Từ Quốc lộ 7A đoạn qua cầu Khe Diêm (huyện Con Cuông), xe chúng tôi men theo con đường rải nhựa nhỏ, chạy qua bản Pha, vượt qua bản Nưa, nơi có những vườn cam chín mọng. Đây là nơi cung cấp hàng trăm tấn cam ngon nổi tiếng khắp vùng miền Tây Nghệ An, được người miền Bắc biết đến với tên gọi cam Vinh.
Xe chúng tôi chạy qua khu vực những con đèo gấp khúc của xã Lục Dạ, dọc theo con đường liên xã,chạy về vùng đất giáp biên Môn Sơn. Dòng sông Giăng trong vắt, hiền hòa chạy dọc theo con đường nhựa. Vượt qua cây cầu mới xây Nam Sơn, chúng tôi hướng thẳng về bản làng Thái Hòa, nơi sinh sống của cộng đồng gần 130 hộ dân người Thái sống giáp ranh biên giới Việt – Lào.
Trên tuyến đường dọc từ đập thủy lợi Phà Lài xuống bản làng, hai bên đường cờ đỏ sao vàng cuộn bay trong nắng sớm. Thời tiết bắt đầu se lạnh trên các bản làng miền rẻo cao.
Đứng ở dốc cây Đa cổ thụ, bản Thái Hòa nằm vắt vẻo trên lưng chừng núi. Bản làng nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát (phía Tây Nghệ An).
Trên những con đường đất nhỏ, các bà mẹ người dân tộc Thái mặc trang phục truyền thống đi du xuân, mừng năm mới Canh Tý 2020. Khuôn mặt ai cũng tươi cười, phấn khởi. Năm nay thời tiết nắng ráo, khắp bản làng người Thái thấp thoáng đôi lứa đi du xuân.
Chúng tôi dừng chân tại căn nhà sàn của phó bản Hà Văn Mùi. Ngôi nhà sàn nằm chênh vênh trên sườn đồi, nhìn thẳng ra cánh đồng mía trước mặt. Nhà anh Mùi đang có khách, tiếng cười nói rôm rả, lẫn cả tiếng cụng li mừng sức khỏe đầu năm mới.
Bước lên bậc thang của căn nhà sàn truyền thống của người dân tộc Thái, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là bộ cồng chiêng và chiếc trống da bò lớn, treo ở đầu cửa. Phía bên trên tường còn treo một bộ nỏ săn thú rừng, đồ vật thiêng của người dân tộc Thái.
“Bộ cồng chiêng này là đồ vật quý được các cụ đời xưa để lại, là vật dụng cha truyền con nối, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân tộc Thái ở Nghệ An”.
“Vào dịp đầu năm mới, mừng Tết cổ truyền dân bản Thái Hòa thường có thói quen đánh chiêng trống, để cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho cuộc sống âm no và sung túc. Ngoài ra, trong các dịp lễ hội như mừng mùa vụ, mừng nhà mới, giỗ chạp,… người Thái chúng tôi cũng đánh chiêng trống, ăn uống chung vui”, anh Mùi cho biết.
Thấy khách miền xuôi lên thăm bản, các chị em trong câu lạc bộ cồng chiêng bản Thái Hòa tập hợp lại, mặc váy áo truyền thống của người Thái và cùng đánh một điệu cồng chiêng chào đón.
Mẹ ruột anh Mùi là bà Hà Thị Bình, mặc dù đã 75 tuổi, nhưng rất phấn khởi tham gia tham tiết mục văn nghệ mừng khách phương xa. Bà Bình là vợ liệt sỹ Hà Văn Quyết, người con của bản làng Môn Sơn tham gia kháng chiến chống Mỹ và hi sinh anh dũng ở mặt trận phía Tây năm 1970. Nghe điệu cồng tiếng trống nhịp nhàng, mắt bà mơ về thở xa xưa, ngày tiễn chồng lên đường nhập ngũ. Thấm thắt cũng đã hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi.
Bản Thái Hòa nằm bên trong vườn Quốc gia Pù Mát, có sương mờ bao phủ quanh năm. Tiếng cồng chiêng vui nhộn trong mái nhà sàn, nằm cheo leo bên sườn đồi, như xua đi những khó khăn, nhọc nhằn của người dân miền sơn cước.
Video: Người dân bản làng người Thái đánh chiêng trống mừng năm mới Canh Tý
“Tôi học đánh cồng chiêng từ thuở nhỏ, từ người già trong làng bản. Không qua sách vở, chúng tôi chỉ học thông qua phương thức truyền miệng. Vậy mà, vốn văn hóa cồng chiêng này đã được lưu giữ và truyền lại nhiều đời qua”.
“Nhiều khi đi làm về vất vả, đánh một điệu trống chiêng để quên đi khó nhọc. Cồng chiêng giúp gắn kết người Thái lại với nhau, vì đây là một phần linh hồn của văn hóa cộng đồng dân tộc Thái”.
Chị Đức cũng cho biết, mong muốn của nhiều người dân trong bản làng là được các các ban ngành quan tâm, để lưu giữ lại những giá trị văn hóa dân gian này. Xã hội thay đổi nhanh, người Thái trẻ cũng ít chú ý tới văn hóa cồng chiêng truyền thống.
“Văn hóa cội nguồn của ông cha để lại, mình phải gìn giữ và truyền lại cho con em người dân tộc Thái đời sau”, chị Đức tâm sự.
Bình luận