Chiều 24/10, với tỷ lệ 100% thành viên biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của 21 tỉnh, thành phố.
21 địa phương gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Quảng Bình, Quảng Nam, Nghệ An, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Yên Bái.
Sau sắp xếp, giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 233 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, có 5 địa phương (Long An, Quảng Nam, Thanh Hóa, Kiên Giang, Hải Phòng) đề nghị không thực hiện sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 17 địa phương còn lại đề nghị không thực hiện sắp xếp 221 đơn vị hành chính cấp xã.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên cơ sở đề nghị của UBND 21 tỉnh, thành phố và của Bộ Nội vụ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp, thành lập với 18 đơn vị hành chính cấp huyện và 487 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 12 đơn vị hành chính cấp huyện và 254 đơn vị hành chính cấp xã mới.
Về tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp, thành lập, có 10/12 đơn vị hành chính cấp huyện mới hình thành sau sắp xếp đều đạt cả 2 tiêu chuẩn; 2/12 chưa đạt tiêu chuẩn diện tích tự nhiên.
Có 92/254 đơn vị hành chính cấp xã đạt cả 2 tiêu chuẩn; 162/254 đơn vị chưa đạt 1 trong 2 tiêu chuẩn, trong đó có 1 đơn vị chưa đạt cả 2 tiêu chuẩn.
"Theo kết hoạch, sẽ có 525 người dôi dư ở cấp huyện, 5.917 người dôi dư cấp xã. UBND 21 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để bố trí, sắp xếp và giải quyết với số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư theo đúng quy định", Bộ trưởng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin, sau sắp xếp có 63 trụ sở cấp huyện dôi dư, 387 trụ sở cấp xã dôi dư.
Phát biểu tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành về thời điểm có hiệu lực thi hành của các Nghị quyết tối thiểu là 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Với Nghị quyết của các tỉnh, thành phố có sắp xếp, điều chỉnh nhiều đơn vị hành chính, trong đó có cả các đơn vị hành chính cấp huyện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc có thể có hiệu lực muộn hơn (1/1/2025), để tạo điều kiện cho địa phương trong công tác chuẩn bị.
Cụ thể, hiệu lực thi hành các Nghị quyết của các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Thanh Hóa là ngày 1/1/2025; đối với Nghị quyết của 17 tỉnh còn lại là ngày 1/12/2024.
Từ thực tế và rút kinh nghiệm qua các lần sắp xếp đơn vị hành chính ở các địa phương khác trong cả nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần sớm ổn định hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn, hạn chế gây xáo trộn lớn đến đời sống của Nhân dân.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thực hiện tốt công tác chuẩn bị; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi thay đổi giấy tờ.
"Người dân sợ nhất những thủ tục này, có biện pháp tuyên truyền trước, trong, sau kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Người dân phải là trung tâm trong câu chuyện sắp xếp này. Đồng thuận xã hội, người dân là yếu tốt quyết định thắng lợi nhiệm vụ này", Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính phải thực hiện đúng như tinh thần bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các địa phương cần phải thận trọng trong các các khâu, trên tinh thần tiết kiệm và nhanh chóng thực hiện theo đúng thời hạn đã đề ra.
Bình luận