Từ cuối tháng 2 năm nay, giá lợn hơi xuất chuồng có xu hướng giảm, xuống 53.000-56.000 đồng/kg, sang đầu tháng 3 còn 50.000-53.000 đồng/kg.
Ngày 18/3, tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 51.000-57.000 đồng/kg. Bắc Giang và Hưng Yên lần lượt thu mua với giá 55.000 đồng/kg và 57.000 đồng/kg. Thái Nguyên là tỉnh giao dịch ở mức thấp nhất khu vực với 51.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 52.000 - 54.000 đồng/kg. Còn tại khu vực miền Nam điều chỉnh giảm từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg tại một vài nơi, dao động quanh ngưỡng 51.000-55.000 đồng/kg.
Như vậy, từ mốc 73.000-77.000 đồng/kg vào thời điểm cùng kỳ năm ngoái, tính đến nay, lợn hơi chỉ còn mức 51.000-57.000 đồng/kg, tùy địa phương. Nhìn chung, trong một năm qua, giá lợn hơi đã giảm khoảng 20.000-23.000 đồng/kg, tương đương giảm 36-31%.
Vẫn ở mức cao
Thời điểm giá lợn hơi ở mức 73.000-77.000 đồng/kg, giá bán lẻ tại các chợ truyền thống thịt sườn vai và ba chỉ có giá khoảng 110.000-150.000 đồng/kg, sườn thăn 150.000 đồng/kg, thịt thăn giá 120.000-130.000 đồng/kg, nạc vai 150.000 đồng/kg, sườn non giá 160.000-180.000 đồng/kg ...
Tuy nhiên, khi giá về mức 51.000-57.000 đồng/kg thì tại chợ và siêu thị, các mặt hàng này chỉ giảm nhẹ hoặc không có nhiều thay đổi. Giá bán lẻ một số vẫn gần 200.000 đồng/kg.
Khảo sát tại các siêu thị và chợ truyền thống trên địa bàn TP Hà Nội, giá thịt lợn hiện ở mức 110.000-180.000 đồng một kg (tùy loại). Đơn cử, tại chợ Hà Đông (quận Hà Đông) giá thịt nạc vai 120.000-140.000 đồng/kg, sườn non loại 1 giá 160.000-170.000 đồng/kg, thịt xay, ba chỉ 110.000-130.000 đồng/kg...
Tại một số chợ thuộc quận Ba Đình như chợ Linh Lang, Cống Vị, Thành Công... giá bán lẻ thịt lợn tăng thêm 5.000-10.000 đồng/kg (từ 130.000-180.000 đồng/kg tùy loại thịt).
Một tiểu thương bán thịt tại chợ Hà Đông cho biết giá lợn hơi giảm nhưng sức mua yếu cộng thêm xăng dầu tăng mạnh khiến chi phí vận chuyển từ trang trại tới lò mổ và từ lò mổ tới chợ tăng theo do đó giá bán thịt không thể giảm nhiều.
Tại siêu thị Top Market Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội), thịt ba chỉ 173.000 đồng/kg, thịt xay 133.000 đồng/kg, sườn non 216.000 đồng/kg, nạc vai heo 149.900 đồng/kg...
Theo một số tiểu thương, khoảng 6 khâu trung gian là nguyên nhân khiến việc đưa lợn hơi đến tay người tiêu dùng tốn nhiều khoản phí nhất là trong bối cảnh giá xăng tăng cao.
Trước đó trao đổi với Zing, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng khâu phân phối của Việt Nam vẫn có "điểm nghẽn". "Lúc giá heo hơi lên thì tại chợ lên rất nhanh, nhưng lúc giảm thì giảm rất chậm, không tương ứng. Rõ ràng, ngành nông nghiệp chưa làm thật tốt khâu này", ông Nguyễn Trí Công đánh giá.
Ông hy vọng sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) sẽ đưa ra được giải pháp để giải quyết được vấn đề còn tồn đọng trong ngành chăn nuôi. "Chúng ta phải làm sao rút ngắn được các khâu trung gian, từ chăn nuôi đến tay người tiêu dùng phải hợp lý nhất, ngắn nhất", ông nói.
Nghịch lý giá thức ăn chăn nuôi và giá lợn hơi
Mặc dù giá lợn hơi liên tục giảm từ cuối tháng 2 đến nay, theo Cục chăn nuôi, ngành chăn nuôi heo đang đứng trước khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao từ cuối năm 2021 tới nay. Hiện, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ.
"Mặc dù giá lợn giống đã hạ xuống khá hợp lý (từ 2,6 triệu đồng giảm xuống 1,2 triệu đồng/con) nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, khiến nhiều hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ", ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nói.
Nuôi không được, bán cũng không đành là tình cảnh của đàn lợn gần 30 con của chị Bắc (Phổ Yên, Thái Nguyên) và nhiều người chăn nuôi khác lúc này. Chị cho biết thời gian gần đây giá cám tăng chóng mặt, mỗi ngày thấy lên một giá hiện đã ở mức 330.000-360.000 đồng/bao 25 kg trong khi giá lợn hơi thì giảm.
"Người chăn nuôi chỉ biết kêu trời. Giá thức ăn chăn nuôi lên rất cao, nhưng giá lợn hơi lại phụ thuộc vào thương lái. Tăng giá thì không có người mua, càng chờ lợn quá lứa càng mất giá", chị than.
Lãnh đạo Cục chăn nuôi cho biết hiện nay các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và nước ngoài (CP, Jafa comfeed, Newhope, CJ, Emivest, Cargill...) xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi. Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi.
Khi các chuỗi này phát huy hiệu quả theo đúng kế hoạch, việc rút ngắn các khâu trung gian từ chăn nuôi đến vận chuyển, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ, lợi ích sẽ được chia sẻ với các đối tượng trong chuỗi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bình luận