Mục tiêu đến năm 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 5,5 tỷ USD; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 832.500 tấn. Trong đó, tôm nước lợ đạt 800.000 tấn; tôm càng xanh đạt 30.000 tấn; tôm hùm đạt 2.500 tấn.
Phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD (tăng trưởng bình quân đạt 12,7%/năm) với tổng sản lượng tôm nuôi đạt 1.153.000 tấn (tăng trưởng bình quân đạt 6,73%/năm).
Đồng thời, cũng theo kế hoạch này, phát triển ngành tôm theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và các thành tựu khoa học kỹ thuật mang tính đột phá, thân thiện môi trường, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng để tăng năng suất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có chất lượng cao (đạt chứng nhận uy tín như tôm sinh thái, hữu cơ, GAP). Hướng tới không sử dụng hoá chất, thuốc kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, lưu thông sản phẩm tôm.
Bên cạnh đó, phát triển sản xuất gắn chặt với nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tôm Việt Nam; đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị.
Để tìm hiểu rõ hơn về định hướng thị trường cho ngành này, PV VTC News đã có buổi phỏng vấn Tiến sỹ Phạm Xuân Đại – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Minh Dương – Doanh nghiệp đang nghiên cứu để đưa ra mô hình nuôi tôm hoàn chỉnh cho việc áp dụng các công nghệ mới, phù hợp với điều kiện tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
- Thưa TS. Phạm Xuân Đại, ông đánh giá như thế nào về thị trường nuôi tôm ở Việt Nam hiện nay?
Thị trường nuôi tôm ở Việt Nam theo đánh giá của tôi nhìn chung là đang trong tình trạng phân tán, manh mún và chưa tập trung, trình độ khoa học công nghệ thấp dẫn đến năng suất nuôi tôm thấp, tỷ lệ thành công thấp. Do đó, chúng ta cần đưa ra bài toán tổng thể cho phát triển ngành tôm Việt Nam.
Hiện nay tổng sản lượng xuất khẩu mới gần 4 tỷ USD/năm. Đây là con số quá thấp so với cả vùng đất nuôi tôm rất tiềm năng từ Đồng bằng sông Cửu Long đến ven biển Trung Bộ và Bắc Bộ, diện tích rất lớn mà năng suất chưa đạt được như kỳ vọng.
Tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam đầu năm ngoái, Thủ tướng chính phủ đã đặt vấn đề xuất khẩu tôm cần đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Đây là kỳ vọng lớn, nhưng nếu chúng ta biết cách làm thì rất nhanh chóng đạt được con số này và cần phải tìm ra một giải pháp để đạt mục tiêu này cho ngành tôm.
- Giải pháp nào mà ông cũng như Doanh nghiệp áp dụng để góp phần đạt mục tiêu quốc gia này?
Hiện nay, gần như các hộ gia đình tự túc, tự phát nuôi tôm theo công nghệ truyền thống; chưa áp dụng công nghệ mới trong việc quản lý chất lượng nuôi như: Kiểm soát điều chỉnh 14 chỉ số của môi trường nước của ao nuôi, con giống, thức ăn chăn nuôi và các chế phẩm để phục vụ và xử lý môi trường nuôi tôm; dẫn đến con tôm thường xuyên bị bệnh, tỷ lệ hao hụt và chết là rất lớn, khoảng 40- 50%.
Đây là một lãng phí lớn cho ngành nuôi tôm. Nếu nâng cao được tỷ lệ tôm sống khỏe đến khi thu hoạch thì con số xuất khẩu sẽ được nhân lên gần gấp đôi, tức là sẽ đạt gần8 tỷ USD/năm.
Vì vậy, cần có giải pháp mang tính đồng bộ, không chỉ ở các hộ nông dân nuôi tôm mà cả chính quyền, các nhà khoa học và đặc biệt là khơi thông và ổn định đầu ra, để người nông dân hoặc các tổ chức, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào ngành nuôi tôm.
Với nghiên cứu của công ty chúng tôi hiện nay, cần có những giải pháp sau:
Thứ nhất, cần quy hoạch các vùng nuôi tôm tập trung: Không phân tán để xử lý môi trường một cách triệt để; phải ứng dụng công nghệ mới trong quá trình nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm thiểu chi phí sản xuất; để dễ khoanh vùng và xử lý khi các ao nuôi bị nhiễm bệnh.... Đây là giải pháp trước mắt dành cho những người nuôi tôm.
