(VTC News) – Lượng giao dịch dầu trên thị trường thế giới đạt mức gần như thấp nhất trong khoảng 1 tuần qua, liên quan đến việc các nhà đầu tư lo ngại việc đầu cơ nhiên liệu có thể thất bại do suy thoái kinh tế toàn cầu.
Những ngày qua, người ta chứng kiến hàng loạt thông tin liên quan đến tình hình kinh tế bất ổn và những hệ lụy của việc giá dầu dao động thất thường.
Các báo cáo phân tích cho thấy đơn đặt hàng máy móc của Nhật Bản giảm 14,8% trong tháng 5, mức sụt giảm nhiều nhất trong vòng hơn 5 năm qua. Còn ở Mỹ, số lượng việc làm chỉ gia tăng 80.000, thấp hơn so với dự báo 100.000 hồi tháng 6.
Việc nền kinh tế toàn cầu đang chững lại khiến các ngân hàng trung ương từ châu Âu tới Trung Quốc tiếp tục cắt giảm lãi suất và công bố thêm những gói kích thích kinh tế vào ngày 5/7 vừa qua. Mặc dù vậy, theo Tân Hoa Xã, thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố áp lực suy giảm nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn tương đối lớn.
Giao dịch dầu thế giới đã sụt giảm trong gần 1 tuần qua |
Trước bối cảnh trên, các giao dịch dầu kỳ hạn đã thay đổi giảm 3,2% vào hôm 6/7. Ông Jarmo Kotilaine, nhà phụ trách kinh tế tại Ngân hàng thương mại Quốc gia có trụ sở tại Jeddah, Ả Rập Xê-út cho biết đà đi xuống của các giao dịchdầu bắt nguồn từ những vấn đề với nền kinh tế. Ông dự đoán giá dầu thô Brent sẽ chỉ tăng nhiều nhất tới 90 – 100 USD/thùng, và tiếp tục biến động mà không có xu hướng rõ ràng.
Giá dầu giao tháng 8 tới West Texas Intermediate dừng ở mức 84,55 USD/thùng, tăng 10 cent trong phiên giao dịch sáng trên sàn sàn giao dịch điện tử New York Mercantile Exchange ngày 9/7. Giá dầu Brent tháng 8 đạt 98,47 USD/thùng trên sàn giao dịch kỳ hạn châu Âu ICE trụ sở tại London.
Tình hình kinh tế bất ổn và căng thẳng chính trị là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lo ngại về giá dầu |
Liên quan tới Libya, sản lượng dầu của nước này sẽ quay trở lại mốc 1,5 triệu thùng/ngày trong vòng 24 giờ tới, theo chủ tịch Tổng công ty Dầu Quốc gia, ông Nuri Berruien cho biết ngày 8/7. Trước đó, nhứng người biểu tình đã chiếm đóng các cảng Ras Lanuf, Brega và Es-Sider để kêu gọi sự chú ý của chính phủ đối với những yêu cầu của họ về nền kinh tế và chính trị tại tỉnh phía đông dồi dào về trữ lượng dầu mỏ Cyrenaica, khiến lượng xuất khẩu dầu của Lybia giảm 300.000 thùng/ngày.
Cùng lúc đó, cuộc đình công của công nhân ngành năng lượng Na-uy vẫn tiếp diễn sau khi những cuộc đàm phán dưới sự giám sát của cơ quan hòa giải nhà nước không đạt được một thỏa thuận nào cho tới ngày 8/7.
Kristin Bremer Nebben, người phát ngôn của Hiệp hội Công nghiệp Dầu Na-uy, tổ chức đại diện cho các nhà sử dụng lao động thuộc ngành này bao gồm Statoil ASA, BP Plc và Exxon Mobil Corp., cho biết hiện vẫn chưa có thảo luận mới nào được lên kế hoạch. Cuộc đình công bắt đầu từ 24/6 này đang làm tổn thất sản lượng dầu lên tới 250.000 thùng/ngày, theo công ty năng lượng lớn nhất nước này Statoil.
Thúy Hạnh
Bình luận