Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, cả nước đang thiếu hơn 100.000 giáo viên, trong năm 2022, các địa phương cần tuyển thêm 27.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên và từ nay đến năm 2025 là 64.000 biên chế. Trong bối cảnh thiếu hụt lượng lớn giáo viên, thì cũng có hàng ngàn giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển từ trường công lập sang các trường tư thục, chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước có 16.000 giáo viên nghỉ việc, đây là bài toán “đau đầu” với nhiều địa phương.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết, thời gian gần đây lượng lớn giáo viên trên địa bàn tỉnh xin nghỉ việc. Thống kê từ tháng 1/2021-tháng 4/2022, 527 giáo viên toàn ngành nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân là lương giáo viên không đủ sống. Tình trạng thiếu giáo viên nói chung và giáo viên mầm non đang là thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, nếu như trước đây nhiều người muốn “xin” vào ngành giáo dục, thì nay nhiều giáo viên bỏ hẳn nghề hoặc chuyển từ trường công ra trường tư thục. Song đây cũng là điều có thể lý giải, bởi môi trường giáo dục ngoài công lập có nhiều điểm hấp dẫn thấy rõ về cả môi trường làm việc và chế độ đã ngộ.
“Tại các trường tư, chương trình giáo dục thực hiện rất bài bản và yêu cầu giáo viên phải rất cố gắng, lao động cật lực, nhiều giáo viên biết rõ điều này, nhưng họ vẫn chấp nhận, đây là tín hiệu tích cực. Các trường ngoài công lập khi tuyển giáo viên sẽ chú trọng đến kỹ năng, năng lực thật mà không cần bất cứ “động tác” nào để trúng tuyển và đương nhiên áp lực làm việc cũng rất lớn, nhưng giáo viên vẫn thích. Sức hút nằm ở chế độ tiền lương, đãi ngộ tốt hơn nhiều so với trường công, bên cạnh đó, môi trường làm việc cũng khác so với trường công”, GS.TS Đinh Quang Báo nói.
Theo chuyên gia, ngoài mức lương, thì ở các trường ngoài công lập, giáo viên được tự do sáng tạo nhiều hơn, quá trình làm việc được tập trung hoàn toàn vào phát triển chuyên môn. Trong khi đó, tại hệ thống trường công vẫn nặng về quản lý theo hành chính, sổ sách, khiến giáo viên mệt mỏi, đối mặt với nhiều áp lực không đáng có. Điều này xuất phát từ chính năng lực và tư duy quản lý của các cấp, trong đó trực tiếp là hiệu trưởng các nhà trường.
GS.TS Đinh Quang Báo cho rằng, tình trạng giáo viên nghỉ việc tại các trường công thực sự đang báo động, đặc biệt là khi cả nước còn thiếu lượng lớn giáo viên, các ngành chức năng cần tìm giải pháp khắc phục, trong đó quan tâm đến việc cải thiện chế độ tiền lương, đãi ngộ tạo ra môi trường phát triển cho giáo viên.
Còn theo GS.TSKH Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, nghề giáo vốn được coi là nghề cao quý, nhưng vì mức lương quá thấp nên nhiều giáo viên vẫn phải chấp nhận bỏ nghề. Ngoài lương thấp, giáo viên còn phải “gồng gánh” thêm hàng loạt các chứng chỉ mang tính hình thức, gây tốn kém, thiếu hiệu quả thực tế.
“Nhiều nơi vẫn yêu cầu giáo viên phải soạn giáo án theo mẫu, mỗi bài đến hơn 10 trang giấy mới đạt yêu cầu. Những bài giáo án theo mẫu làm triệt tiêu chính sự sáng tạo của thầy cô, điều này cũng khiến các chợ giáo án, chứng chỉ giả trên mạng tràn lan, sôi động mỗi dịp đầu năm học. Sự thật là lương giáo viên thấp nhưng lại rất nhiều áp lực.
Vị thế giáo viên ở Việt Nam khác xa so với các nước. Chúng ta quản lý để hoạt động tốt hơn, nhưng đừng ép giáo viên phải làm việc trong chiếc “rọ” chật hẹp với những quy định cứng nhắc. Tại nhiều quốc gia hiện nay đã bỏ SGK để giáo viên được thỏa sức sáng tạo, ở Việt Nam đã có những đổi mới, nhưng giáo viên vẫn chưa thực sự được thoải mái sáng tạo”, GS Phạm Tất Dong nói.
Để giải quyết tình trạng giáo viên nghỉ việc, GS.TSKH Phạm Tất Dong kiến nghị, Chính phủ cần sớm có chỉ đạo với các bộ ngành liên quan để cân đối ngân sách, có giải pháp khắc phục nhanh chóng, tránh để kéo dài càng làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu giáo viên, ảnh hưởng đến hoạt động của các trường trên cả nước.
“Nếu Bộ GD-ĐT không quản lý về vấn đề nhân sự, thì cần lên tiếng, hành động để cùng các Bộ ngành khác giải quyết, nếu tình trạng này kéo dài dẫn đến vỡ trận thì Bộ ngành nào sẽ chịu trách nhiệm ?”, GS.TSKH Phạm Tất Dong đặt câu hỏi.
Sau cùng, theo thầy Dong, để giữ chân và thu hút người làm trong ngành giáo dục, trước tiên cần lấy lại vị thế của nhà giáo, nếu không xác định được vị thế của giáo viên, thì chất lượng giáo dục không thể nâng cao, bởi đây là nhân tố chính quyết định đến chất lượng giáo dục.
Bình luận