• Zalo

Già làng R'cơm Hmyơk: Người nặng lòng với cồng chiêng

Chuyện bốn phươngThứ Tư, 19/02/2020 07:26:59 +07:00Google News
(VTC News) -

Ở tuổi 66, già làng R'cơm Hmyơk (Ia Nueng, TP. Pleiku, Gia Lai) vẫn từng ngày cố gắng phát huy nét văn hóa độc đáo của người Jrai để không bị mai một.

Niềm đam mê cháy bỏng

Một ngày giữa tháng 2, trong cái nắng khô cằn của núi rừng Tây Nguyên, tôi tìm tới làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP Pleiku), gặp già R’Cơm Hmyơk (66 tuổi), người được biết tới bởi tài đánh chiêng hay và là một trong những bậc thầy dạy chiêng của làng.

Bên hiên nhà cũ kĩ vương lớp bụi, ông R’Cơm Hmyơk kể, bằng niềm đam mê văn hóa truyền thống, từ năm 16 tuổi, ông đi theo những người có uy tín trong làng để học chiêng. Sau nhiều năm cố gắng mày mò, rèn giũa, ông cũng trở thành nghệ nhân đánh chiêng hay có tiếng trong làng, xã. Về già, người ta bầu ông là người có uy tín trong làng, bởi cái tài đánh chiêng và nghe tiếng chiêng.

Già làng R'cơm Hmyơk: Người nặng lòng với cồng chiêng  - 1

Già R’Cơm Hmyơk được người dân trong làng bầu là người uy tín của làng.

Cầm trên tay một trong những chiếc chiêng còn lưu giữ, ông cho biết: “Hiện già còn giữ được 2 bộ chiêng quý do ông bà để lại gồm 15 chiếc. Hai bộ này già cất kĩ trong nhà, hàng ngày mình rảnh nên mang ra lau chùi sạch sẽ, mỗi lần làng có lễ hội thì mới đem ra sử dụng. Cũng có nhiều người tìm đến nhà, ngỏ ý mua lại bộ chiêng với giá rất cao nhưng già không bán. Đây là báu vật, là của để dành từ bao đời nay, dù người ta có trả giá cao thì mình cũng quyết giữ lại để truyền cho con cháu”.

Ông Hmyơk là thành viên chính trong đội cồng chiêng của làng. Vào các dịp lễ hội, đội chiêng làng của ông Hmyơk luôn được mời tới tham gia đánh chiêng ở một số nhà hàng hay các sự kiện để quảng bá văn hóa truyền thống.

Dồn hết tâm huyết, kiến thức về cồng chiêng của mình để dạy cho thế hệ trẻ cách đánh cồng chiêng, đó là tâm niệm của ông mỗi khi ngồi quây quần bên đám trẻ con trong làng. Không những vậy, ngoài việc dạy kỹ thuật đánh chiêng, ông luôn nhắc nhở thế hệ trẻ về tầm quan trọng của cồng chiêng, cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống.

Lưu truyền giá trị truyền thống

Thay nhanh chiếc áo thổ cẩm truyền thống, ông dẫn chúng tôi tới ngồi dưới tán cây bên mái nhà rông của làng, rồi kể, trong các ngày họp làng hay những ngày đi nhà thờ, ông Hmyơk đều chia sẻ kinh nghiệm đánh chiêng hay nếu có ai muốn học hỏi. Càng nhiều người học thì ông càng vui, vì như vậy tức là văn hóa truyền thống của người Jrai được lưu truyền và phát triển rộng hơn. Đặc biệt, cồng chiêng là một nét đẹp truyền thống của dân tộc, đã được ông bà gìn giữ bao đời nay, đến đời mình cũng cần phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy nó.

“Già vẫn tìm mọi cách để khơi gợi niềm đam mê cho những người trong làng về nghề đánh chiêng. Bởi vì già muốn lưu giữ và phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc của ông bà thời xưa. Hi vọng những thanh niên trong làng đều yêu thích cồng chiêng, học hỏi và rèn rũa nghề này, để còn lưu truyền cho các thế hệ trẻ sau", ông R’Cơm Hmyơk bộc bạch.

Già làng R'cơm Hmyơk: Người nặng lòng với cồng chiêng  - 2

Ngồi bên mái nhà rông của làng, già kể chuyện đời, chuyện cồng chiêng.

Để giữ gìn nét văn hóa bao đời nay, ông Hmyơk kêu gọi, tập hợp những người đánh cồng chiêng gạo cội mở lớp dạy chiêng cho lớp trẻ của làng từ độ tuổi 26, 27 tuổi trở lên.

“Học đánh chiêng khó lắm, mỗi người phải đánh 1 chiêng sau đó phối hợp cùng nhau cho ra một bài nhạc hay. Như lễ Pơ Thi là một loại nhạc, lễ mừng lúa mới là loại nhạc khác,… tất cả đều yêu cầu người học chú ý, cẩn thận và khéo léo như vậy mới phối hợp cùng nhau tạo thành một bài nhạc hoàn chỉnh.

Chiêng có vai trò rất quan trọng trong đời sống của người đồng bào DTTS, chiêng là tiếng nói của người dân với giàng, giàng không nghe được người dân nói, nhưng nghe được tiếng chiêng, nên yêu cầu người chơi chiêng phải đánh đúng”, ông Hmyơk cho biết.

Ngoài tài đánh chiêng hay, ông Hmyơk khi trước còn là một người tạc tượng rất đẹp. Từ năm 1997, ông bắt đầu mày mò sưu tầm các loại gỗ về để tạc tượng. Bằng đôi tay khéo léo với những dụng cụ đơn sơ như dao, rìu, búa cộng thêm con mắt của một người nghệ sĩ ông đã thổi hồn vào gỗ, biến những khúc gỗ thô sơ trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

Cũng theo ông Hmyơk, để tạo nên những bức tượng gỗ đẹp, có hồn, người tạc tượng cần bỏ nhiều thời gian để tập trung đục đẽo, kiên trì, khéo léo, tỉ mỉ đến từng đường chạm khắc. Tuy nhiên, điều khiến ông trăn trở là đa phần những người biết tạc tượng trong làng thì hầu hết tuổi đã cao, già yếu.

Trong khi đó, lớp trẻ thì hầu như không mặn mà với việc này. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu để tạc tượng ngày càng khan hiếm nên hoạt động tạc tượng giảm hẳn.

Già làng R'cơm Hmyơk: Người nặng lòng với cồng chiêng  - 3

Những việc làm của ông phần nào góp sức gìn giữ giá trị truyền thống quý báu của người Jrai.

Dù tuổi đã cao nhưng ông R'Cơm Hmyơk vẫn luôn nhiệt tình trong việc tuyên truyền, chỉ dạy cho người dân trong làng biết và gìn giữ nghệ thuật tạc tượng cũng như nghệ thuật đánh cồng chiêng. Việc làm của ông đã phần nào góp sức cùng địa phương gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của người dân Jrai.

Ông Đào Lai, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Biển Hồ cho biết: “Ông R'Cơm Hmyơk là một trong những già làng uy tín của xã. Không chỉ tích cực tuyên truyền, vận động người dân chăm chỉ lao động, chấp hành tốt quy định của pháp luật, ông Hmyơk còn truyền dạy cho con cháu đánh cồng chiêng, tạc tượng”

HIỀN MAI
Bình luận
vtcnews.vn