Giá nhà tăng bất chấp dịch bệnh
Khi đợt dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm, lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh, điều này tưởng chừng giá nhà sẽ giảm theo nhưng thực tế cho thấy giá nhà nhiều nơi tăng mạnh.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý I/2020, giá bán nhà ở trên thị trường không có xu hướng giảm mà vẫn tăng so với cuối năm 2019. Trong đó, giá căn hộ chung cư Hà Nội tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019.
Đến quý II/2020, ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, lượng giao dịch và giá nhà đất đã ngay lập tức tăng mạnh.
Theo Bộ Xây dựng, quý II/2020 có 29.674 giao dịch bất động sản thành công. Riêng tại Hà Nội có 1.354 giao dịch thành công (bằng 116% quý I/2020), tại TP.HCM có 3.958 giao dịch thành công (bằng 140,6% quý I/2020).
Về giá nhà, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,16% so với quý I/2020. Tại TP.HCM giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,25% so với quý 1/2020 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 0,04%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,64%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,94%).
Có thể thấy, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế, song giá nhà không hề giảm, thậm chí tỷ lệ hấp thụ còn khả quan. Trong quý 2, phân khúc nhà ở thương mại giá trị từ 2 tỉ đồng trở xuống đạt tỉ lệ 100% tiêu thụ và nhà ở cao cấp đạt 70 - 80%, có những dự án tiêu thụ tới 100%. Nhà đầu tư thứ cấp thời gian qua cũng được hưởng lợi nhờ khan hiếm sản phẩm. Một số dự án cao cấp còn lập kỷ lục mở bán ngay trong ngày đầu tiên như Vinhomes Ocean Park, The Origami tại TPHCM.
Là đơn vị phân phối nhiều sản phẩm bất động sản tại Hà Nội, ông Vũ Kim Giang – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hải Phát Land cho biết, từ đầu năm 2020, những phân khúc dành cho khách hàng ở thực có giao dịch nổi trội nhất, trong đó có phân khúc bất động sản cao cấp.
Thanh khoản của phân khúc này có sự khác nhau tuỳ theo vị trí, nguồn hàng và chất lượng sản phẩm. Những dự án có vị trí tốt, nguồn cung ít, được đầu tư bài bản với nhiều tiện tốt thì giao dịch rất tốt.
Ông Giang tiết lộ, giữa thời điểm dịch bệnh nhưng 1 dự án căn hộ cao cấp bên công ty ông phân phối vẫn có giao dịch rất tốt, từ tháng 4 đến giờ đã bán được 300 căn, giá mỗi căn từ 4 – 7 tỷ đồng.
Vì sao bất động sản cao cấp vẫn “sống khỏe”?
Lý giải về việc các dự án bất động sản nói chung và phân khúc bất động sản cao cấp nói riêng vẫn “sống khoẻ” giữa đại dịch, các chuyên gia đều cho rằng, nguồn cung khan hiếm chính là nguyên nhân khiến giá nhà không thể hạ.
GS. Đặng Hùng Võ phân tích, nguồn cung bất động sản trong vòng 2 năm qua giảm rất nhiều. Năm 2019 số lượng dự án được duyệt chỉ bằng 1/10 năm 2018. Năm 2020 sẽ còn sụt giảm hơn nữa do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và Luật Đất Đai vẫn chưa được sửa đổi, các ách tắc pháp lý sẽ hạn chế nguồn cung.
Ngoài vấn đề về nguồn cung, giá nhà sẽ khó hạ bởi các vướng mắc về pháp lý, thời gian chờ thủ tục dự án kéo dài, chi phí tiền sử dụng đất, vật liệu, giá thành xây dựng tăng cao đã khiến chi phí đầu vào của dự án rất cao.
Mặt khác, việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp gặp khó, quỹ đất trong thành phố hạn hẹp, nhất là tại khu vực các quận nội thành, dẫn đến nguồn cung khan hiếm, giá được đẩy lên.
