Giải thưởng VinFuture năm nay có chủ đề “Chung sức toàn cầu” nhằm khuyến khích các nhà phát minh vượt ra khỏi những giới hạn thông thường để tạo ra sự phát triển mới của khoa học ông nghệ. Chủ đề cũng thể hiện sự chung tay giải quyết các bài toán cấp bách mà nhân loại đang phải đối mặt. Nhờ đó, sẽ có thêm nhiều người, nhiều cộng đồng trên thế giới được thụ hưởng những thành quả mà khoa học công nghệ mang lại.
Đến nay, Hội đồng Giải thưởng VinFuture đã hoàn tất thẩm định và thống nhất tôn vinh 4 công trình khoa học kiệt xuất, mang lại tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Chủ nhân các giải thưởng sẽ được công bố tại lễ trao giải ngày 20/12 tại Hà Nội.
Đặc biệt, sự hiện diện của những bộ óc kiệt xuất trong giới khoa học công nghệ trên toàn cầu tại lễ trao giải và tuần lễ VinFuture góp phần định vị Việt Nam là điểm đến mới tiềm năng của khoa học công nghệ thế giới. Đây cũng là cơ hội kết nối đa chiều giữa những nhà khoa học và giới doanh nhân, thúc đẩy quá trình thương mại hóa, đưa các ý tưởng nghiên cứu ứng dụng nhanh chóng vào cuộc sống.
GS Albert P. Pisano, đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo VinFuture cho biết, VinFuture năm nay thu hút số lượng hồ sơ đề cử kỷ lục, với 1.389 công trình khoa học công nghệ đến từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ - một con số hiếm giải thưởng lớn nào trên thế giới đạt được.
"Đây là minh chứng cho thấy tầm vóc và phạm vi ảnh hưởng ngày càng tăng của giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu đầu tiên do người Việt khởi xướng", ông nói và cho rằng, cả giới khoa học toàn cầu đã nhận ra giá trị của Giải thưởng VinFuture.
Không những thế, năm nay, số lượng đề cử có chất lượng cao cũng lớn nhất từ trước đến nay. Áp lực của hội đồng giám khảo vô cùng lớn khi lựa chọn ra được những công trình xuất sắc nhất trong tất cả những ứng viên sáng giá.
Từ góc độ người cầm cân nảy mực của giải thưởng VinFuture ngay từ mùa giải đầu tiên, GS. Pisano cho biết trên thế giới có rất nhiều giải thưởng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật... nhưng điểm làm cho VinFuture rất đặc biệt là giải thưởng đánh giá và nhìn nhận những tác động mà những người sáng tạo KHCN mang lại cho xã hội, cho mọi người.
Ông đánh giá cao việc VinFuture lựa chọn và vinh danh các công trình nghiên cứu đến từ bất kỳ nơi nào, chứ không đơn thuần đến từ các quốc gia đã phát triển
“VinFuture là một minh chứng tuyệt vời nhất để cho thấy rằng một quốc gia có thể là nhỏ về quy mô, nhưng mà với một trái tim lớn, bao dung, một tầm nhìn rộng mở thì có thể mang lại những sự thay đổi rất tích cực cho thế giới”, GS Pisano chia sẻ.
Chủ nhân của các giải thưởng VinFuture sẽ chính thức lộ diện trong Lễ trao giải diễn ra vào 20h10 tối mai, 20/12, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Sự kiện sẽ chào đón các nhà khoa học hàng đầu thế giới và Việt Nam tham dự. Họ là chủ nhân của những giải thưởng danh giá bậc nhất như Nobel, Millennium Technology, A.M. Turing… và các viện sĩ từ những viện hàn lâm khoa học hàng đầu thế giới.
Hệ thống Giải thưởng năm nay gồm 4 hạng mục: giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD, là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó là 3 Giải Đặc biệt trị giá 500.000 USD/giải dành cho nhà khoa học nữ, nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
Lễ trao giải VinFuture 2023 sẽ được phát trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, kênh YouTube và Facebook chính thức của Quỹ VinFuture và kênh truyền thông quốc tế TechNode Global.
VinFuture được sáng lập bởi ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân bà Phạm Thu Hương, ra mắt ngày 20/12/2020. Đây là quỹ hoạt động độc lập, phi lợi nhuận tại Việt Nam. Quỹ được thành lập với tầm nhìn tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người bằng việc tôn vinh những đổi mới công nghệ có tầm vóc toàn cầu.
Hoạt động cốt lõi của quỹ là trao giải thưởng VinFuture hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người. Ngoài ra, quỹ còn thực hiện nhiều hoạt động để hiện thực hóa sứ mệnh của mình, như tài trợ nghiên cứu, hợp tác phát triển học thuật, thúc đẩy giáo dục STEMM.
Bình luận