Thứ hai, phải có các chính sách khuyến khích về đầu tư và các cơ chế đặc biệt trong vấn đề vay vốn ưu đãi… để người nông dân, doanh nhiệp có đủ vốn để đầu tư áp dụng các công nghệ mới như công nghệ siêu thâm canh, nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng của con tôm.
Thứ ba, chính phủ cần đầu tư mạnh cho các nhà khoa học, các viện nghiên cứu chuyên ngành để nghiên cứu các công nghệ mới phục vụ quá trình nuôi tôm để giảm thiểu tỷ lệ tôm chết.
Thứ tư, khơi thông thị trường xuất khẩu, xác định rõ các thị trường mục tiêu. Từ thị trường Mỹ, Châu Âu và thị trường Trung Quốc. Mỗi thị trường có một đặc thù riêng và cần có sự nghiên cứu nghiêm túc, xác định rõ từng dung lượng và chủng loại của từng thị trường.
Từ đó, xác định được từng phân khúc của thị trường, xác định được giá trị, được sản lượng căn cứ vào các chỉ số đó mới quay lại quy hoạch các vùng nuôi và lên kế hoạch cụ thể cho từng phân khúc thị trường.Khi đó, tôi khẳng định kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USDvào năm 2025 không những đạt được mà còn vượt hơn con số đó.
- Mỗi thị trường có sự đòi hỏi khác nhau về chất lượng, giá thành. Ông có thể phân tích sâu hơn về việc phát triển KHCN trong lĩnh vực nuôi tôm hiện nay?
Hiện nay, theo đánh giá của tôi, vấn đề KHCN trong lĩnh vực này chưa được chú trọng xứng đáng. Vì vậy, trên thị trường, nhiều sản phẩm phục vụ trong ngành nuôi tôm còn có giá bán rất cao dẫn đến việc áp dụng KHCN mới còn nhiều hạn chế - đây là mấu chốt quan trọng, khi giá thành cao thì người nông dân không đủ tiền để đầu tư cho vấn đề bảo vệ môi trường nước nuôi tôm, đầu tư các sản phẩm vi sinh đảm bảo cho con tôm sống khỏe, dẫn tới con tôm rất dễ nhiễm bệnh và chết khi chưa đến kỳ thu hoạch.
Vấn đề tiếp theo chúng ta cần căn cứ vào nhu cầu của thị trường mục tiêu để hoạch định phương pháp và giải pháp nuôi cho từng loại tôm để đạt được giá thành sản phẩm phù hợp nhất để có thể cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường.
Bên cạnh những thị trường bình dân, chúng ta phải chú trọng đến phân khúc sản phẩm cao cấp để đạt được những sản phẩm chất lượng cao, xứng đáng với giá mua của thị trường.
- Vâng, vậy công nghệ cao ở đây là gì thưa ông?
Hiện nay, trên thị trường có nhiều công nghệ nuôi tôm để tạo ra mục tiêu là giảm thiểu tỷ lệ tôm chết, nâng cao độ ổn định và chất lượng của con tôm.
Ngoài việc nuôi tôm truyền thống, quảng canh trên các ao đất diện tích lớn còn có 3 loại công nghệ nuôi tôm như sau:
Công nghệ thứ nhất, nuôi tôm trên các ao đất diện tích lớn lót bạt có hút đáy ao, không có mái che, có ứng dụng một vài công cụ xử lý môi trường nhưng sẽ không bao giờ triệt để vì nước trong ao lớn khó kiểm soát do không có hệ thống mái che nên các tác nhân gây ô nhiễm từ trên trời xuống không được ngăn chặn, dẫn đến con tôm vẫn bị bệnh. Theo tôi, trong tương lai nên bỏ công nghệ nuôi này.
Công nghệ thứ hai, công nghệ nuôi tôm trong nhà kính, nhà màng, lót bạt, xử lý hút đáy ao hàng ngày, kiểm soát 14 chỉ số của nguồn nước. Đây là công nghệ cao thông minh. Toàn bộ ao nuôi nằm trong nhà kính, nhà màng, chất lượng tốt nhưng suất đầu tư quá lớn. Mỗi ha có thể tới 10 tỷ đồng. Dẫn đến người nông dân không đủ tiền đầu tư và thời gian thu hồi vốn rất lâu, lên tới 10-15 năm, dẫn tới công nghệ này chưa thể áp dụng trên diện rộng.
