• Zalo

Giải pháp chống hàng giả và kiểm soát an toàn thực phẩm

Sản phẩmThứ Ba, 23/10/2018 10:29:00 +07:00Google News

Đứng trước thực trạng về hàng hóa thật, giả lẫn lộn và vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam ngày càng trở nên nhức nhối, sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả” do nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển có lẽ là lời giải.

Sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả” được cấp bằng độc quyền sáng chế số 16036 do Cục Sở hữu trí tuệ cấp tại Quyết định số 61711/QD-SHTT ngày 30/9/2016. Đến nay, kết quả của sáng chế đã được ứng dụng ở nhiều nơi, mang lại lợi ích cho cả nhà quản lý, nhà sản xuất hàng hóa và đặc biệt là người tiêu dùng.

Để tìm hiểu rõ hơn về sáng chế hữu ích này, VTC News đã có cuộc phỏng vấn với bà Phạm Thị Lý, trưởng nhóm tác giả của sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả”, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

anh dung chung (1)

Bà Phạm Thị Lý, trưởng nhóm tác giả của sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả”, Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Ảnh: Phan Minh) 

- Xuất phát từ đâu mà nhóm nghiên cứu lại phát minh sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả”?

Thực hiện Kế hoạch số 472 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc “Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2014, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được giao nhiệm vụ phối hợp với các tổ chức xã hội nghề nghiệp để thiết lập một hệ sinh thái đa chức năng để quản trị doanh nghiệp, quản trị dòng hàng, kết nối cung cầu, điều nghiên thị trường, an ninh thương mại điện tử và logistics để nâng cao năng lực cho nhà quản lý, nhà sản xuất và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực KHCN, có chức năng nghiên cứu, ứng dụng nhằm phát triển bền vững doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) được Hiệp hội DNNVV Việt Nam giao nhiệm vụ nghiên cứu và tìm kiếm công cụ để nhận diện hàng Việt, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà sản xuất Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng Việt để thực hiện “Chương trình Bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam” thường niên trên toàn quốc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc “Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Sau một thời gian nghiên cứu, năm 2016, chúng tôi đã được cấp bằng độc quyền cho sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả”. Để thực hiện thành công sáng chế, nhóm tác giả đã vận dụng các thành tựu khoa học của QR-code và sự bùng nổ của các thiết bị điện thoại thông minh để trở thành giải pháp bảo mật tuyệt đối.

Khi nghiên cứu giải pháp này, chúng tôi đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên cao nhất bởi thị trường chính là mệnh lệnh cho nhà sản xuất. Khi người tiêu dùng chỉ chấp nhận những sản phẩm an toàn, minh bạch và nhà sản xuất phải tự trọng, chân chính làm ra đúng những sản phẩm mà họ công bố. Từ đó, một văn hóa mới là văn hóa tự chịu trách nhiệm, văn hóa minh bạch sẽ được phát triển một cách mạnh mẽ đối với các nhà sản xuất chân chính, như vậy, chỉ có lợi cho người tiêu dùng, lợi cho xã hội.

giai phap chong hang gia (2)

 Bà Phạm Thị Lý, đại diện IDE bàn giao “Quy trình xác thực chống hàng giả” cho Công ty Cổ phần Khóa Việt Tiệp vào ngày 23/11/2015 (Ảnh: BH)

- Trong quá trình hoàn thiện sáng chế, nhóm nghiên cứu đã gặp phải những khó khăn như thế nào?

Từ khi bắt đầu có ý tưởng về việc phát triển giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa và xác thực chống hàng giả đến nay, cá nhân tôi đã đi chặng đường gần 9 năm với nhiều vấp ngã. Chúng tôi đăng ký được hợp lệ về sở hữu trí tuệ vào tháng 6/2014 cho sáng chế thứ nhất, tháng 5/2015 đăng ký thành công cho sáng chế thứ 2 và tháng 9/2016 chúng tôi được cấp bằng độc quyền về sáng chế cho “Quy trình xác thực chống hàng giả”.

Để hoàn thiện được sáng chế là cả một quá trình trăn trở, vật lộn. Tôi đã thất bại đến 5 lần trước khi đăng ký thành công sáng chế. Với 5 hệ thống “thai nghén” có nhiều tên miền như baotinland.vn, ketnoikinhdoanh.vn, shoppingpro.vn, vntime.vn, ide.vn, và check.net.vn là cả một quá trình tôi cùng nhiều người bạn phải thiết lập nhiều hệ thống mà khi thấy sai hướng với những gì mong muốn, tôi lại phải dừng lại và bắt đầu từ đầu.

