Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2022 tăng 0,15% so với tháng trước, chủ yếu do giá thuê nhà tăng mạnh và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022 - 2023.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, 10 nhóm hàng có chỉ số tăng so với tháng trước và chỉ có nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,17% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.
Như vậy, so với tháng 12/2021, CPI tháng 10 tăng 4,16%. Lạm phát cơ bản tháng 10/2022 tăng 0,45% so với tháng trước, tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 10 năm nay thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Bình quân 10 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,14% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,89%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu.
Tính chung, bình quân 10 tháng năm 2022, CPI tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,14% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,89%), cho thấy biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu.
Một nguyên nhân chính khiến chỉ số lạm phát tăng là tốc độ tăng chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục tháng 10 so của một số địa phương: Khánh Hòa tăng 83,56% so với tháng trước; Lai Châu tăng 56,18%; Nam Định tăng 51,72%; Ninh Thuận tăng 47,49%; Bình Thuận tăng 45,47%; Phú Yên tăng 39,48%; Thái Bình tăng 37,19%; Đồng Tháp tăng 25,18%; Thanh Hóa tăng 18,4%; Bạc Liêu tăng 10,31%; Hà Giang tăng 9,37%; Tiền Giang tăng 8,28%.
Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 10 tháng được Tổng cục Thống kê nhắc đến: Trong 10 tháng năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 28 đợt, trong đó có 12 đợt giảm giá, làm cho giá xăng A95 giảm 950 đồng/lít so với cuối năm 2021; xăng E5 giảm 1.060 đồng/lít; giá dầu diezen tăng 7.210 đồng/lít; dầu hỏa tăng 7.150 đồng/lít. Tuy nhiên, tính bình quân 10 tháng năm nay, so với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước tăng 36,01%, tác động làm CPI chung tăng 1,3 điểm phần trăm.
Dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 10 tháng tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm.
Nhà ở và vật liệu xây dựng 10 tháng năm nay tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm.
Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu làm cho giá gạo 10 tháng tăng 1,16% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.
Bình luận