Theo kết luận điều tra giai đoạn 1 của Cơ quan công an về gian lận thi cử ở Sơn La, nhiều bị can khai thỏa thuận nhận hàng trăm triệu đồng để nâng điểm cho các thí sinh, có trường hợp nhận đến cả tỷ đồng. Tuy nhiên, phụ huynh hoặc người thân lại phủ nhận.
Bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Sơn La lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận sửa bài thi nâng điểm cho hàng chục thí sinh.
Bị can Nga câu kết với Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Đỗ Khắc Hưng, Đinh Hải Sơn mở cửa phòng xử lý bài thi trắc nghiệm tìm rút sửa bài thi của 44 thí sinh. Đồng thời, Nga câu kết với Nguyễn Thanh Nhàn, Lò Văn Huynh rút khóa phách để tác động nâng điểm 11 thí sinh, sử dụng phần mềm xóa dữ liệu bài gốc trong thùng rác máy tính nhằm che giấu hành vi sai phạm.
Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga khai nhận đã thỏa thuận, nhận số tiền 1,04 tỷ đồng từ Trần Văn Điện khi giúp sửa bài thi nâng điểm cho 4 thí sinh N.T.H; N.V.M; T.I.Q và N.V.C. Nhưng Trần Văn Điện và người thân các thí sinh không thừa nhận.
Bị can Đặng Hữu Thủy khai sau khi sửa bài thi nâng điểm cho 4 thí sinh N.T.H; N.V.M; T.I.Q và N.V.C đã nhận từ bà Nguyễn Thị Kim 150 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Mai Hà 150 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Xuyên 200 triệu đồng.
Trường hợp bà Bùi Thị Xuân hứa hẹn sau khi giúp nâng điểm cho thí sinh P.S.T sẽ đưa cho Thủy 270 triệu đồng nhưng đến nay Thủy chưa nhận được tiền.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Thị Mai Hà, Nguyễn Thị Xuyên, Bùi Thị Xuân đều không thừa nhận việc thỏa thuận, đưa tiền cho Thủy.
Bị can Cầm Thị Bun Sọn khai có thỏa thuận, thống nhất và được bà Hoàng Thị Thành đưa 440 triệu đồng giúp nâng điểm cho thí sinh D.H.T. Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Thành không thừa nhận.
Bị can Lò Văn Huynh cũng lợi dụng chức vụ quyền hạn, cấu kết nâng điểm cho nhiều thí sinh. Người này khai nhận sau khi nhận lời giúp nâng điểm thi cho em L.M.H được bà Lò Thị Trường đưa 300 triệu đồng. Nhưng sau đó Huynh trả lại cho bà Trường.
Bên cạnh đó, Huynh còn thỏa thuận với Nguyễn Minh Khoa tiền giúp nâng điểm cho mỗi thí sinh là 700 triệu đồng và được Khoa đưa trước 1 tỷ đồng. Số tiền này Huynh và người thân tự nguyện giao nộp cho cơ quan công an.
Dù vậy, cả bà Trường và ông Khoa đều không thừa nhận đã thỏa thuận và chưa đưa tiền cho Lò Văn Huynh.
Bị can Huynh còn khai sau khi Đỗ Khắc Hưng tạo điều kiện cho tổ xử lý bài thi trắc nghiệm rút sửa bài nâng điểm cho thí sinh, Huynh đưa tiền cho Hưng 100 triệu đồng để cảm ơn nhưng Hưng không thừa nhận.
Số tiền mà các bị can nộp lại, cơ quan điều tra xác định là tiền vụ lợi, cần tịch thu theo quy định của pháp luật.
8 người bị khởi tố
Cũng theo kết luận điều tra, 8 người liên quan đến gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.
Các bị can gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La); Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng); Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng); Đặng Hữu Thủy (cựu Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu);
Lò Văn Huynh (cựu Phó trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng phòng khảo thí Sở GD&ĐT Sơn La); Đinh Hải Sơn (cựu Thiếu tá, nguyên Đội phó đội giáo dục, Phòng an ninh chính trị nội bộ); Đỗ Khắc Hưng (cựu Trung tá, cán bộ phòng An ninh chính trị nội bộ)
Sơn La là một trong ba địa phương "dính" gian lận thi cử năm 2018. Theo Cơ quan An ninh Điều tra - Công an tỉnh Sơn La, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm.
Trong danh sách 44 thí sinh, có tới 12 trường hợp là con em các cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh này.
Bình luận