• Zalo

Giáo sư Đặng Hùng Võ: Vì sao Đà Nẵng – TP.HCM không có 'đường đắt nhất hành tinh'?

Kinh tếThứ Bảy, 24/06/2017 07:58:00 +07:00Google News

Đà Nẵng – TP.HCM là ví dụ điển hình của cách thức phát triển đô thị dựa chủ yếu vào nguồn lực đất đai.

Kinh nghiệm

Ở Việt Nam, cũng đã có một số thành phố áp dụng một số cách thức tốt để giảm được chi phí phát triển hạ tầng giao thông đô thị.

Đà Nẵng là một ví dụ điển hình của cách thức phát triển đô thị dựa chủ yếu vào nguồn lực đất đai. Đối với mọi con đường, thành phố không chỉ thu hồi diện tích đất đủ để làm đường mà thu hồi rộng hơn sang 2 bên đường.

Từ đó, Thành phố quy hoạch đất 2 bên đường, đưa đất ra đấu giá để các nhà đầu tư phát triển không gian đô thị 2 bên đường theo đúng quy hoạch. Cách phát triển như vậy đã được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, nhưng mới được áp dụng triệt để tại Đà Nẵng.

GS Dang Hung Vo Phap luat dat dai cua Viet Nam co 3 lo hong lon (1)

GS.TSKH Đặng Hùng Võ

Chỉ với cách thức như vậy, thành phố Đà Nẵng đã từ một đô thị nhỏ, kém phát triển đã sớm trở thành một đô thị phát triển theo hướng hiện đại, một thành phố nhận được bình chọn là thành phố đáng sống, người dân rất hài lòng, và đang trở thành trung tâm thu hút lớn ở Miền Trung. Tất nhiên, nhiều người cũng không thực sự ưng ý với cách thức thu hồi đất rộng hơn con đường, tạo nên nhóm bị thiệt hại do phát triển lớn hơn mức cần thiết.

TP.HCM cũng có cách thức phát triển hạ tầng khôn khéo. Thành phố thu hồi đất để mở rộng con đường hiện tại và thu hồi đất thuộc dải tiếp giáp mặt đường tương lai.

Trong hiện tại, dải đất tiếp giáp mặt đường tương lai lại là dải đất không tiếp giáp mặt đường, ở phía sau dải tiếp giáp mặt đường hiện tại. Như vậy, chi phí bồi thường, hỗ trợ sẽ thấp. Người sử dụng đất thuộc dải đất tiếp giáp mặt đường hiện tại sẽ được bố trí tái định cư tại chỗ, tại dải đất tiếp giáp mặt đường tương lai. Quá trình tái định cư tại chỗ như vậy cũng tạo cơ hội quy hoạch lại đất hai bên đường cho hợp lý với không gian đô thị mới.

Như vậy, giải pháp của TP.HCM, mặc dù chưa tạo ra được tính bình đẳng thực sự, nhưng đã tạo được tính bình đẳng tốt hơn trong phát triển.

vi-sao-da-nang-tp-hcm-khong-co-duong-dat-nhat-hanh-tinh

Cuối năm 2006, đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa dài 1,1 km khánh thành sau 12 tháng thi công. (Ảnh: Zing.vn)

Thứ nữa, cách làm này đã tạo cơ hội quy hoạch phù hợp hơn đối với đất hai bên đường sau khi con đường đã được mở rộng, nâng cấp. Ở nhiều nước khác trên thế giới, nhất là tại một số nước có tốc độ đô thị hóa nhanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, v.v., người ta sử dụng cơ chế “Góp đất - Điều chỉnh lại đất đai” rất hiệu quả.

Việc nâng cấp hạ tầng hiện có hay xây dựng hạ tầng mới ở một khu vực nào đó được đưa vào cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Người dân góp một phần đất hiện có, Nhà nước trợ giúp bằng đất công, tiền từ ngân sách để thực hiện dự án nâng cấp hạ tầng và bố trí lại dân cư theo quy hoạch. Tỷ lệ đất đóng góp thường được tính theo tỷ lệ tăng giá đất sau khi hạ tầng được nâng cấp. Đất mà người dân tại chỗ đóng góp được sử dụng để phát triển hạ tầng, tái định cư tại chỗ theo quy hoạch (điều chỉnh lại đất đai) và đấu giá để có tiền thực hiện dự án.

Sau khi khảo sát hiện trạng, phương án quy hoạch đô thị gắn với việc góp đất và điều chỉnh lại đất đai được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư. Khi thu được ý kiến đồng thuận của đại đa số thành viên của cộng đồng dân cư thì phương án đó được Nhà nước phê duyệt. Đại đa số ý kiến ở đây thường được xác định ít nhất là 2/3 tổng số thành viên của cộng đồng. Các trường hợp không đồng thuận chỉ có hai lựa chọn, một là tự nguyện thực hiện theo phương án, hai là bị Nhà nước thu hồi đất bắt buộc.