Tuy nhiên, khi đã đăng ký được thì chúng tôi cũng không thành công ngay với sáng chế đầu tiên, mà phải đến sáng chế thứ 2 là “Quy trình xác thực chống hàng giả” chúng tôi mới ra được giải pháp hoàn thiện như hiện nay. Phải trải qua nhiều lần thất bại như vậy, chúng tôi mới đến được ý tưởng hoàn hảo, tạo ra nhịp cầu kết nối trực tiếp nhà sản xuất với người tiêu dùng, tạo ra một hệ thống đa chức năng, không chỉ là giải pháp của những con tem gắn trên sản phẩm mà ở đây bao hàm cả một hệ thống nền tảng công nghệ thông tin với nhiều chức năng, tiện ích khác nhau, kết nối với điện thoại thông minh - công cụ bùng nổ của thế giới hiện đại.

- Hiện nay, sáng chế đã được áp dụng ở những đơn vị nào, thưa bà?

Hiện tại, đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Khóa Việt Tiệp, Công ty Hóa dầu Petrolimex, Công ty TNHH Ba Huân, Công ty Cổ phần CP Việt Nam… đã tin tưởng và sử dụng giải pháp của chúng tôi trong thời gian dài.

Điển hình như là Công ty Cổ phần Khóa Việt Tiệp đã sử dụng giải pháp này từ ngày 31/10/2015, đây là đơn vị tiên phong triển khai; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã thiết lập một hệ thống quản trị doanh nghiệp Dầu nhờn Petrolimex gắn với tất cả hệ thống đại lý phân phối trên toàn quốc thông qua hệ thống của chúng tôi, hàng ngày có khoảng trên 300 cán bộ nhân viên của Dầu nhờn Petrolimex sử dụng hệ thống để quản trị dòng hàng, điều nghiên thị trường của mình, quảng bá bán hàng, bảo mật chống giả và bảo vệ thương hiệu.

Thêm vào đó, các cơ quan quản lý của Nhà nước, cụ thể là nhiều Bộ, ngành đã bắt đầu áp dụng giải pháp của chúng tôi cho những công trình nghiên cứu của họ.

Đặc biệt,  thủ đô Hà Nội áp dụng kết quả nghiên cứu của sáng chế để xây dựng Hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm gắn với chính quyền điện tử TP. Hà Nội. 21 tỉnh thành trên cả nước cũng đã hưởng ứng tham gia áp dụng vào việc thực hiện “Chương trình Bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam” của từng địa phương.

Từ phát minh này, IDE cũng đã tạo ra một công nghệ số 4.0 của người Việt với tên thương mại là “Công nghệ check VN” để thiết lập, lưu giữ, theo dõi, kiểm soát, số hóa, bảo mật và xác thực thông tin về sản phẩm hàng hóa trên mạng internet; kết nối nhà sản xuất, nhà quản lý và người tiêu dùng thông qua mã phản hồi nhanh QR-code và phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh.

anh dung chung (3) 3

Công nghệ check VN được phát triển từ sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả” giúp giải quyết thực trạng hàng thật, giả lẫn lộn và vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở Việt Nam (Ảnh: Phan Minh) 

- So với các giải pháp xác thực chống hàng giả đang có mặt trên thế giới và tại Việt Nam, sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả” có gì ưu việt hơn?

Ở giải pháp này, để xác thực lại độ chính xác của thông tin và khắc phục hoàn toàn được nguy cơ bị làm giả mã số định danh duy nhất (QR) công khai được in trên con tem gắn lên sản phẩm, ngoài mã QR công khai này, chúng tôi cũng tạo ra một mã QR thứ 2 bí mật được sinh ra trên hệ thống vào những thời điểm duy nhất để đối chiếu, so sánh với mã công khai.

Việc khắc phục nhược điểm kể trên đã được cơ quan chuyên môn của Bộ KHCN, Bộ Công an thẩm định, đánh giá và các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics nghiên cứu công nhận. Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn nhất và ưu việt hơn cả so với những giải pháp hiện có trên thị trường Việt Nam.

Đối với công nghệ Check VN không chỉ cho phép kết nối thông tin theo chiều sâu của từng chuỗi, mà còn kết nối rộng theo từng ngành, từng địa phương tạo lên các khối thông tin sâu rộng. Check VN còn cho phép xác thực lại thông tin truy xuất có chính xác hay không bằng cơ chế khóa linh hoạt cộng với các thuật toán bảo mật đã được bảo hộ độc quyền về sở hữu trí tuệ; thiết lập một phương thức quản trị sản xuất 4.0 bằng việc số hóa tới từng sản phẩm hàng hóa, cập nhật nhật ký sản xuất, minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử tại Việt Nam.

