• Zalo

Giá xăng giảm sốc, doanh nghiệp vận tải lớn tiếp tục chây ỳ giảm cước

Kinh tếThứ Sáu, 19/02/2016 06:44:00 +07:00Google News

Hiện đang có sự không công bằng giữa những doanh nghiệp đã đăng ký giảm giá cước (khi giá nhiên liệu giảm sâu) với các doanh nghiệp còn chây ỳ giảm giá.

(VTC News) - Hiện đang có sự không công bằng giữa những doanh nghiệp đã đăng ký giảm giá cước vận tải (khi giá nhiên liệu giảm sâu) với các doanh nghiệp còn chây ỳ giảm giá.

Hãng nhỏ giảm cước, hãng lớn "đứng im"

Từ 15 giờ hôm qua 18/2, xăng RON 92 giảm 960 đồng/lít, đưa giá bán lẻ từ 14.710 đồng/lít về 13.750 đồng/lít. Đây là lần điều chỉnh giá xăng giảm lần thứ 4 chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2016.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã giảm được tất cả 2.650 đồng/lít sau 4 lần, tương đương tỷ lệ giảm khoảng 16% so với mức giá đầu năm 2016 là 16.400 đồng/lít xăng RON 92.

Giá cước vận tải chưa giảm "nhiệt tình" theo giá xăng là bởi chưa có chế tài đủ mạnh xử lý đơn vị chây ỳ giảm giá
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, ở lần giảm giá xăng trước Tết, đã có hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở 60 tuyến cố định đăng ký giảm cước. Các doanh nghiệp này đã thông báo và kê khai mức giảm khoảng 2% – 11%.


Có sự chênh lệch trong mức giảm cước ở các đơn vị vận tải là do nhiều doanh nghiệp trước đây không tăng giá cước khi xăng tăng giá thì giờ họ chỉ giảm ở mức thấp. Còn lại khoảng hơn 20 doanh nghiệp chưa kê khai giảm giá.

Đối với loại hình vận tải taxi chỉ có 6 đơn vị thực hiện giảm giá, mức giảm từ 2 - 7%. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết: “Trước đây 1 tháng, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có công văn số 02/2016/HH - CV gửi các doanh nghiệp thành viên kêu gọi nhanh chóng điều chỉnh giá cước cho phù hợp với tình hình hiện tại”.

Tuy nhiên, khối taxi chiếm tỷ trọng lớn trong vận tải hành khách coi như chưa giảm được bao nhiêu. Các doanh nghiệp taxi lớn như Mai Linh, Group… vẫn tiếp tục “cố thủ” giá cước cũ, chỉ có các hãng nhỏ như Tiến Thành, Đại Nam, Thường Tín, Sông Hồng… chịu kê khai giảm giá.

Đơn cử một hãng taxi nhỏ là Nguyên Minh đã giảm giá cước từ 11.200 đồng/km xuống 10.800 đồng/km. Từ km 21 trở đi, mức cước giảm từ 9.200 đồng/km xuống còn 8.800 đồng/km. Tỷ lệ giảm khoảng 4,7%.

Như vậy, đang có sự không công bằng giữa những doanh nghiệp đã đăng ký giảm giá cước (khi giá nhiên liệu giảm sâu) với các doanh nghiệp còn chây ỳ giảm giá.

Đặc biệt, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên còn nhắc đến một doanh nghiệp taxi tại Sơn Tây từ năm 1999 đến nay vẫn để giá cước là 9.500 đồng/km, thấp hơn khoảng 15% so với các hãng khác. Điều đó cho thấy rõ hơn sự bất hợp lý và lợi nhuận khổng lồ mà các hãng taxi lớn đang thu về từ giá cước hiện hành.

Khác với loại hình vận tải liên tỉnh, xe taxi không phải trả phí cầu đường, nếu có đi xa thì do hành khách trả, lý do duy nhất mà các hãng taxi “vin” vào là việc thay đổi giá cước sẽ kéo theo chi phí về cân chỉnh đồng hồ tính cước, cắt dán lại bảng giá niêm yết. Tuy nhiên, mức chi phí này chỉ khoảng 1 triệu đồng/xe, quá nhỏ so với lợi nhuận các hãng thu được trong suốt thời gian giá xăng dầu giảm vừa qua.

Doanh nghiệp vận tải không tự giác, phải làm sao?

Quy định tại Nghị định 109/2003/NĐ - CP, nếu doanh nghiệp chậm giảm giá quá 5 ngày so với quy định sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 - 8 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái cụ thể nào với các doanh nghiệp chây ỳ giảm giá cước ngoài những văn bản hành chính mà nhiều doanh nghiệp taxi coi như “không có”.

Với những doanh nghiệp viện lý do “không kịp” chỉnh đồng hồ, in ấn bảng niêm yết giá cước mới, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh đã có chỉ đạo rõ ràng sẽ tạo điều kiện tối đã để xe vừa vận hành theo giá mới vừa điều chỉnh.
Xăng dầu giảm mạnh, giá cước taxi vẫn giảm nhỏ giọt
Cũng trong tháng 1 vừa qua, Sở Tài chính Hà Nội đã thực hiện kiểm tra 6 doanh nghiệp vận tải và xử phạt 4 doanh nghiệp vi phạm các quy định về kê khai giá, gồm Công ty vận tải ô tô khách Hà Tây, Công ty Vận tải ô tô 27/7 Thanh Xuân, Công ty CP Song Mã ….


Trước đó, trong tháng 12/2015, Sở Tài chính cũng đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP đầu tư thương mại và vận tải Vũ Hoàng số tiền 40 triệu đồng vì những vi phạm trong chấp hành quy định quản lý Nhà nước về giá của công ty này.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, các cơ quan quản lý về tài chính, giao thông chưa làm tròn vai của mình. Theo ông Long, với các doanh nghiệp “lách” thanh kiểm tra bằng cách giảm giá kiểu đối phó như: chỉ giảm giá cước mở cửa đối với taxi, nhưng giữ nguyên giá cước tính theo kilômét hay giảm vài nghìn đồng/chặng đường hàng chục kilômét, các cơ quan quản lý cần vào cuộc quyết liệt.

Khi các doanh nghiệp này bị bóc mẽ các chiêu giảm giá đối phó và bị phạt thật nặng, đương nhiên, các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải giảm giá một cách thật sự. Theo chuyên gia này, các cơ quan quản lý rất muốn giữ quyền cho mình, nhưng do ôm đồm quá, nên họ đang tự làm mờ nhạt vai trò của mình.

Một chuyên gia về thị trường cũng cho rằng, việc bất lực trong quản lý hoạt động giá cước vận tải một phần do sự mù mờ về kết quả thanh tra.  Thậm chí có tình trạng đi thanh, kiểm tra rầm rộ, nhưng công bố không có gì, hoặc không công bố kết quả.

“Không loại trừ có tình trạng vì lợi ích cá nhân, phong bì mà hy sinh lợi ích của xã hội. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Các nước có quy định xử lý rất nặng về việc cơ quan chức năng móc nối với doanh nghiệp trong việc bao che các sai phạm của doanh nghiệp”, vị này nói.


Thái Anh
Bình luận
vtcnews.vn