Video: Kho báu hơn 10.000 cổ vật giữa đại ngàn Tây Nguyên
Bén duyên với việc sưu tầm đồ cổ từ năm 2013, đến nay anh Võ Minh Luân (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã tạo cho mình một không gian sống động với hơn 10.000 hiện vật cổ xưa như một bảo tàng thu nhỏ giữa lòng thành phố.
Hiện tại, các cổ vật của anh Luân đang được bài trí ở Nhà Cổ Đại Ngàn. Nơi đây giống như một ngôi nhà di sản chứa đựng và bảo tồn hàng nghìn hiện vật tái hiện sống động văn hóa, đời sống của đồng bào Tây Nguyên.
Nói về cơ duyên đến với việc sưu tầm, anh Luân cho biết, lúc nhỏ hay ở chơi với nhiều gia đình người đồng bào. Ở trong nhà họ có nhiều chum, chóe nhìn rất thích mắt. Từ đó, niềm đam mê sưu tầm hình thành trong anh.
Anh Luân cho biết thời gian đầu việc sưu tầm gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn người dân không chịu trao đi những vật đã ở lâu với gia đình họ. Có những món đồ, anh phải lặn lội vài năm trời và bằng cơ duyên mới sưu tầm được.
Theo anh Luân, đồ gốm không chỉ mang vẻ đẹp riêng biệt mà ẩn giấu bên trong câu chuyện về cuộc sống, văn hóa, tập tục của từng tộc người, được nghệ nhân làm gốm xưa khắc họa lên tác phẩm. Với tâm nguyện muốn bảo tồn hình ảnh chiếc chóe Tây Nguyên, ít nhất là trên đồ gốm, anh Luân đã dành nhiều thời gian, công sức, tiền của sưu tầm các dòng chóe cổ Việt Nam có hình tượng về Tây Nguyên.
Trong hành trình sưu tầm cổ vật đầy đam mê của mình, cũng không ít lần anh Luân gặp khó khăn. Một trong những hiện vật mà anh Luân ấn tượng và tốn nhiều công sức sưu tầm nhất là bức tượng Cô gái Tây Nguyên được làm từ gốm Thành Lễ xưa (đây là một hãng gốm nổi tiếng của Việt Nam thập niên 1950-1970 ở Bình Dương). Khi biết được bức tượng cô gái tây nguyên được một nhà sưu tầm triển lãm ở Bảo Tàng Phụ Nữ Nam Bộ vào năm 2014, anh đã tìm kiếm gần 9 năm mới hữu duyên mang được món đồ này về Nhà Cổ Đại Ngàn nhân ngày di sản Việt Nam 23/11/2022.
Bức tượng cô gái Tây Nguyên đang dịu con, phía sau lưng mang một cái gùi chứa đầy măng non là hình ảnh thường thấy khi đến với mảnh đất Tây Nguyên xưa kia. Với chế độ mẫu hệ, hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp, đảm đang và mang nét thiêng liêng của người mẹ toát lên từ bức tượng thu hút rất nhiều người xem. Đây là bức tượng mà Nhà Sưu Tầm Nguyễn Đình Thứ ở TP.HCM - hội viên thuộc Trung Tâm Bảo Tồn và Sưu Tầm Cổ Vật Unesco Việt Nam đã hữu duyên cho gia đình của anh Luân.
Những chiếc chóe, bình được khắc hình ảnh về lễ hội đâm trâu, đám cưới chuột, đánh đàn đá, săn thú, săn voi… được anh Luân miệt mài sưu tầm trong nhiều năm.
Ngoài những hiện vật cổ như những chiếc chóe, bình gốm, anh Luân còn sở hữu nhiều bức tranh đạt giải cao của nhiều Hoạ sĩ nổi tiếng ở tỉnh Đắk Lắk như Y Nhi Ksor, Hồ Hậu,…
Suốt quãng thời gian sưu tầm cổ vật, hạnh phúc lớn nhất của anh Luân là hàng ngày được nhiều du khách từ khắp nơi trên cả nước ghé thăm, ngắm nhìn và cùng trò chuyện về các báu vật Tây Nguyên được trưng bày ở Nhà Cổ Đại Ngàn.
“Tôi muốn bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá quý giá của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên để lại cho thế hệ mai sau. Qua đó, khi du khách đến vùng đất này, họ sẽ thấy được người bản địa nơi đây có đời sống văn hoá tinh thần thật phong phú, đa dạng và đầy bản sắc đáng để khám phá ở Đại Ngàn Tây Nguyên hùng vĩ…”, anh Luân tâm sự.
Mặc dù rất tâm huyết với việc sưu tầm cổ vật, đặc biệt là là những cổ vật mang nét văn hóa Tây Nguyên nhưng anh Luân không giữ cho riêng mình mà thường xuyên hiến tặng nhiều hiện vật có giá trị cho các bảo tàng. Trong đó, có thể kể đến như việc hiến tặng nhiều hiện vật cho bảo tàng Đắk Lắk, Ninh Thuận, Cà Mau, Thái Bình….
Anh Luân cho biết trong tương lai, ngoài việc gìn giữ, anh còn muốn phát huy, làm đa dạng hơn nữa bộ sưu tập cổ vật về văn hoá Tây Nguyên của mình ở Nhà Cổ Đại Ngàn. “Thông qua những báu vật vô giá, tôi muốn quảng bá văn hoá, nghệ thuật, cuộc sống, con người Tây Nguyên đến mọi du khách khắp cả nước và trên thế giới. Đặc biệt, đưa Nhà Cổ Đại Ngàn trở thành một điểm du lịch di sản văn hoá Tây Nguyên ở TP. Buôn Ma Thuột”, anh Luân bộc bạch.
Bình luận