• Zalo

Giáo dục để thay đổi lối sống là chìa khóa giảm béo phì thành công

Sức khỏeThứ Sáu, 28/12/2018 17:26:00 +07:00Google News

Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỉ lệ chỉ số BMI <18,5 cho thấy vẫn rất nhiều người Việt ở trong tình trạng gầy dưới chuẩn.

image001

So với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam có tỉ lệ béo phì khá thấp (nguồn: Internet) 

Ám ảnh thừa cân và nỗi lo suy dinh dưỡng

So với các nước trong khu ĐNA, Việt Nam có tỉ lệ béo phì thấp nhất (khoảng 2%). Trong khi đó, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em Việt Nam vẫn đang ở mức báo động, tỉ lệ vẫn nằm ở mức 2 con số. Tuy nhiên, béo phì đã là vấn đề bắt đầu manh nha xuất hiện ở thành thị, nơi giới trẻ ít có nhiều hoạt động thể thao và cha mẹ vẫn chưa chú ý đến vấn đề này trong đời sống hàng ngày.

Không gian đô thị không có nhiều mảng xanh, chưa khuyến khích các hoạt động tập luyện ngoài trời, tập luyện trong trường học cũng trở thành nguy cơ gây tăng cân ở người trẻ. Đáng chú ý, nhiều bạn trẻ yêu thích ăn các loại thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, kem, trà sữa theo các trào lưu phim ảnh, quảng cáo và nhóm bạn. Việc ăn uống không chú ý cộng với thời gian ít vận động kéo dài trở thành hai nhân tố chính khiến người trẻ bị béo phì.

Bên cạnh sự gia tăng tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em thành thị mà nguyên nhân đến từ những quan niệm sai lầm của người lớn như "cho ăn thật nhiều con mới khoẻ" mà không chú ý trẻ ăn gì, nạp bao nhiêu năng lượng và có hoạt động thể thao ra sao, cha mẹ bận rộn để trẻ giải trí bằng ti vi, điện thoại, các thiết bị điện tử quá nhiều,… thì ở một góc độ khác, tỉ lệ trẻ thấp còi nhẹ cân ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao.

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, dù tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm nhanh và bền vững (suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2016 tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8.

Tuy nhiên Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức cao hai con số (24,3% năm 2016) và có sự chênh lệch nhiều giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng...

Chìa khoá từ bỏ nỗi sợ béo phì hay nỗi lo về suy dinh dưỡng

Trong khi hoạt động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là 1 trong 6 mục tiêu quan trọng của Chiến lược quốc gia dinh dưỡng 2011 – 2020, với nhiều giải pháp đồng bộ như: Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ cao; tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là giải pháp trung hạn; đa dạng hoá bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng một cách lâu dài và bền vững.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng đưa ra những lời khuyên về việc phòng chống suy dinh dưỡng của trẻ em như cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho trẻ, đảm bảo giá trị dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, chăm sóc trẻ bằng bữa ăn hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa và điều trị triệt để các bệnh nhiễm giun, hay định kỳ sáu tháng tẩy giun một lần cho trẻ trên 2 tuổi.

Ngoài việc đưa ra các biện pháp làm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thì các cơ quan nhà nước cũng đang quan tâm tới việc phòng chống béo phì. Tuy nhiên, việc đưa ra các biện pháp như áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường do Bộ Tài Chính đề xuất trong thời gian gần đây lại gặp phải nhiều sự phản đối. Vậy, liệu việc áp thuế có phải là một giải pháp hiệu quả và bền vững để giảm béo phì?

Theo kết quả từ một điều tra về hành vi người tiêu dùng khi có thay đổi về giá thành sản phẩm nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường cho thấy việc tiêu thụ đường có thể không giảm đi. Thay vào đó, người tiêu dùng sẽ chuyển từ đồ uống có đường đóng chai, lon sang các loại thức uống ngọt khác chế biến được bán trên đường phố hoặc tại nhà.

