Kỳ 1: Hành trình kháng chiến của đạo quân Cần Vương
Xã Hóa Sơn (Minh Hóa, Quảng Bình) nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi non của đại ngàn Trường Sơn. Để vào trung tâm xã, chúng tôi phải vượt qua eo Lập Cập với những con dốc dựng đứng, ngoằn ngoèo. Ngoại trừ dân địa phương, hầu như chẳng ai muốn vào cái ốc đảo heo hút đó, bởi nó chẳng có gì hấp dẫn du khách.
Hóa Sơn thanh bình đến lạ, thấp thoáng sau màn sương mờ ảo là cảnh những người dân trở về sau một ngày lao động miệt mài, những cột khói lam chiều, những đứa trẻ nô đùa trên bãi cỏ… Thế nhưng, nếu chưa nghe kể, thì ít người hình dung được rằng, mảnh đất này từ lâu vẫn đang tồn tại một bí ẩn cực lớn, chưa có lời giải.
Nhiều người dân Minh Hóa vẫn cho rằng, ở Hóa Sơn có kho báu, một kho báu khổng lồ với vô số vàng bạc, đồ cổ. Và kho báu đó, xuất phát từ cuộc di tản của vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng nhà Nguyễn hồi cuối thế kỷ 19.
Tương truyền, vị vua trẻ tuổi yêu nước này đã xây dựng căn cứ kháng chiến ở mảnh đất Minh Hóa, và có mang theo một lượng châu báu cực lớn, đồn thổi lên tới cả trăm thùng, dùng để làm chi phí tuyển quân, luyện khí giới, kháng chiến lâu dài. Tuy nhiên, một kẻ phản bội đã chỉ điểm, vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt sống và đày sang Châu Phi. Từ đó, tung tích về kho báu khổng lồ này vẫn còn là một bí ẩn.
Vua Hàm Nghi bị bắt, đám cung tần mỹ nữ cũng tan rã, tản mát sinh sống hòa lẫn với dân chúng trong vùng Minh Hóa. Đó cũng là một trong những giả thuyết để lý giải cho sự việc, phụ nữ ở đây vốn đẹp có tiếng trong cả nước.
Kho báu vua Hàm Nghi là câu chuyện có thật hay không hề tồn tại, hay chỉ là trí tưởng tương và khao khát trong suy nghĩ của người dân?
Khi được hỏi đến, nhiều cụ già trong vùng khẳng định ở Hóa Sơn từ xưa đến nay đã có nhiều người nhìn thấy. Tuy nhiên, bên cạnh số lượng châu báu đã được phát hiện và mang đi, thì kho báu khổng lồ như đồn đại còn tồn tại ở những địa điểm nào trên mảnh đất chập trùng núi là núi này, thì chưa có câu trả lời.
Nhiều văn bản lịch sử của triều Nguyễn cũng nhắc đến và khẳng định về sự tồn tại của kho báu. Và thỉnh thoảng những dấu tích vật chất liên quan đến kho báu lại có dịp phát lộ tại một số địa phương thuộc 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, và Hà Tĩnh, những nơi vua Hàm Nghi cùng đạo quân Cần Vương từng có thời gian lưu lại.
Theo nhiều tài liệu, kể từ sau Hòa ước Giáp Tuất 1874, vua Tự Đức đã phê chuẩn việc xây dựng một loạt các căn cứ ở vùng núi sát biên giới mấy tỉnh miền Trung. Trước sự uy hiếp của thực dân Pháp, nhà Nguyễn muốn chuẩn bị một loạt căn cứ nhằm có nơi rút lui và tổ chức kháng chiến, trong trường hợp kinh thành Huế bị Pháp tấn công không thể giữ được.
Tháng 7/1883, vua Tự Đức băng hà. Chỉ một tháng sau, Pháp đã đưa quân xộc thẳng vào và đồn trú ở Huế. Quân Pháp ngang nhiên hoành hành, nhúng tay can thiệp vào công việc nội bộ của nhà Nguyễn. Quốc gia bên bờ suy vong.
Phe chủ chiến trong triều đình bao gồm 2 “cố mệnh đại thần” là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã thẳng tay loại bỏ những người bên phe chủ hòa, bao gồm cả vua. Chỉ trong vòng 1 năm, 3 tân vương triều Nguyễn là Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc lần lượt bị truất ngôi và chết yểu.