Cơ chế “Góp đất - Điều chỉnh lại đất đai” đã được tha thiết kiến nghị đưa vào Luật Đất đai 2013 để áp dụng rộng rãi vào Việt Nam. Rất tiếc, khi đó kiến nghị này không được chấp nhận, lý do vì chỉ nên áp dụng hoặc cơ chế Nhà nước thu hồi đất bắt buộc (theo pháp luật hành chính) hoặc tự thỏa thuận theo thị trường (theo pháp luật dân sự), không thể áp dụng một cơ chế nửa hành chính, nửa dân sự.

Rất tiếc là trên thế giới người ta đã chứng minh được rằng Nhà nước và nhân dân cùng làm là một cơ chế tốt nhất, điều mà Đảng ta đã khẳng định về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng ngay từ khi mới thành lập.

Đến đầu năm 2017, cơ chế này mới được đưa vào quy định rất sơ khai tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP. Kinh nghiệm lớn nhất của quốc tế là việc thu lại chi phí Nhà nước đã bỏ ra để đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng tại đô thị thông qua thuế đánh vào bất động sản.

Đây không phải là thuế thuần túy đánh vào tài sản mà nội dung chủ yếu là đánh vào sự hiện diện của con người đang sử dụng bất động sản để ở, để hoạt động kinh doanh. Con người tồn tại ở đó thì phải sử dụng hạ tầng, sử dụng dịch vụ công cộng, và phải chi trả chi việc sử dụng đó. Thuế này thu được tại đô thị nào được sử dụng để tiếp tục phát triển hạ tầng, dịch vụ công cộng tại đô thị đó.

Đây chính là cách thức bền vững nhất để phát triển đô thị, tạo được công bằng và tiềm lực phát triển.

Làm gì cho Việt Nam tốt hơn?

Bài toán đô thị hóa nói chung, hay bài toán nâng cấp đô thị nói riêng là vấn đề lớn tại Việt Nam, nhất là tại Hà Nội. Phát triển hạ tầng bằng những cách quá đắt đỏ và thiếu công bằng, Nhà nước bỏ kinh phí lớn ra để đầu tư nhưng không có cách nào thu hồi lại được trong quá trình sử dụng.

Cứ như vậy thì cần bao nhiêu tiền nữa để nâng cấp các đô thị cũ và phát triển các đô thị mới.Vấn đề này chỉ có thể giải quyết tốt khi Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát triển kinh tế phải là sự nghiệp của toàn dân.

Video: Những nút giao thông 'thắt cổ chai' đáng sợ ở Hà Nội qua góc nhìn từ trên cao

Thứ nhất, cần cải cách hệ thống thuế sử dụng đất, thuế bất động sản theo hướng nâng cao tỷ suất thuế từng bước sao cho ngang với các nước muốn phát triển trên thế giới. Ở các nước tỷ suất thuế này là từ 1% tới 1,5% giá trị thị trường, ở ta mới chỉ là 0,03% giá trị tính theo bảng giá của Nhà nước. Họ tạo được tiềm lực phát triển đô thị; ta thì rơi vào cảnh nợ công cao và bội chi ngân sách, khi mà dòng người di cư vào các đô thị lớn quá mạnh.

Thứ hai, cần phải hạn chế lại đi tới bãi bỏ cả cơ chế Nhà nước thu hồi đất lẫn cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận để nâng cấp và phát triển đô thị. Cơ chế Nhà nước thu hồi đất là trạng thái cực đoan mang tính tả khuynh gây khiếu kiện nhiều của những người mất đất. Cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận lại là trạng thái cực đoan mang tính hữu khuynh gây tình trạng một bộ phận nhỏ đòi hỏi giá đất quá cao mà nhà đầu tư rơi vào tiến thoái lưỡng nan.

Các cơ chế này cần được thay thế bằng cơ chế "Góp đất - Điều chỉnh lại đất đai” mang tính trung dung, không tả - không hữu, giảm đáng kể chi phí đầu tư, có được công bằng, tạo được khung cảnh Nhà nước và nhân dân đồng thuận trong phát triển và trao quyền quyết định phát triển cho cộng đồng cư dân tại chỗ.

Thứ ba, kiểm soát tham nhũng chặt chẽ hơn trong quá trình phát triển đô thị với 3 yếu tố cốt yếu của quản trị công là công khai - minh bạch, có sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình cao của cơ quan quản lý. Loại bỏ được các nguy cơ tham nhũng mới có cơ hội giảm được chi phí cho phát triển.

Việt Nam không phải là một nước giầu có.Tài nguyên thiên nhiên cũng có nhưng không phải là nhiều.Tìm ra cơ chế hợp lý cho đầu tư phát triển là nhiệm vụ quan trọng nhất. Một hình ảnh về kỷ lục con đường đắt nhất hành tinh ở Hà Nội liên tục bị xô đổ đang mang lại một cảm giác buồn chán. Một người bình thường cũng luôn có một giấc mơ bình thường về những con đường rẻ nhất hành tinh ở Việt Nam.

Cách làm thì đã có, đã được thử nghiệm, đã thành công ở khắp các nơi. Câu hỏi được đặt ra là tại sao các nhà quản lý đô thị ở ta không tiếp thu kinh nghiệm để làm hay không muốn làm?

(Đây là bài viết của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn