• Zalo

Giá VLXD phi mã, nhà thầu méo mặt bù lỗ, chủ đầu tư tính tăng giá bán nhà

Bất động sảnThứ Sáu, 07/05/2021 07:33:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Giá nhiều vật liệu xây dựng tăng 30 - 40% khiến nhà thầu đối mặt tình trạng "vỡ trận" vì dự án bị đội vốn quá cao, trong khi đó giá bán nhà cũng nguy cơ leo thang.

Đầu tháng 5/2021, anh Trần Văn Nam (Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội) bắt đầu khởi công xây nhà cho mối thầu vừa nhận. Anh than thở: "Chậm chân 1 tháng mà giá vật liệu xây dựng đã “leo thang” không có điểm dừng". Mới hồi tháng 3/2021, anh Nam đặt thép tại đại lý ở đường Lĩnh Nam giá 15.600 đồng/kg, nhưng đại lý chỉ ghi nhận chứ chưa cho đặt cọc. Đến cuối tháng 4/2021, anh đến làm hợp đồng mua thép thì đại lý cho biết giá thép đã lên hơn 18.000 đồng/kg.

Giá VLXD phi mã, nhà thầu méo mặt bù lỗ, chủ đầu tư tính tăng giá bán nhà - 1

Giá thép tăng mạnh nhất trong các loại vật liệu xây dựng. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, để lập dự toán thầu một công trình xây dựng tại Hải Phòng, anh Lê Văn Cường - kỹ sư một công ty xây dựng ở Hà Nội - đã phải thay đổi bảng tính tới ba lần trong một tuần vì giá thép liên tục biến động. Thực tế giá thép đã tăng rả rích từ đầu năm nay và vào đợt tăng phi mã từ đầu tháng 4.

"Có doanh nghiệp thép trong 10 ngày đầu tháng 4 đã 6 lần thay đổi báo giá, với mức tăng tổng cộng trên một triệu đồng mỗi tấn. Giá thay đổi liên tục khiến người làm dự toán công trình không biết đâu mà lần. Công trình công ty tôi nhận làm hồi đầu năm từ có lãi thành lỗ cũng vì giá thép tăng quá mạnh 30 - 40%", anh Cường than.

Cũng theo anh Cường, trong mỗi dự án xây dựng dân dụng, thường thép chiếm tỷ trọng 10-30% tổng giá trị dự án, vì thế biến động giá mặt hàng này tác động rất mạnh tới các nhà thầu. Không ít doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu cho biết, việc thép tăng giá từ đầu năm đến nay ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả dự án mà họ đã ký hợp đồng với đối tác, khả năng nhận thầu vì thế bị co lại.

"Hiện các nhà thầu cạnh tranh rất quyết liệt bằng giá chào thầu, nên hiệu quả kỳ vọng thường rất thấp, chỉ đủ chi phí để duy trì sản xuất, lấy dòng tiền nuôi bộ máy. Mỗi đợt tăng giá thép như vậy nhà thầu lại càng thua lỗ và khó khăn thêm", anh Cường cho hay.

Ông Đỗ Quang Lợi - một nhà thầu chuyên nhận xây dựng nhà trọn gói tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai (Hà Nội) 1 tháng nay cũng chạy đôn chạy đáo tìm gặp đối tác để năn nỉ, xin được thương thảo lại 8 hợp đồng đã ký kết hồi đầu năm 2021.

Thời điểm ký hợp đồng xây thô trọn gói, mức giá ông Lợi “chốt” chỉ 3,8 triệu đồng/m2 nhưng khi đó giá sắt, thép chỉ khoảng 14.000 đồng/kg. Hiện tại, giá thép lên hơn 18.000 đồng/kg, các vật tư khác như cát, đá, gạch, xi măng, tôn... cũng đồng loạt tăng theo từ 20-25%.

"Giá vật tư tăng từ 3-5%, tôi còn cắn răng làm để giữ uy tín chứ tăng chóng mặt như hiện nay thì đã vượt quá giới hạn chịu đựng của nhà thầu. Với mức vật liệu như hiện tại, mức giá xây thô hiện đã hơn 4 triệu đồng/m2, so với mức giá ký hợp đồng, tôi đã lỗ khoảng 400.000 đồng/m2. Nếu đối tác không đồng ý tăng giá thì tôi huỷ và chấp nhận đền bù hợp đồng, còn hơn càng làm càng lỗ", ông Lợi nói.

