Tuy nhiên, trả lời VTC News, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), phản biện: “Chúng ta không nên thấy một vài mặt hàng tăng cao mà cho rằng tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng phải tăng 10 - 20%. Điều đó là không đúng”.
Bà Oanh diễn giải, trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu tăng 51,83%, tác động vào CPI là 1,87 điểm phần trăm. Các mặt hàng khác cũng tăng giá nhưng tác động không nhiều bằng xăng dầu. Trong khi đó, để chủ động ứng phó áp lực lạm phát, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá.
“Nhờ vậy mà chúng ta đã kéo giảm chỉ số CPI, kiểm soát được lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức 2,44%. Chỉ số CPI này đã phản ánh đúng thị trường giá cả 6 tháng đầu năm của chúng ta”, bà Oanh khẳng định.
Bà Oanh cũng chỉ rõ loạt giải pháp mà Nhà nước đã thực hiện để kiềm chế lạm phát. Đó là đảm bảo lương thực, thực phẩm đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân; Ổn định lãi suất cho vay ở mức thấp, giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; Công tác điều hành giá xăng dầu cũng theo sát diễn biến giá thế giới...
Lý giải kỹ hơn về việc vì sao giá cả hầu hết mặt hàng trên thị trường đều tăng mạnh khiến người dân kêu ca nhiều nhưng chỉ số CPI lại thấp, bà Oanh cho rằng, phương pháp biên soạn CPI của Tổng cục Thống kê được thực hiện theo đúng hướng dẫn của quốc tế. Để tính CPI, hằng tháng, 63 địa phương tổ chức thu thập giá 752 mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện theo 3 kỳ/tháng tại 40.000 điểm điều tra. Do đó, theo bà Oanh, số liệu CPI của Tổng cục Thống kê đã phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực.
“Việt Nam là quốc gia có nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi dào, bên cạnh việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân còn xuất khẩu ra thế giới nên giá cả khá ổn định. Giá các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục giảm 3,56% do một số tỉnh, thành miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022, làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm”, bà Oanh nói.
Bà Oanh cho biết thêm, một trong những nguyên nhân khiến chỉ số CPI không tăng cao như nhiều quốc gia khác trên thế giới là do danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện tính CPI của các quốc gia khác nhau, phụ thuộc tập quán tiêu dùng. Ví dụ Mỹ và châu Âu chi tiêu dùng cho các nhóm nhà ở, điện, nước, khí đốt, giao thông, văn hóa, giải trí chiếm tỷ trọng lớn, trong khi Việt Nam chủ yếu chi tiêu dùng cho lương thực, thực phẩm (chiếm tỷ trọng 27,68%).
Dự đoán về chỉ số CPI trong những tháng tới, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, từ nay đến cuối năm, nhiều yếu tố chính có thể khiến CPI tăng cao là giá nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao. Việt Nam lại là nước phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát toàn nền kinh tế.
Đặc biệt, giá xăng dầu có nhiều biến động sẽ tác động đến mặt bằng giá. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu cứ tăng 10%, sẽ tác động làm CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.
Giá lương thực, thực phẩm cũng có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang tăng trở lại. Việt Nam có lợi thế là chủ động được về nguồn lương thực, thực phẩm ở trong nước, tuy nhiên vẫn khó tránh khỏi ảnh hưởng khi mà thế giới đang nguy cơ phải đối mặt khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nhóm hàng lương thực, thực phẩm có quyền số khá cao, gần 28% trong rổ hàng hóa tính CPI, do đó biến động giá của nhóm hàng này sẽ có tác động mạnh tới lạm phát của nền kinh tế. Đặc biệt trong đó, nhóm hàng thịt lợn đang có xu hướng tăng giá trở lại.
Một yếu tố nữa tác động đến chỉ số CPI là kinh tế trong nước đang trong giai đoạn phục hồi rõ nét và cùng các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ còn phục hồi mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm. Khi đó, cầu tiêu dùng trong dân sẽ tăng mạnh, có thể đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao, tạo áp lực lên lạm phát.
“Chính vì vậy, Tổng cục Thống kê đánh giá việc kìm lạm phát 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra trong năm nay là một thách thức rất lớn”, bà Oanh phân tích.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
3 nguyên nhân chính khiến CPI tăng là giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu cũng tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển cao.
Sau khi được công bố, nhiều ý kiến tỏ ra bất ngờ với mức tăng thấp của CPI, khi mà thời gian qua, hàng loạt mặt hàng thiết yếu tăng giá mạnh như: lương thực thực phẩm, giá xăng, giao thông...
Bình luận