Đồng thời, báo cáo từ Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cũng cho thấy học sinh uống nước ngọt rất ít, lượng đường nạp vào cơ thể đến từ nước ngọt không cao và đây không phải nguyên nhân chính gây thừa cân cho các em. Chính vì vậy, đề xuất về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường của Bộ Tài Chính có lẽ là chưa phù hợp.

Theo lời khuyên từ Bệnh viện của Đại học Stanford (2) (Mỹ) để chống béo phì ở người lớn, thì chống béo phì cho người trẻ từ tuổi thiếu niên là cực kỳ quan trọng. Để giảm tình trạng béo phì, giải pháp lâu dài đến từ cách thay đổi lối sống, từ từng hoạt động nhỏ hàng ngày của người trẻ và người lớn trong gia đình. 

Môi trường sống là nơi quan trọng nhất nơi mỗi người có thể tập luyện ý thức chú ý những gì mình ăn vào, duy trì hoạt động thể chất, hoặc chú ý thực hành những bài tập tốt cho sức khoẻ. Tổng hợp các yếu tố đó là giải pháp lâu dài cho mỗi người từ khi thiếu niên đến trưởng thành. 

image002

Trường học và không gian sống của gia đình là những yếu tố quan trọng để mang đến một thể chất khỏe mạnh cho trẻ (Nguồn: internet) 

“Trường học là môi trường hấp dẫn khuyến khích các hành vi có lợi cho sức khoẻ, vì học sinh thường dành rất nhiều thời gian ở trường, các yếu tố trong chương trình học về sức khoẻ, và các trường nào có thêm giáo trình này có thể giúp tăng sức khoẻ cho học sinh” - nghiên cứu của Giáo sư Ruth S.M. Chan từ Khoa Y học và Trị liệu, Đại học Hong Kong về các giải pháp chống béo phì cho biết. 

Ngoài trường học, không gian sống ở gia đình là cực kỳ quan trọng để chống thừa cân. “Xem TV là yếu tố nguy cơ gây béo phì. Chiến lược là giảm thời gian xem TV và cha mẹ không nên có TV trong phòng ngủ của con, khuyến khích cả gia đình nghiêm khắc với thời gian xem TV, và không xem TV khi ăn tối,” khảo sát này của Giáo sư Jean Woo và Ruth S.M. Chan đưa ra đề xuất với gia đình. 

Hai bác sĩ và giáo sư này cũng đề nghị các gia đình quan tâm đến thức ăn tại nhà và môi trường hoạt động thể chất với người thân trong gia đình, “gồm các việc như mua thức ăn lành mạnh, có các bữa ăn đều đặn, chia phần ăn cho từng người, tạo thêm cơ hội để có hoạt động thể chất, và cha mẹ luôn làm gương trong việc ăn uống lành mạnh",  tác giả Ruth Chan viết. 

Theo BS Lưu Thị Mỹ Thục (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Một trong những biện pháp tốt nhất để kiểm soát cân nặng là thay đổi lối sống, hành vi. Đó là tăng hoạt động thể lực (thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày), giảm thời gian tĩnh tại. Trẻ dưới 2 tuổi không nên xem ti vi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần.

image003 3

Chế độ ăn uống cân đối, ăn nhiều rau xanh và chất xơ giúp cơ thể khỏe mạnh (Nguồn: internet) 

Rõ ràng, những thay đổi cốt lõi trong giáo dục tại trường học, chăm sóc sức khoẻ và thể thao tại gia đình, và các doanh nghiệp cùng với nhà nước có thêm hoạt động nâng cao ý thức người tiêu dùng về các sản phẩm liên quan đến sức khoẻ mới là giải pháp lâu dài cho một xã hội khoẻ mạnh. 

Quan trọng hơn, tất cả các phương pháp trên phải cùng thực hiện đồng bộ, với ý thức của người lớn và thiếu niên về dinh dưỡng, thừa cân, lối sống, thể thao mới là câu trả lời cho nguy cơ béo phì, suy dinh dưỡng ở Việt Nam, chứ không phải chỉ một loại thuế hay một sự cấm đoán từ các cơ quan quản lý là đủ.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn