Nhà phân tích cấp cao Marcus Hellyer của Viện Chính sách Chiến lược Australia cho biết mọi thứ có vẻ đang rất tồi tệ.
"Có rất nhiều điều có thể xảy ra trên tàu ngầm. Nếu một tàu ngầm gặp nạn trên biển, nó có xu hướng trở nên tồi tệ một cách thảm khốc", ông Hellyer nói.
Một cuộc tìm kiếm trên không phát hiện ra vết dầu loang gần vị trí lặn của tàu ngầm. Hải quân Indonesia cho biết vết dầu loang có thể là do thùng nhiên liệu của tàu ngầm bị hư hại hoặc là tín hiệu từ thủy thủ đoàn.
Tuy nhiên, đây là dấu vết duy nhất của KRI Nanggala-402 kể từ thời điểm nó mất tích.
Theo hải quân Indonesia, KRI Nanggala-402 có thể đã chìm xuống độ sâu 600-700 m trong khi con tàu chỉ chịu được áp suất tối đa ở độ sâu 250 m.
Ông Hellyer lo ngại trong kịch bản tệ nhất, có thể sẽ không có ai trong số 53 thủy thủ đoàn sống sót.
Indonesia đã yêu cầu các nước hỗ trợ tìm kiếm tàu ngầm, nhưng ngay cả việc tìm thấy con tàu cũng là cực kỳ khó khăn.
"Việc giải cứu tàu ngầm vốn rủi ro và nguy hiểm, vì ngay cả khi thủy thủ đoàn còn sống và bạn tìm thấy con tàu, bạn vẫn cần đưa đội cứu hộ của mình đến đó", ông Hellyer cho biết.
Hầu hết các hệ thống cứu hộ tàu ngầm hiện nay chỉ hoạt động ở độ sâu khoảng 600 m. Kể cả trong trường hợp có thể lặn xuống sâu hơn, các thiết bị cứu hộ chưa chắc đã vận hành được.
Indonesia đang triển khai năm tàu hải quân và một trực thăng tới hỗ trợ việc tìm kiếm. Các tàu này chỉ có chức năng tìm kiếm chứ không thể cứu nạn. Singapore, Malaysia đã cử tàu cứu hộ trợ giúp Indonesia, tuy nhiên các tàu này cần 2-3 ngày để tới hiện trường.
Một số chuyên gia quân sự đang tính tới kịch bản một trong những quả ngư lôi trên KRI Nanggala-402 đã phát nổ, tương tự như thảm họa từng xảy ra với tàu ngầm Kursk năm 2000.
Trong vụ việc cách đây 21 năm, 23 thủy thủ Nga sống sót sau vụ nổ ban đầu nhưng đã chết vài ngày sau đó do hải quân Nga không kịp tìm thấy và giải cứu họ. Thảm kịch khi đó xảy ra ở vùng nước nông hơn nhiều.
Cũng có thể con tàu đã va chạm với tàu hoặc vật thể dưới nước, bị nước tràn hoặc lỗi kết cấu.
"Việc thân tàu bị ép nát là có thể xảy ra ở độ sâu như vậy và vết dầu loang trên bề mặt có thể cho thấy một kết cấu hư hỏng nghiêm trọng, đặc biệt là ở một tàu ngầm đã cũ được đóng vào năm 1977 và được chuyển giao cho Hải quân Indonesia vào năm 1981", Al Jazeera dẫn một cựu sỹ quan hải quân Anh cho hay.
Ông này nói thêm rằng độ sâu hiện tại của KRI Nanggala-402 là thách thức với bất cứ cuộc giải cứu nào.
“Rất khó để thực hiện cứu hộ theo cách thông thường là hạ chuông lặn, gắn vào cửa thoát hiểm nếu tàu thực sự đang chìm ở độ sâu 700 m", ông này cho hay.
Theo ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam của Singapore, việc có thể cứu hộ thành công con tàu hay không phụ thuộc vào việc xác định vị trí chính xác con tàu, điều kiện thời tiết, điều kiện biển và quan trọng nhất là tình trạng hiện tại của các thủy thủ.
Bình luận