• Zalo

Giải cứu tàu ngầm Indonesia: 16 giờ chạy đua với tử thần

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 23/04/2021 11:22:14 +07:00Google News
(VTC News) -

Lực lượng cứu hộ Indonesia và quốc tế đang phải chạy đua với thời gian để giải cứu tàu ngầm mất tích khi lượng oxy trên tàu dần cạn kiệt.

KRI Nanggala 402 chở theo 53 người mất liên lạc vào rạng sáng 21/4 tại vùng biển phía bắc đảo Bali trong lúc tham gia cuộc tập trận phóng ngư lôi. 

Giới chức Indonesia lo ngại con tàu có thể đã chìm sâu khiến các thiết bị cứu hộ khó có thể tiếp cận. 

Trong tuyên bố đưa ra hôm 22/4, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi người dân Indonesia cầu nguyện thủy thủ đoàn có thể trở về an toàn. Ông cũng ra lệnh dốc toàn lực để xác định vị trí tàu ngầm gặp nạn. 

Hơn 20 tàu hải quân, hai tàu ngầm, năm máy bay được huy động tham gia chiến dịch tìm kiếm. 

Các tàu cứu hộ của Singapore và Malaysia cũng đã tới hiện trường để hỗ trợ. 

“Ưu tiên chính của chúng tôi là sự an toàn của 53 thành viên thủy thủ đoàn", ông Widodo nhấn mạnh.

Giải cứu tàu ngầm Indonesia: 16 giờ chạy đua với tử thần  - 1

Indonesia chạy đua với thời gian để giải cứu tàu ngầm KRI Nanggala-402. (Ảnh: Anadolu)

Tham mưu trưởng hải quân Adm Yudo Margono cho biết, KRI Nanggala 402 dự kiến sẽ hết oxy vào 3h sáng 24/4. 

Các cuộc tìm kiếm hiện tập trung xung quanh vết dầu loang được tìm thấy cạnh vị trí lặn cuối cùng của KRI Nanggala 402. Nhưng hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy vết dầu này do tàu ngầm để lại. 

Ông Margono cho biết dầu có thể tràn từ một vết nứt trong thùng nhiên liệu hoặc thủy thủ đoàn đã xả nhiên liệu để giảm trọng lượng giúp tàu nổi lên.  

Lực lượng cứu hộ Indonesia cũng tìm thấy một vật thể không xác định có từ tính cao nằm ở độ sâu từ 50-100 m. Các quan chức nước này hy vọng đó là con tàu mất tích. 

Dù vậy, hải quân Indonesia không loại trừ khả năng KRI Nanggala 402 đã chìm ở độ sâu 600-700 m. Độ sâu này có thể khiến con tàu bị ép nát vì áp lực nước. 

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ mất tích. Giới chức Indonesia cho biết sự cố điện có thể đã khiến tàu ngầm không thể thực hiện quy trình khẩn cấp để nổi trở lại. 

Ngoài các tàu cứu hộ Singapore và Malaysia gửi đến, các nước Australia, Mỹ, Đức, Pháp, Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc đang đề nghị giúp đỡ Indonesia. 

Tai nạn tàu ngầm thường rất thảm khốc.

Năm 2000, tàu ngầm hạt nhân Kursk của Nga bị nổ và chìm trong cuộc diễn tập ở biển Barents. Hầu hết 118 thủy thủ đoàn chết ngay lập tức, nhưng 23 người đã trốn vào khoang phía sau trước khi chết do hải quân Nga không kịp tìm thấy họ. 

Tháng 11/2017, một tàu ngầm Argentina chở 44 thành viên thủy thủ đoàn mất tích ở Nam Đại Tây Dương. Gần một năm sau, xác con tàu được tìm thấy ở độ sâu 800 m. 

Nhưng vào năm 2005, nhóm bảy thủy thủ trên một tàu ngầm nhỏ của Nga được cứu gần ba ngày sau khi tàu của họ mắc vào dây cáp ở độ sâu 190 m. Ở thời điểm được cắt dây cáp và nổi lên, lượng oxy trên tàu chỉ còn đủ dùng cho sáu tiếng. 

Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết, tàu KRI Nanggala 402 chạy bằng động cơ diesel do Đức chế tạo được đưa vào biên chế hải quân vào năm 1981. Con tàu chở 49 thủy thủ, một chỉ huy và ba pháo thủ khi mất tích. 

Song Hy(Nguồn: AP)
Bình luận
vtcnews.vn