đinh Công T., 54 tuổi, ngụ Hóc Môn, TP.HCM cũng từng nhiều phen “dính chưởng” khi mua phải cổ vật giả bảo vật quốc gia. Ông T. là người yêu gốm sứ, có hơn 20 năm miệt mài đi sưu tầm gốm sứ cổ. Mấy tháng trước, ông được một người giới thiệu tại Nha Trang có chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga, là bảo vật quốc gia. Ông T. lên đường về Nha Trang tìm ngay người bán. Tại đây, ông được gặp chủ nhân là đại gia có tiếng trong lĩnh vực thủy sản. Nhìn ngắm chiếc bình, ông T mê đắm ngay và quyết trả giá để có được. Chủ nhân hô 500 triệu đồng , ông T. trả xuống còn 368 triệu và được đồng ý. Vì không có đủ tiền nên ông T. đặt cọc 120 triệu đồng, hẹn 10 ngày sau sẽ quay trở lại trả hết và thỉnh hàng.

Nhìn vào chiếc bình gốm, ông T. bị mê hoặc ngay. Ông cho biết, gốm hoa lam là một đại diện tiêu biểu cho dòng gốm men trắng vẽ lam. Dòng gốm hoa lam Việt Nam xuất hiện từ thời Trần thế kỷ 14 và phát triển liên tục cho tới ngày nay. Đặc biệt vào thế kỷ 15, dòng gốm hoa lam đã phát triển tới đỉnh cao, chẳng những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.

Trong thời gian đi gom tiền, ông T. được nghe bạn bè kể nhiều về các thủ đoạn lừa đảo cổ vật, khuyên ông nên cẩn thận. Khi biết ông chuẩn bị mua chiếc bình gốm là bảo vật quốc gia, bạn của ông liền thốt lên: “Bảo vật quốc gia mà cũng đi buôn thì lạ lắm. Chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên nga là chiếc bình gốm thuộc sưu tập độc bản trong tàu cổ Cù Lao Chàm khai quật vào năm 1999 – 2000 đang được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ và trưng bày. Có thể anh bị lừa rồi”.

Giới buôn cổ vật: Trắng đen nhộm nhoạm, lừa lọc vô biên - 3

Sự thật – giả cổ vật vẫn luôn là một mê cung

Để chắc chắn, đúng ngày hẹn, ông T. dẫn theo một chuyên gia thẩm định đi cùng. Tuy nhiên, khi xem bình gốm, chuyên gia không phân biệt được. Họ tạm lùi việc mua bán, tìm đến Bảo tàng lịch sử Quốc gia xem chiếc bình gốm đang được trưng bày để xác thực. Sau khi xem, họ như bừng tỉnh. Quả là bảo vật độc bản, không có cái thứ hai. Chiếc bình ở Nha Trang đúng là có nét cổ, nhưng nó không phải là loại gốm hoa lam vẽ thiên nga đời Trần, thế kỷ 14, đó có thể là gốm hoa lam Chu Đậu.

Nhận thấy mình bị lừa nên ông T. đòi lại tiền. Chủ nhân không trả với lý do “không mua mất cọc” và ông ta không hề lừa dối, đây là gốm cổ thật. Cuối cùng, ông T. ngậm đắng nuốt cay, chấp nhận mất tiền và tự trách mình vì đam mê mà trở nên u mê. Ông T. cho biết: Có hàng trăm loại gốm cổ còn lưu lại đến ngày nay. Giá trị mỗi loại là khác nhau, có thứ phải tiền tỷ mới sở hữu được, nhưng có loại cho không, hoặc chỉ vài trăm ngàn đồng... Dân buôn nói đồ cổ rồi làm giá, họ nói bao nhiêu thì tùy mặt mà “chặt chém”, bởi cổ vật đâu thể định giá chính xác. Đây là hình thức lừa đảo rất tinh vi.

Dân chơi cổ vật lâu năm còn bị lừa, huống chi người mới vào nghề. Chính vì tính đặc thù của cổ vật mà nhiều kẻ đã lợi dụng vào đó, dựng nên những kịch bản lừa đảo hoàn hảo.

Trung tuần tháng 9/2022, Công an tỉnh Gia Lai nhận được đơn của ông N.Đ.D, trú tại TP. Pleiku tố giác một phụ nữ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 5 tỉ đồng. Đây là tiền ông D. dùng để mua các món cổ vật mà bà N.H rao bán. Cụ thể, theo trình báo, ông D. và bà H. quen biết nhau từ năm 2020, và bà H. liên tục thông tin có các món đồ cổ có giá trị cần bán, như: Chén đồng màu đen có đặc tính “đốt không nóng”; một cái ché “nếu đặt kính tráng thủy vào ché 2 phút là kính rạn nứt tự nhiên”… Dù chưa nhìn thấy các món hàng trên nhưng ông D. đã chuyển cho bà H. hơn 5 tỉ đồng.

Nhận tiền nhưng bà H. vẫn không đưa các món “cổ vật” đã rao bán cho ông D. mà viện cớ đòi thêm tiền, rồi trốn tránh việc giao hàng. Khi ông D. yêu cầu trả lại tiền thì người phụ nữ này bảo đã tiêu xài hết. Ông D. làm đơn tố cáo. Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đang yêu cầu tạm dừng giao dịch tài sản của bà N.H để phục vụ công tác điều tra vụ việc.

Liên quan đến lừa đảo bán cổ vật, vào cuối tháng 9 vừa qua, Công an tỉnh Bình Thuận bắt tạm giam Thông Thị Định, sinh năm 1956, trú xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo hồ sơ, trong nhiều năm, Thông Thị Định đã làm giả các giấy tờ thể hiện việc đầu tư “hàng gia truyền” là “đồng đen”, “cổ vật” của dân tộc Chăm để lừa bán cho nhiều người, chiếm đoạt hơn 3,2 tỷ đồng.

(Nguồn: antgct.cand.com.vn)
Bình luận
vtcnews.vn