Cũng trong thời gian ấy, lần lượt một số lượng vàng bạc và khí giới khổng lồ cũng được binh lính và dân phu lặng lẽ chuyển về các căn cứ giáp biên giới. Nhưng chỉ mới chuyển được 1/3 số lượng (khoảng 33 tấn theo như dự định) thì chiến sự đã nổ ra tại kinh thành Huế.
Trước sự lộng hành ngày càng lộ liễu của thực dân Pháp, đêm mùng 5, rạng sáng ngày 6/7/1885, quân nhà Nguyễn nổ súng đánh thẳng vào trại lính Pháp ở đồn Mang Cá. Kế hoạch bị lộ, quân Nguyễn nhanh chóng thất bại. Tôn Thất Thuyết và các đại thần hộ giá vua Hàm Nghi (tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, mới lên ngôi chưa đầy 1 năm) chạy về căn cứ Tân Sở (Quảng Trị).
Pháp một mặt cho quân bộ đuổi theo, một mặt cho thủy quân kéo tàu ra biển Nhật Lệ (Quảng Bình) chặn đường. Tôn Thất thuyết tự lượng thành Tân Sở không đủ sức chống đỡ nên vội phò giá Hàm Nghi vượt lên phía thượng ngàn Đắkrông - Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, từ đó vượt sang Châu mường Mahasay của Lào. Khi Phan Đình Phùng hưởng ứng chiếu Cần Vương khởi nghĩa, lập xong căn cứ Vụ Quang, Vua Hàm Nghi lại vượt biên giới về đóng tại căn cứ núi Ấu (Hương Khê, Hà Tĩnh).
Thực dân Pháp đã xua đám tay sai do Tổng đốc Hoàng Cao Khải chỉ huy đuổi riết. Đoàn tùy tùng lại tiếp tục hộ giá Vua Hàm Nghi vượt đèo Quy Hợp vào đất Tuyên Hóa, Quảng Bình. Có một thời gian, đoàn ngự giá hạ trại tại địa phận xã Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình.
Với thời gian gấp gáp như vậy, lại liên tục trong tình trạng bị truy đuổi ráo riết một thời gian dài, gần như chắc chắn Vua Hàm Nghi và đoàn hộ giá không thể mang theo hết số bạc vàng châu báu, tiền bạc đã tập kết về Tân Sở từ đầu năm 1885.
Ngoài một phần bị quân Pháp cướp lại, số mang theo được chắc chắn sẽ phải chia nhỏ, chôn ở nhiều nơi dọc đường bôn tẩu.
Tương truyền, khi vua Hàm Nghi về Minh Hoá, để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, nhà vua đã cho cất giấu nhiều báu vật ở vùng đất này.
Ngày 26/9 năm Mậu Tý (1888), biến cố xảy ra, một kẻ phản bội là Trương Quang Ngọc đã dẫn binh lính giết sạch đoàn hộ giá, bắt sống nhà vua dâng cho Pháp. Ngay sau đó, Trương Quang Ngọc và đám tay sai vội vã đào bới khắp nơi hòng tìm kiếm ngọc ngà châu báu nhưng chỉ uổng công.
Trong người đức vua lúc ấy chỉ còn lại một ít bạc lẻ và vài ba tấm họa đồ đánh dấu một số địa điểm khó hiểu trên các vùng núi non thuộc các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Vua Hàm Nghi trước sau không chịu hé lộ bất cứ lời nào về những tấm họa đồ ấy. Cũng như, toàn bộ bí mật về kho báu kháng chiến của quân Cần Vương cũng đã vĩnh viễn theo ông vua trẻ về bên kia thế giới trên xứ người Algeria.
Quân Pháp cho rằng những tấm họa đồ thu được trên người đức vua là bản đồ kho báu, và mòn mỏi tìm kiếm. Tuy nhiên, nếu không phải là người trực tiếp chôn giấu, thì những kẻ ngoài cuộc có cầm bản đồ trên tay cũng không tài nào xác định nổi vị trí của những bức vẽ sơ sài ấy.
Còn tiếp…
Hải Minh
Bình luận