- Đây là giải pháp đưa hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường thế giới?

Tôi cho rằng nếu nhà sản xuất không trang bị những công cụ, tính năng, tiện lợi vào sản phẩm của mình để người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận ra, tin tưởng, đồng thời khẳng định được đẳng cấp của doanh nghiệp trong dòng lưu thông, chuỗi giá trị sản phẩm chung trên cung ứng toàn cầu thì đương nhiên họ không thể tham gia được cuộc chơi lớn trên trường quốc tế.

Đó chính là vấn đề mà chúng tôi đã trăn trở khi đi tìm kiếm giải pháp này và trả lời các câu hỏi làm thế nào để có thể chống giả, bảo vệ được thị trường trong nước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông sản cũng như sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ra trường quốc tế, đặc biệt là các sản phẩm của những nhà sản xuất nhỏ, rất nhỏ với số vốn hạn chế, không có khả năng để truyền thông, quảng bá sản phẩm cũng có thể đưa sản phẩm của mình ra thế giới.

- Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu có dự định cải tiến hệ thống hay không?

Với việc quản lý một hệ thống có nhiều nhà sản xuất chân chính, nắm giữ thông tin bảo mật để sinh ra mã số duy nhất cho từng sản phẩm được bảo vệ, chúng tôi cho rằng đây là một công cụ đã khẳng định được giá trị lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Cho nên, chúng tôi sẽ tiếp tục không ngừng tăng cường bảo mật về hệ thống và nâng cao giá trị tiện ích đó thông qua truyền thông.

Với việc tạo ra một công nghệ số 4.0 của người Việt Nam để thiết lập, lưu giữ, số hóa, theo dõi, kiểm soát, bảo mật, xác thực thông tin về sản phẩm hàng hóa trên mạng internet; kết nối nhà sản xuất, nhà quản lý với người tiêu dùng thông qua mã phản hồi nhanh Qrcode và phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh, chúng tôi có đối tượng áp dụng không chỉ dừng lại ở sản phẩm mà nó còn có thể quản trị được cả con người, hệ thống văn bản, chính sách phục vụ lợi ích của Nhà nước. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển tiềm năng ứng dụng này của sáng chế để cùng làm nên lợi ích cho cộng đồng xã hội.

- Vậy trong tương lai, nhóm nghiên cứu có dự định nghiên cứu những sáng chế, giải pháp công nghệ hữu ích nào?

Trong quá trình nghiên cứu giải pháp chống giả, chúng tôi đã được nhiều các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp vận động hãy mang công nghệ áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, chứng minh đâu là sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Hiện tại chúng tôi đã dùng công nghệ này gắn với các quy trình sản xuất thực hành tốt, giúp nông dân có một công cụ chứng minh nhật ký điện tử đồng ruộng và liên kết sản xuất an toàn theo chuỗi.

Qua quá trình tiếp xúc, nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng những người nông dân chân chính rất mong muốn thay đổi phương pháp sản xuất hóa học sang phương pháp sản xuất sinh học, nói không với thuốc trừ sâu và sản xuất được các sản phẩm an toàn, bảo vệ được sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, số vốn và trình độ tri thức còn hạn hẹp, do đó, họ bị hạn chế rất nhiều trong việc tiếp cận kiến thức mới về sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, nếu họ có kiến thức và áp dụng mô hình sản xuất an toàn thì sản phẩm của họ lại khó tiếp cận được với thị trường tiêu dùng thông thái, có yêu cầu sản xuất như vậy.

Trong hơn một năm triển khai giải pháp xây dựng Hệ thống truy xuất cho UBND thành phố Hà Nội. Chúng tôi đã cùng nông dân thành công trong việc ứng dụng sâu công nghệ Check VN vào sản xuất nông nghiệp minh bạch, an toàn có kiểm soát. Góp phần xua đi định kiến về một “con đường ngắn nhất từ cài dạ dày tới nghĩa địa” để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Tôi hi vọng khi bầu bạn với nhà nông và kết nối sâu cùng quá trình thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất, lưu thông. Check VN sẽ không chỉ là công cụ kết nối, nhận diện, đem lại lợi ích cho nhiều bên mà sẽ trở thành con đường ngắn nhất để doanh nghiệp có được niềm tin của người tiêu dùng!

- Xin cảm ơn bà!

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn