• Zalo

GIAO LƯU TRỰC TUYẾN: Giải pháp tối ưu bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ - Mô hình hầm lạnh cho tàu cá

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 20/09/2018 08:59:00 +07:00Google News

Từ 9h sáng 20/9, Báo điện tử VTC News tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến nhằm giới thiệu về các giải pháp tối ưu bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ - mô hình hầm lạnh cho tàu cá, được chia sẻ bởi các chuyên gia hàng đầu đến từ Đà Nẵng.

10h35: Kết thúc buổi giao lưu. 

42160722_914466772095813_1936847375083503616_n 14

 PGS.TS. Nguyễn Phúc Nguyên và PGS.TS. Phan Quí Trà kết thúc buổi giao lưu cùng độc giả VTC News. 

Độc giả Minh Tâm (40 tuổi – Bình Định): Tôi được biết, chương trình Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 – Bộ KH&CN đã hỗ trợ trong việc kết nối nhiều nhà khoa học trẻ nhằm thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, vậy hiện nay ông và PGS.TS. Phan Quí Trà đã thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp chưa? Kỳ vọng của ông về sự phát triển của doanh nghiệp này?

PGS.T.S Nguyễn Phúc Nguyên: Như tôi đã đề cập, hiện nay Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Luật, Nghị định và các chính sách nhằm hỗ trợ việc thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Cụ thể, thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với Quyết định 844 của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đến năm 2025. Dựa trên những căn cứ luật pháp và chính sách hỗ trợ này, khoảng 1500 đến 1800 startup đang hoạt động tại Việt Nam có cơ hội phát triển lớn. Trên cơ sở tiếp cận vốn, cơ sở vật chất nghiên cứu, kỹ năng quản trị điều hành, bản thân tôi cũng đã tiến hành khởi nghiệp trong thời gian qua ở một số lĩnh vực: Giáo dục, nông sản và du lịch.

Tôi tin rằng với đam mê khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia cùng với những ưu đãi và hỗ trợ từ nhà nước thì các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ ngày càng phát triển, hỗ trợ nhiều cho công cuộc hội nhập cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở nước ta.

Độc giả Mai Hương (40 tuổi – Quảng Ngãi): Xin ông cho biết, hệ thống này có thể bảo quản trong thời gian tối đa bao lâu? Chi phí đầu tư có lớn không?

PGS.TS. Phan Quí Trà: Hệ thống này có thể bảo quản hải sản trong thời gian ngư dân đi biển (khoảng 1 tháng).

Chi phí đầu tư cho hệ thống này vào khoảng 300 triệu (hầm với thể tích 10-12m3)

Độc giả Hương Anh (28 tuổi – Hải Phòng): Sắp tới ông dự kiến sản phẩm sẽ tập trung vào thị trường và đối tượng như thế nào? Kỳ vọng về sản phẩm trong thời gian tới là gì?

PGS.TS. Phan Quí Trà: Như các bạn đã biết, sản phẩm của chúng tôi sẽ hướng đến các chủ tàu cá vỏ gỗ truyền thống. Tổn thất sau thu hoạch trên các tàu cá này khá lớn. Nếu được lắp đặt hệ thống này sẽ mang lại lợi ích cho cả chủ tàu và người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay giá thành đầu tư ban đầu cho hệ thống còn tương đối lớn, nếu có được sự hỗ trợ một phần từ Chính phủ, ngư dân sẽ mạnh dạn đầu tư vào hệ thống này.

Theo tính toán và kiểm nghiệm thực tế của chúng tôi, nếu tiến hành lắp đặt trên toàn bộ các hầm của tàu cá thì thời gian thu hồi vốn từ 1,5 đến 2 năm. Hiện tại như PGS.TS Nguyễn Phúc Nguyên đã nêu, đa số trong hơn 110 nghìn tàu đánh cá chưa có lắp đặt hệ thống hầm lạnh. Đây là một tiềm năng rất lớn để nhân rộng hệ thống này.

42168879_2160072900932635_4008671377413373952_n 10

 

Độc giả Ngọc Dũng (38 tuổi – Nghệ An): Đã có doanh nghiệp nào muốn đầu tư để phát triển sản phẩm nghiên cứu của ông không?

PGS.TS. Phan Quí Trà: Hiện nay chúng tôi chưa có doanh nghiệp phối hợp để nhân rộng công nghệ này ra nhiều tàu cá. Chúng tôi hiện chỉ nhận các khách đặt hàng lẻ, sau đó tiến hành thiết kế, chế tạo và lắp đặt phù hợp cho từng đơn hàng. Lý do lớn nhất hiện nay là do các tàu đánh cá có thiết kế hầm cá với kích thước khác nhau gây khó khăn cho việc triển khai sản xuất hàng loạt.

Độc giả Thu Hương (24 tuổi – Phú Yên): Theo ông, tiềm năng phát triển của hệ thống hầm lạnh cho tàu cá này tại thị trường Việt Nam như thế nào? Và rộng hơn là ra quốc tế ra sao?

PGS.T.S Nguyễn Phúc Nguyên: Hiện nay, sản lượng khai thác thủy-hải sản của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ 2017, tuy nhiên phương thức bảo quản sau khai thác dùng nước đá là chủ yếu. Việc sử dụng phương thức cấp nông, sản xuất đá lạnh bằng nước biển ngay trên tàu chỉ đối với tàu lớn sản xuất dài ngày trên biển, loại tàu này không nhiều. Hơn nữa, tình hình hao hụt trong khai thác hải sản là rất lớn (từ 25-30%).

Do đó, công nghệ bảo quản thủy-hải sản trên biển là một trong những yếu tố quan trọng quyết định giá trị sản phẩm, khả năng cạnh tranh trong việc mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Vì thế việc áp dụng và lắp đặt hệ thống lạnh tối ưu cho hầm bảo quản trên những tàu đánh bắt xa bờ là giải pháp ý nghĩa và thiết thực. Hiện nay cả nước có hơn 110 nghìn tàu cá, trong đó có khoảng 31 nghìn tàu đánh bắt xa bờ. Hơn nữa Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 47 về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với thủy-hải sản với mục tiêu dưới 10% hao hụt đến năm 2020.

Vì thế tiềm năng của hệ thống này rất lớn. Nó không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia mà còn có thể mở rộng sang khu vực lân cận. Đặc biệt đối với các tàu đánh bắt quy mô vừa, công suất lớn 400CV.

41972838_236489143700329_1114299075622076416_n 9

 

Độc giả Mộc Lan (50 tuổi – Đà Nẵng): Hiện nay, ông và PGS.TS. Phan Quí Trà đã có những liên kết, hợp tác gì? Hiệu quả mang lại cho các nhà khoa học nói riêng và cho nhà trường là gì?

PGS.T.S Nguyễn Phúc Nguyên: Chúng tôi cùng phụ trách mảng KHCN của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Nghiên cứu về hệ thống lạnh của PGS. TS. Phan Quí Trà được Sở KHCN đặt hàng và đã triển khai thành công từ năm 2014 trên cơ sở này, bản thân tác giả và nhóm cộng sự đã liên kết chặt chẽ với nhau trong việc hoàn thiện sản phẩm cũng như thương mại hóa sản phẩm này ra thị trường. Điều này vừa thúc đẩy các nhà khoa học tập trung nghiên cứu sáng tạo, bên cạnh đó tăng thêm thu nhập. Dưới góc độ của nhà trường, những sản phẩm khoa học, sáng tạo này gia tăng uy tín cho Đại học Đà Nẵng và nâng tầm vị thế của nhà trường trong khu vực và quốc tế.

Độc giả Hoàng Anh (41 tuổi – Quảng Bình): Hiện nay nhóm nghiên cứu của ông đã cung cấp đến các doanh nghiệp tàu cá nào? Phản hồi của khách hàng về sản phẩm?

PGS.TS. Phan Quí Trà: Hiện nay mô hình đã lắp đặt thành công trên tàu vỏ gỗ ở Đà Nẵng. Khách hàng đánh giá cao lợi ích hầm đem lại. Theo đánh giá của khách hàng, một chuyến đi biển giúp chủ tàu thu lợi từ 15-20 triệu đồng/hầm. Chúng tôi đang triển khai trên các tàu vỏ sắt đóng mới theo hỗ trợ vốn vay của Nghị định 67.

Chúng tôi đã tiến hành thiết kế, lắp đặt và thử nghiệp hệ thống lạnh này trên 10 chuyến đi biển (mỗi chuyến kéo dài 1 tháng). Trong các chuyến đi biển này, những vấn đề phát sinh về kỹ thuật đã được chúng tôi khắc phục. Do vậy nếu mô hình được tiếp tục nhân rộng và hoàn thiện hơn thì hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của các chủ tàu cá. Khi tiến hành nghiên cứu lắp đặt trên tàu cá vỏ gỗ truyền thống, chúng tôi đã có tìm hiểu các sản phẩm hiện có trên thị trường.

Thực tế chỉ có một vài hệ thống lần đầu lắp đặt trên các tàu cá ở các tỉnh phía Nam. Các hệ thống này đều có chung một nhược điểm là vận hành không ổn định, do thiết kế các hệ thống các dàn trao đổi nhiệt nằm trong hầm cá. Hệ thống của chúng tôi đã khắc phục các nhược điểm này bằng phương pháp làm lạnh gián tiếp.

Độc giả Nguyễn Trà (50 tuổi – Thái Bình): Thưa ông, những đối tượng khách hàng nào có thể sử dụng hệ thống này? Cơ chế hoạt động của nó ra sao?

PGS.TS. Phan Quí Trà: Như nghiên cứu của chúng tôi, khách hàng là những chủ tàu vỏ gỗ truyền thống, đóng mới hoặc đại tu thì có thể lắp đặt hệ thống này. Hệ thống lạnh hoạt động dựa vào máy chính của tàu. Hiện tại chúng tôi không sử dụng máy kéo bổ sung mà chỉ kết nối dùng chung với máy chính của tàu. Hệ thống hoạt động theo nguyên lý của hệ thống lạnh thông thường, sử dụng môi chất lạnh R134a, làm mát bằng nước biển, làm lạnh sản phẩm gián tiếp qua chất tẩy lạnh là dầu truyền nhiệt.

42156495_236547220355155_2765995265457389568_n 11

 

Độc giả Đức Anh (25 tuổi – Huế): Đến nay, Trường ĐH Kinh tế đã thành lập được bao nhiêu câu lạc bộ khởi nghiệp? Nó đã giúp gì cho các sinh viên trong quá trình học tập cũng như nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn?

PGS.T.S Nguyễn Phúc Nguyên: Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp được trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng chú trọng. Điều này được thể hiện rõ trong chương trình giảng dạy như môn Khởi sự kinh doanh từ năm 2006. Nhà trường đã thành lập các câu lạc bộ VI start up mà tiền thân là câu lạc bộ khởi nghiệp kinh tế với chương trình giảng dạy môn học cùng với Dự án xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho sinh viên (VIBE) được triển khai từ năm 2016 với sự cộng tác của Trung tâm khởi nghiệp Rubicon thuộc Học viện công nghệ Cork do chính phủ Ireland tài trợ.

Cuộc thi Danang Startup Runway đã trở thành môi trường rộng khắp cho sinh viên trên địa bàn miền Trung nhằm trang bị kiến thức hiện đại, cập nhật về khởi nghiệp thông qua các khóa đào tạo, huấn luyện từ các chuyên gia đến từ Ireland cũng như các nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp. Sinh viên còn được trang bị các kỹ năng mầm như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, lập kế hoạch kinh doanh. Đặc biệt sinh viên báo cáo kết quả đề án tốt nghiệp của mình bằng tiếng Anh.

Với môi trường học tập thực tiễn này, sinh viên vừa nắm được kiến thức vừa được va chạm với thực tế nhằm hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh. Đây là những yếu tố cần thiết cho khởi nghiệp.

42110544_2246972585532669_8701207251790069760_n 6

 PGS.TS. Nguyễn Phúc Nguyên.