Cũng theo ông Lợi, đối với các hợp đồng ký thời gian tới, ông chỉ dám chốt nếu có thêm điều kiện phải linh động kê lại giá theo chuyển biến của thị trường.

Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh cũng khiến nhiều chủ đầu tư đau đầu tính toán lại giá bán nhà.

Ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Kinh doanh BĐS Hải Phát cho biết, giá vật liệu xây dựng tăng hiển nhiên kéo giá xây dựng cao hơn. Điều này cũng khiến doanh nghiệp phải xem xét việc điều chỉnh giá nhà và phải giải trình cho khách hàng hiểu. Tùy từng kết cấu công trình, giá nhà có thể tăng quanh mức 20%.

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản đang xây dựng dự án tại Quảng Ninh cũng chia sẻ, đơn vị đang chuẩn bị xây dựng dự án biệt thự 5,6 ha ở Bãi Cháy. Theo đơn giá, cộng cả tiền đất và xây thô đã công bố bán cho khách hàng từ tháng 1/2021, khoảng 26 tỷ đồng cho căn biệt thự hơn 200m2, nhưng nay chắc chắn phải xây dựng lại giá bán vì vật liệu xây dựng đã tăng quá cao.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng cho rằng giá nhân công cũng tăng, nên buộc phải tăng giá bán nhà mới có thể bù vào chi phí vật liệu, chi phí nhân công.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, giá thép chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành xây dựng. Cho nên khi giá thép tăng các nhà thầu đều vấp phải khó khăn, do các chủ đầu tư vốn tư nhân đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định, không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng).

Còn đối với chủ đầu tư vốn nhà nước lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các Sở Xây dựng, trong khi các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời.

Theo ông Hiệp, nếu chủ đầu tư không có cách giải quyết thì sẽ khiến cả công trình xây dựng tê liệt. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng tăng sẽ đẩy giá tất cả các chi phí đều tăng, điều này buộc các chủ đầu tư cũng phải tăng giá thành bất động sản.

Theo các chuyên gia xây dựng, các nhà thầu hiện nay cần phải nắm bắt được tình hình giá cả của thế giới, để có tầm nhìn dài hạn tham gia đấu thầu các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước. Nếu các gói thầu trọn gói, không thể thương thảo được, thì các doanh nghiệp xây dựng nắm chắc lỗ nặng, thậm chí là phá sản.

Theo khảo sát, giá nhiều vật liệu xây dựng tăng phi mã thời gian gần đây. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, giá thép thành phẩm tại thị trường trong nước đã tăng 30% - 40%. So với cuối năm 2020, giá thép cuộn Hòa Phát tăng từ 14.570 đồng - 15.100 đồng/kg lên 16.800 đồng - 17.000 đồng/kg.

Tương tự, thép Việt Đức, cũng tăng 14.800 đồng - 15.000 đồng/kg, lên 16.700 - 16.800 đồng/kg; thép Việt Ý tăng từ 14.760 đồng/kg lên ngưỡng 16.900 đồng/kg;...

Trong khi đó, giá xi măng trong nước cũng tăng từ 15% - 20%, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, xi măng Long Sơn, Hoàng Long tăng gần 40.000 đồng/tấn, có giá 1,34 - 1,41 triệu đồng/tấn. Xi-măng Hoàng Thạch tăng 30.000 đồng/tấn, có từ 1,2 - 1,55 triệu đồng/tấn. Xi-măng Phúc Sơn tăng tăng 40.000 đồng/tấn, có giá từ 1,37 - 1,42 triệu đồng/tấn;...

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, các dự báo trước nói rằng, giá thép sẽ chỉ tăng tối đa đến hết quý II/2021. Nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi, nhiều dự báo lo ngại thép có thể tăng hết quý III/2021, khi nguồn nguyên liệu thế giới vẫn đang rất đắt đỏ.

Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) nhận định, nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ "vỡ trận", phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý I, đặc biệt ở tháng 4. Đây là đợt tăng giá nhanh và mạnh nhất của thép xây dựng trong nhiều năm qua. Điều đáng lưu ý, giá thép chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" trong thời gian tới.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn