• Zalo

Gia tăng nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng

Tin tứcThứ Sáu, 01/11/2024 20:13:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Các loại ký sinh trùng như rận, bọ, ve trên vật nuôi bản chất đã mang nhiều mầm bệnh và có thể lây nhiễm lên con người.

Thông tin được bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ bên lề Hội nghị Khoa học toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS, diễn ra ngày 1/11.

Theo bác sĩ Cấp, sự thay đổi của môi trường sống, điều kiện kinh tế xã hội cũng tạo điều kiện cho nhiều loại ký sinh trùng có cơ hội bùng phát. Điển hình là bệnh giun đũa chó mèo lây truyền từ thú cưng sang con người gần đây gia tăng lên nhiều. Những năm gần đây, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó mèo.

Chó mèo mang nhiều loại ký sinh trùng, khi nuôi không được tẩy giun thường xuyên, trứng của ký sinh trùng có thể vương vãi gây ô nhiễm môi trường. Trứng khi bám vào lông vật nuôi sau đó con người vuốt ve và không vệ sinh tốt rất dễ lây nhiễm bệnh. Các loại ký sinh trùng như rận, bọ, ve trên vật nuôi bản chất đã mang nhiều mầm bệnh và có thể lây nhiễm lên con người.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: N.Loan)

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: N.Loan)

Ngoài ra, thói quen ăn các món không được nấu chín (nộm, tái, gỏi) cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm ký sinh trùng. Nếu được chế biến từ các loại thịt, rau mang ký sinh trùng, nguy cơ lây nhiễm vào người là rất cao. Đồng thời, việc quản lý chất thải không tốt cũng làm tăng nguy cơ phát tán các loại ký sinh trùng.

Bên cạnh số ca nhiễm từ ký sinh trùng gia tăng, những năm gần đây, thế giới đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Theo chuyên gia, với các bệnh truyền nhiễm mới nổi, con người không thể dự đoán (giống như bệnh COVID-19). Tuy nhiên, nếu chúng ta phát hiện sớm các chùm ca bệnh từ ban đầu và có biện pháp cách ly, dập dịch sớm sẽ có thể khống chế dịch tương đối tốt.

Ngược lại, nếu không phát hiện sớm và xử lý đúng bệnh truyền nhiễm, để dịch bùng phát như COVID-19 thì khả năng kiểm soát vô cùng khó khăn, gây ra thiệt hại lớn. “Các bệnh mới nổi là những bệnh chúng ta không dự đoán được. Nó có thể là những bệnh không có gì đặc biệt nhưng cũng có thể là bệnh gây đại dịch. Do đó phải giám sát sớm để xem nó có nguy cơ gây ra đại dịch lớn hay không. Nếu có nguy cơ đó phải nỗ lực kiểm soát để tránh gây ra thiệt hại vô cùng to lớn", BS Cấp nhấn mạnh.

Chuyên gia cũng lưu ý, đối với các bệnh truyền nhiễm trước đây đã được kiểm soát tốt nhưng sau đó lại chủ quan thì có thể bùng phát trở lại, đây được gọi là bệnh tái nổi. Ví dụ như bạch hầu, ho gà, uốn ván trước đây tiêm chủng tốt thì số người bị bệnh ít. Khi tiêm chủng không đảm bảo thì bệnh bùng phát ở các địa phương.

“Gần đây, một số địa phương ghi nhận sự bùng phát ho gà, bạch hầu, uốn ván sơ sinh. Nếu kiểm soát tiêm vaccine không tốt có thể đe dọa bùng phát các bệnh nguy hiểm hơn như bại liệt”, bác sĩ Cấp thông tin.

Hội nghị Khoa học toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS được tổ chức 2 năm một lần, là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, trao đổi kinh nghiệm và triển khai ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS.

Hội nghị Khoa học toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS lần này được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 31/10 đến ngày 2/11, với 136 bài báo cáo, trong đó có 113 báo cáo được trình bày tại hội nghị và 13 báo cáo dán bảng.

Bình luận
vtcnews.vn