Các dự án bất động sản cao cấp sở hữu những vị trí đắc địa giá sẽ càng khó giảm bởi quỹ đất vàng khan hiếm. Những chủ đầu tư tham gia phân khúc này đều có tiềm lực mạnh, nên khó khăn của dịch bệnh sẽ không làm khó được các chủ đầu tư này.
“Thị trường bất động sản cũng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng thị trường gặp khó, họ sẽ chuyển nhượng dự án cho các đại gia, chứ không ai bán giảm giá, cắt lỗ. Vì vậy, giá nhà chắc chắn sẽ không giảm, thậm chí còn tăng”, ông Võ phân tích.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Hưng Thịnh Phát cũng cho hay, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở giai đoạn cao điểm của đô thị hóa nên nhu cầu nhà ở cao.
Tuy nhiên, 2 năm gần đây, ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM các dự án bất động sản chậm được triển khai do các đợt thanh kiểm tra của cơ quan quản lý. Điều này dẫn đến nguồn cung đầu vào của thị trường bất động sản đang chững lại, thiếu nguồn cung.
“Nguồn cung ít, giao dịch giảm nhưng giá giá không giảm mà tăng là do khan hàng. Vì thế, giá nhà tăng là đương nhiên, không có gì lạ của thị trường”, ông Điệp nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, nguồn cung bất động sản trong 2 - 3 năm tới sẽ ngày càng khan hiếm. Vì vậy, ngay cả giữa tâm dịch, giá nhà cũng không hề giảm.
Cũng theo ông Đính, phân khúc bất động sản cao cấp lượng hàng cung cấp ra thị trường không nhiều, vì vậy dù giao dịch chững lại, các chủ đầu tư cũng không lo ế.
Hiện nay, số lượng những người giàu của Việt Nam đang tăng lên, nhu cầu về nơi ở đẳng cấp, hiện đại, tiện nghi cũng tăng lên. Vì vậy, phân khúc bất động sản cao cấp luôn là lựa chọn hàng đầu của đối tượng khách hàng này.
Bên cạnh đó, pháp luật về người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cũng nới rộng, nên lượng khách hàng có tiền sở hữu nhà ở cao cấp cũng tăng lên đáng kể trong những năm qua.
“Theo điều tra từ các đơn vị phân phối, tất cả các dự án cao cấp đều được bán hết ngay ngày mở bán dành cho người nước ngoài”, ông Đính cho hay.
Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Đầu tư của Savills Việt Nam phân tích, hiện nay trên thị trường gần như không có dự án mới, cũng không có nhà đầu tư lướt sóng do khó khăn của dịch COVID-19. Dịch bệnh chỉ là những tác động trong ngắn hạn, vì vậy các chủ đầu tư sẽ không hạ giá.
“Tôi cho rằng, thời điểm hiện tại, các chủ đầu tư sẽ đưa ra những chính sách thanh toán linh hoạt hơn, cùng với các ưu đãi tốt cho người mua nhà, còn sẽ không có chuyện giảm giá”, ông Khương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup nhận định, bất động sản cao cấp có thể giảm lượng giao dịch do dịch bệnh, tuy nhiên, đây là phân khúc có độ “lỳ” cao, ít nhạy cảm giá. Những biệt thự hoặc nhà liền kề trong những dự án cao cấp vẫn sẽ có khách hàng và giao dịch tốt.
“Nhìn chung, trong ngắn và trung hạn, thị trường bất động sản Việt Nam có thể chững lại về lượng giao dịch nhưng sẽ không xảy ra hiện tượng giảm giá sâu, thậm chí còn có thể tăng nhẹ”, ông Hưng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hưng, các nhà đầu tư không nên đầu tư “lướt sóng” vào thời điểm này, nên chọn những dự án của các chủ đầu tư uy tín, đảm bảo tính thanh khoản và giá trị lợi nhuận tốt nhất.
Bình luận