Chợ Siêu Thị Đà Nẵng vắng khách, 500 tiểu thương đối diện nguy cơ đổ nợ.
Công ty TNHH MTV chợ Siêu Thị Đà Nẵng dự kiến tăng giá cho thuê mặt bằng từ 360 nghìn đồng lên 681 nghìn đồng/m2/tháng nhưng Sở Tài chính Đà Nẵng chỉ thống nhất mức 393 nghìn đồng.
Trong khi đó, với tiểu thương, thực tế buôn bán ế ẩm thì mức giá hiện tại đã là quá khó khăn, đối diện nguy cơ đổ nợ nếu tăng giá.
Cả ngày không bán nổi đôi dép, cái quần
Hàng trăm tiểu thương tại chợ Siêu Thị, quận Thanh Khê, Đà Nẵng đang đối diện nguy cơ đổ nợ vì buôn bán ế ẩm, trong khi giá thuê mặt bằng được chủ đầu tư thông báo tăng từ 360 nghìn đồng/m2/tháng lên mức 681 nghìn đồng/m2/tháng.
Theo bà Dung, chủ quầy bán giày dép tại tầng 2 chợ Siêu Thị Đà Nẵng, bà và các tiểu thương kinh doanh tại đây đang như ngồi trên lửa và đối diện với nguy cơ đổ nợ vì kinh doanh ế ẩm nhưng sắp tới giá thuê mặt bằng tăng cao.
“Tôi buôn bán tại đây từ lâu nhưng chưa bao giờ lâm cảnh khó khăn như hiện nay. Buôn bán ế ẩm, ngồi cả ngày không bán nổi đôi dép, vốn bỏ ra không thu về được trong khi giá thuê mặt bằng được chủ đầu tư thông báo tăng nên chưa biết những ngày tới sẽ thế nào”, bà Dung cho biết.
Theo bà Dung, hiện mức giá thuê mặt bằng tại chợ là 360 nghìn đồng/m2/tháng nhưng chủ đầu tư thông báo sẽ tăng lên mức 681 nghìn đồng/m2/tháng. Nếu tiểu thương không đóng tiền thì chủ đầu tư sẽ cắt điện, thu hồi lại mặt bằng.
“Giá hiện tại chúng tôi đang thuê tại đây đã cao gấp đôi so với giá thuê thuộc các chợ truyền thống (180 nghìn đồng/m2/tháng) nhưng chủ đầu tư lại đề xuất phương án giá mới lên 681 nghìn đồng/m2/tháng thì quá thiệt thòi và bất công với tôi và tiểu thương tại đây. Cở sở nào để chủ đầu tư đưa ra mức giá này thì chúng tôi không rõ, nhưng điều rõ nhất có thể thấy là tiểu thương đối diện với nguy cơ đóng cửa”, bà Dung nói.
Tương tự, chủ quầy kinh doanh áo quần Lộc Phúc cho biết, buôn bán ế ẩm, nếu tăng giá thì bà phải đóng cửa vì không thể kham nổi.
“Ngồi cả ngày có khi không bán nổi cái áo, phải gồng gánh bám trụ đã đuối lắm rồi, bây giờ tăng thêm giá thuê mặt bằng thì chỉ có nước đổ nợ mà nghỉ thôi”, chủ quầy nói và cho biết thêm đang cân nhắc có nên tiếp tục kinh doanh nữa hay không, dù bây giờ đã là cuối năm, sắp đến cao điểm người dân mua sắm Tết.
Cũng theo chủ quầy Lộc Phúc, bà thuê lại mặt bằng này của tiểu thương khác từ năm 2019 nên giá cao hơn so với các quầy hàng trong chợ. Tuy nhiên, thời điểm đó bùng phát dịch COVID-19 nên không buôn bán được. 2 năm trở lại đây mở cửa nhưng thi thoảng mới có khách.
“Tiểu thương chúng tôi cứ lặp đi lặp lại điệp khúc sáng đến mở cửa bày hàng, ngồi nhìn nhau chán rồi tối thì dọn dẹp đóng cửa về”, chủ quầy hàng cho biết.
Anh Dũng, chủ quầy hàng thời trang nam bên cạnh than thở: “Kinh doanh ế ẩm, giờ lại tăng giá thuê mặt bằng thì tôi tính phải trả lại thôi, không gánh nổi. Chỉ mong chủ đầu tư, chính quyền thành phố xem xét sao cho hợp lý để hỗ trợ tiểu thương”.
Theo các tiểu thương, nguyên nhân kinh doanh ế ẩm khổng chỉ vì kinh tế khó khăn mà còn vì giao thông tại đây không thuận lợi. Là chợ Siêu Thị (chợ loại 1) nhưng khu vực đậu đỗ xe hạn chế. “Không có chỗ đậu đỗ xe, giao thông bất tiện nên chẳng có mấy người đến mua sắm, nay tăng giá thuê mặt bằng nữa thì bỏ nghề”, một tiểu thương khác than thở.
Ghi nhận của PV VTC News, trong khoảng thời gian từ 8h30 đến 9h30 ngày 1/11, toàn bộ khu vực tầng 2 của chợ Siêu Thị - nơi kinh doanh, buôn bán các mặt hàng quần áo, giày dép, chăn màn, mũ nón, túi xách… chỉ có 3 khách lên ngắm hàng, trong đó có 1 khách mua đôi dép.
Buôn bán ế ẩm, thua lỗ, nhiều chủ kiot tại đây phải tắt điện, đóng cửa để giảm bớt chi phí. Có chủ cửa hàng treo biển “Sang lại kiot”, có chủ quầy hàng đóng cửa từ lâu, buộc chủ đầu tư phải dán thông báo đề nghị thanh toán tiền thuê mặt bằng.
Nguy cơ đóng cửa vì không đủ nguồn lực
Liên quan vấn đề tăng giá cho thuê mặt bằng từ 360 nghìn đồng lên mức 681 nghìn đồng/m2/tháng, trả lời VTC News, ông Trần Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV chợ Siêu Thị Đà Nẵng cho biết, một trong những nguyên nhân phải điều chỉnh tăng giá thuê mặt bằng là vì giá thuê đất theo chu kỳ mới mà công ty phải trả đã tăng đột biến.
Cụ thể, chu kỳ từ 2013-2014, công ty được miễn tiền thuê đất. Chu kỳ 2015-2019, tổng mức UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ công ty (trực tiếp và gián tiếp) về tiền thuê đất là 1,158 tỷ đồng/năm, công ty chỉ đóng 7 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, đến chu kỳ 2020-2024, mức đơn giá thuê đất mới đã tính lại theo Thông báo số 3791/TB-CTDAN ngày 3/10/2022 của Cục Thuế Đà Nẵng là hơn 2,122 tỷ đồng/năm.
Theo ông Hoàng, mức tăng này là rất cao nhưng không hiểu vì sao công ty vẫn chưa nhận được thông báo của thành phố về việc có tiếp tục hỗ trợ với mức 1,158 đồng/năm như đã áp dụng trong chu kỳ 2015-2019.
Trong khi đó, công ty phải chịu những khoản chi phí khác như chi phí quản lý, chi phí lãi vay tăng cao, khấu hao, chi phí điện nước tăng cao.
Vì vậy, công ty xây dựng phương án tăng giá cho thuê mặt bằng từ 360 nghìn đồng lên 681 nghìn đồng/m2/tháng (đơn giá tối đa) gửi Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan.
Tuy nhiên, ngày 29/8/2023, công ty nhận được công văn dự thảo mà Sở Tài chính trình UBND thành phố, chỉ chấp nhận đơn giá tối đa dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng là 393 nghìn đồng/m2/tháng.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV chợ Siêu Thị Đà Nẵng, đơn giá này quá thấp, bởi vì với đơn giá tối đa 681 nghìn đồng/m2/năm, công ty cũng chỉ đắp được 80% tiền thuê đất, còn 20% công ty phải bù thêm.
Vì vậy, ngày 11/10/2023, ông Lê Trí Thọ, Chủ tịch HĐQT công ty có công văn gửi UBND TP Đà Nẵng, Sở Tài chính, Sở Công Thương với nội dung, công ty chỉ tạm chấp nhận với giá tối đa dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ do Sở Tài chính thẩm định là 393 nghìn đồng/m2/tháng (không bao gồm tiền điện, tiền nước, tiền trông coi hàng hóa, tiền vệ sinh).
“Nếu các quý cấp và UBND thành phố trong quá trình xem xét, quyết định thẩm duyệt ban hành đơn giá tối đa như trình bày nêu trên, áp dụng cho công ty chúng tôi mà không tiếp tục duy trì chủ trương đúng đắn góp phần vào nhiệm vụ an sinh xã hội như trước đây mà UBND thành phố đã áp dụng thì công ty chúng tôi sẽ không đủ nguồn lực tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động vì khả năng sẽ bị nợ quá hạn các khoản như BHXH, bị cưỡng chế thuế... và dự kiến tạm ngưng hoạt động kể từ ngày 1/12/2023”, công văn nêu.
Bình luận