Độc giả Hùng Cường (42 tuổi – Hà Tĩnh): Ông có thể cho biết những cơ chế, chính sách ưu đãi của nhà nước đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và đối với khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo quản thực phẩm vùng biển là gì?

PGS.T.S Nguyễn Phúc Nguyên: Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ số 4-2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 tập trung hỗ trợ theo 5 hình thức

Thứ 1: Hỗ trợ ứng dụng trang thiết bị.

Thứ 2: Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện.

Thứ 3: Hỗ trợ thông tin, truyền thông xúc tiến thương mại.

Thứ 4: hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứuCuối cùng cơ chế bù đắp lãi suất đối với khoản vay.

Trên cơ sở này có 3 nghị định được ban hành. Nghị định 34-2018 của Chính phủ về việc thành lập tổ chức của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định 38-2018 quy định chi tiết đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo. Nghị định 39-2018 quy định một số điều chi tiết dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhà nước và Thủ tướng đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Quyết định số 844 của Thủ tướng ngày 14/5/2016 về phê duyệt Đề án Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Đây là văn bản chính sách đầu tiên bao quát, làm nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quyết định số 171 của Bộ KHCN ngày 7/2/2017 về Đề án  đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Bên cạnh đó các tỉnh, thành cũng ban hành các quyết định hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tính đến hết năm 2017, đã có 22 tỉnh, thành ban hành chính sách hỗ trợ này. Cụ thể Bộ GD-ĐT cũng ban hành quyết định số 1665 ngày 30/10/2017 củaThủ tướng phê duyệt đề án hỗ trợ sinh viên, học sinh khởi nghiệp đến năm 2025. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng ban hành quyết định số 939 ngày 30/6/2017 về phê duyệt Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Với những chính sách cơ chế này đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp cũng các startup.

42167256_2229592180610615_5400236555069554688_n 7

 PGS. TS. Phan Quí Trà. 

Độc giả Ngọc Hương (52 tuổi – Quảng Ninh): Ưu điểm nổi trội của hầm lạnh này là gì? Những lợi ích mà nó mang lại cho khách hàng?

PGS.TS.Phan Quí Trà: Hầm lạnh sẽ làm tăng khả năng cách nhiệt, giảm tổn thất lạnh ra môi trường, đồng thời bổ sung lạnh làm đá lâu tan. Hải sản đánh bắt được bảo quản tốt hơn, đông cứng khi vào bờ. Do vậy giá bán hải sản tăng, giúp ngư dân nâng cao thu nhập và người tiêu dùng được tiêu thụ các sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầm lạnh cũng giúp chủ tàu giảm lượng đá cần mang theo, qua đó tăng thể tích chứa cá của hầm và giảm tiêu thụ nhiêu liệu.

Ngoài ra hầm được thiết kế không làm ảnh hưởng đến các thao tác công việc truyên thống của ngư dân, vỏ hầm được bọc bằng inox, thích hợp với môi trường biển, tránh được ẩm mốc gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Độc giả Hồng Hạnh (37 tuổi – Quảng Nam): Thưa ông, lý do gì khiến ông quyết định nghiên cứu và cho ra đời mô hình hầm lạnh cho tàu cá?

PGS.TS. Phan Quí Trà: Chúng tôi đã đi khảo sát cảng cá ở Đà Nẵng. Tất cả các tàu khảo sát đều sử dụng phương pháp truyền thống là mang theo đá cây, xay nhỏ để muối cá. Do hầm cá trên tàu không được cách nhiệt tốt nên đá tan nhanh, thời gian đi biển dài nên cá bị hư hỏng, không đảm bảo chất lượng khi vào bờ. Từ đó, giá cá giảm, dẫn đến gây tổn thất cho ngư dân.

Ngoài ra một số trường hợp ngư dân sử dụng các loại hóa chất trong bảo quản hải sản, gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Nhằm tăng chất lượng hải sản sau thu hoạch và giảm chi phí của những chuyến ra khơi đánh bắt cũng như đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, chúng tôi đã nghiên cứu đưa hệ thống lạnh lên các tàu cá truyền thống.

Hai vị khách mời tham gia giao lưu: PGS.TS. Phan Quí Trà, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) và PGS.TS Nguyễn Phúc Nguyên, Trưởng phòng Khoa học-Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng).

42059559_267954130593911_8035236834122399744_n 12

 Khách mời tham gia chương trình.

9h00: Buổi giao lưu bắt đầu

Hiện nay, tình trạng tổn thất hải sản sau thu hoạch khá lớn, chiếm khoảng 20 - 30% tổng sản lượng. Nguyên nhân là do tàu có hầm trữ lạnh không đạt chuẩn về cách nhiệt, cách ẩm.

Nguyên nhân chính là do những tồn tại của phương pháp bảo quản lạnh và hầm bảo quản truyền thống của tàu cá ngư dân hiện nay: thường có vách gỗ cách nhiệt kém; dễ thất thoát nhiệt; lọt ẩm, dễ thấm ướt và sản sinh nấm mốc, vi khuẩn có hại; đáy hầm phủ xốp, xốp cách nhiệt không đảm bảo, không an toàn.

Đa số các tàu cá thực hiện việc bảo quản sản phẩm sử dụng xốp cách nhiệt, ướp nước đá cây xay nhuyễn tổn thất lạnh theo thời gian rất lớn và làm giảm chất lượng sản phẩm.

ham-lanh-tau-ca-0814224

 Phương pháp bảo quản truyền thống của ngư dân hiện nay. 

Trước thực trạng này, PGS.TS. Phan Quí Trà Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng (trước đây là trường Cao đẳng Công nghệ) đã phối hợp với Sở KH&CN Đà Nẵng nghiên cứu, thiết kế một hệ thống hầm lạnh cho tàu cá xa bờ bằng vật liệu inox 304 dày 2mm, có khả năng chống chịu với oxy hóa cao trong môi trường biển. Đây là vật liệu chính được sử dụng để làm vách, trần hầm lạnh với vật liệu có độ bền cao.

Cách thức này so với ban đầu sẽ tạo thành nhiều lớp vách cách nhiệt (lớp gỗ thành tàu, lớp foam PU, lớp inox), đảm bảo giảm thiểu thất thoát nhiệt ra ngoài môi trường, giảm nước đá bị tan chảy so với trước đây và đảm bảo chất lượng thủy hải sản an toàn, nguyên vẹn...

Nhằm kết nối để đưa các kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao ra thị trường, Trung tâm dịch vụ tổng hợp (Ban quản lý Khu vực công nghệ cao Hoà lạc) đã được Chương trình Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 - Bộ KH&CN (Chương trình 2075) hỗ trợ thực hiện dự án “Xây dựng và liên kết cộng đồng các nhà khoa học trẻ để thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm sáng tạo tại các trường đại học và cao đẳng”.

 Tại Đà Nẵng, Trung tâm dịch vụ tổng hợp đã thực hiện việc liên kết giữa khối các trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật nhằm triển khai ứng dụng vào thực tiễn cũng như thương mại hóa thành công các nghiên cứu có giá trị điển hình như Công trình nghiên cứu hệ thống hầm lạnh cho tàu cá xa bờ.

Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng thường xuyên hỗ trợ cho các trường tại Đà Nẵng cũng như liên kết với các trường ở Quy Nhơn, Huế, Kon Tum thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp, xúc tiến hình thành các vườn ươm, kết nối để sinh viên có cùng ý tưởng có thể gặp nhau cũng như gặp gỡ nhà đầu tư.

Để tìm hiểu rõ hơn về công trình nghiên cứu Hệ thống hầm lạnh cho tàu cá xa bờ - Một giải pháp tối ưu bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ và các hoạt động triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu trên diện rộng, mang lại lợi ích kinh tế cao cho bà con vùng biển, Báo điện tử VTC News tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Giải pháp tối ưu bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ - Mô hình hầm lạnh cho tàu cá” vào lúc 9h00 sáng 20/09/2018.

Kính mời quý độc giả quan tâm, xin đặt câu hỏi gửi về tòa soạn theo địa chỉ: [email protected].

Thanh Ba
Bình luận
vtcnews.vn