Công nghệ thứ ba, tôi cho rằng tương đối phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đó là công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh (một năm 4-5 vụ) với 2 giai đoạn nuôi với các ao nuôi nổi diện tích nhỏ có mái che bằng màng, lưới có hệ thống xử lý hút đáy ao hàng ngày. Đây là loại hình khá phù hợp, với suất đầu tư khoảng 1 tỷ đồng/ha. Với các loại ao 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 là các ao nuôi tôm giống( Ao dèo) khoảng 20 ngày thì chuyển qua các ao nuôi tôm thịt. Toàn bộ ao vèo và ao nuôi đều là ao nổi, có hệ thống thu đáy để xử lý tách phân tôm, tách vỏ tôm ra khỏi môi trường nuôi và tiếp nước sạch cân bằng, giữ môi trường ổn định, cho con tôm sống khỏe.
Đây là giải pháp phù hợp, vừa đạt vấn đề năng suất, đồng thời đảm bảo vấn đề về chất lượng với suất đầu tư phù hợp. Trong một thời gian ngắn có thể thu hồi vốn.
Nếu với công nghệ cao như tôi đề cập ở trên, đầu tư tới 10 tỷ đồng/ha thì công nghệ này chỉ là 1 tỷ đồng/ha. Và chỉ chưa đến 1 năm sẽ thu hồi được vốn đầu tư.
- Thưa ông, vừa là một nhà khoa học, vừa là một doanh nhân, ông cũng như Tập đoàn Minh Dương lựa chọn phương pháp khoa học nào và ông định hướng thị trường mục tiêu mà doanh nghiệp mình hướng tới là gì?
Nuôi tôm là một lĩnh vực mới mà doanh nghiệp chúng tôi đang nghiên cứu và đang lựa chọn các mô hình. Đến nay, chúng tôi đã quyết định đầu tư và lựa chọn mô hình nuôi tôm tập trung quy mô lớn được cách ly với môi trường bên ngoài để chống dịch bệnh, công nghệ nuôi tôm 2 giai đoạn, siêu thâm canh trên các ao nhỏ, kiểm soát đồng bộ 14 chỉ số về môi trường ao nuôi để triển khai tại một số tỉnh thuộc đồng bằng sông cửu long. Chúng tôi mong rằng sẽ đưa ra được một mô hình nuôi tôm phù hợp để có thể áp dụng trên diện rộng, giúp các doanh nghiệp bạn cùng học tập, cùng phát triển thị trường nuôi tôm Việt nam
Bên cạnh đó, chúng tôi đã hoạch định chiến lược thành lập hiệp hội nuôi tôm xuất khẩu để có thể cùng nhau xác định được các thị trường mục tiêu, tránh bị ép giá. Hiện nay, chúng tôi đang nhắm tới thị trường lớn trên thế giới đó là: Mỹ, Châu Âu, Úc,Trung Quốc và đang xúc tiến nghiên cứu, khảo sát các thị trường này. Từ đó, chúng tôi phân tích, đánh giá và quyết định chiến lược về sản xuất, về đầu tư phát triển theo nhu cầu của các thị trường này.
Theo tôi, thị trường mục tiêu chính là chìa khóa để công ty chúng tôi sẽ là những người kết nối nhà khoa học, người nông dân và các doanh nghiệp bạn cùng nhau phát triển thị trường tôm xuất khẩu.
- Từ những phân tích và nhận định trên đối với thị trường nuôi tôm ở Việt Nam, ông đánh giá triển vọng về thị trường này trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Trên thực tế nuôi tôm là một ngành khó vì con tôm là một loài thủy sản yêu cầu môi trường sống sạch, ổn định và rất dễ nhiễm bệnh và chết. Dẫn tới đây là một ngành khó kiểm soát. Nếu chúng ta kiểm soát được trở ngại này thì đây sẽ là một lợi thế lớn.
Theo tôi, thị trường tôm Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh trong thời gian tới nếu được sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các nhà khoa học và đặc biệt là các nguồn vốn hỗ trợ từ các quỹ đầu tư, ngân hàng cho quá trình hoạt động của các doanh nghiệp nuôi tôm.
Bên cạnh đó cần có giải pháp tổng thể của chính phủ để các nhà khoa học, các doanh nghiệp, những người nuôi tôm và những bộ ngành liên quan ngồi lại với nhau cùng hướng tới thị trường mục tiêu, dùng thị trường mục tiêu làm đích đến để cùng nhau bàn bạc, hoạch định tiến tới mục tiêu xuất khẩu với giá trị cao nhất.
Có như vậy, tôi tin rằng, trong thời gian ngắn, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD như Thủ tướng chính phủ đã đề ra.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận