Cô Nguyễn Thị Bảo Thúy (sinh năm 1969) hiện là giáo viên Ngữ văn trường THPT Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. 5 em ruột của cô cũng là giáo viên trên địa bàn tỉnh. Trong đó, người em thứ 2, 3, 4 của cô công tác tại THPT Chuyên Bảo Lộc, người em thứ 5 dạy THPT Lộc Thanh và em út dạy cùng trường cô.
Trong 6 chị em, 5/6 người là thạc sĩ, 4/6 người là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Năm 2017, cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Bốn năm sau, em gái Nguyễn Thị Bảo Trâm (giáo viên trường THPT Chuyên Bảo Lộc) cũng vinh dự nhận được danh hiệu này.
"Bố mẹ đã định hướng nghề nghiệp cho chúng tôi. Mọi nỗ lực của 6 chị em để được thành qua như ngày hôm nay đều là phần thưởng tặng bố mẹ", cô Thuý nói.
Cô Thuý là con cả trong gia đình. Bố mẹ đều là nông dân nghèo, sống bằng nghề trồng cà phê, cấy lúa tại tỉnh Lâm Đồng. Dù hoàn cảnh khó khăn, song bố mẹ vẫn luôn nỗ lực để nuôi 6 chị em cô ăn học. Họ mong muốn các con sẽ trở thành thầy cô giáo dạy chữ cho các em học sinh trên khắp các bản làng quê hương.
Vì nhà nghèo, cô được bố mẹ khuyên học tại Đại học Đà Lạt để tiết kiệm chi phí đi lại. Năm 1991, sau khi tốt nghiệp đại học, cô Thúy được phân công về dạy Ngữ Văn tại trường trung học cơ sở Lộc Phát huyện Bảo Lộc (nay là thành phố Bảo Lộc). Sau 6 năm, đến năm 1997, cô được chuyển công tác về trường THPT Bảo Lộc và công tác tại trường từ đó cho đến nay.
32 năm đứng trên bục giảng, là giáo viên của nhiều thế hệ học sinh, cô Thúy chia sẻ bản thân may mắn khi được trải nghiệm và chứng kiến nhiều giai đoạn phát triển lịch sử của ngành giáo dục.
Cô được tham gia trực tiếp vào công cuộc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2000 và lần thứ hai là đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2018 theo Nghị quyết 29 của Trung ương.
Nhìn lại chặng đường 32 năm đứng lên bục giảng, cô Thúy thừa nhận, nghề dạy học chưa bao giờ là dễ dàng. Thậm chí nghề giáo ngày càng trở lên khó khăn hơn trong thời đại của Intenet, của toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay.
"Nếu chỉ là truyền thụ kiến thức, thì một nhà giáo với ba mươi năm tuổi nghề, thậm chí 50-60 năm tuổi đời không thể theo kịp tốc độ của máy tính, trí tuệ nhân tạo và các phần mềm công nghệ thông dụng như hiện nay. Chỉ với một cụm từ khóa nhất định, trong vòng 0,42 giây Google đã cho ra khoảng 60 triệu kết quả", cô Thuý nói.
Cô cho rằng dù công nghệ phát triển đến đâu thì vai trò của người thầy vẫn không thể bị thay thế. Bởi không một thứ máy móc, trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế được sự yêu thương, tin tưởng học trò và lòng đam mê của người thầy đối với cuộc hành trình giúp học trò chinh phục tri thức.
Cuộc đời làm nghề của bất kỳ giáo viên nào cũng có nhiều khó khăn, vất vả và bộn bề những lo toan, nhưng bù lại, cô Thúy luôn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nhìn vào ánh mắt của học sinh, thấy sự trưởng thành, giỏi giang, sự tiến bộ vượt bậc của các em. Niềm hạnh phúc ấy, theo cô, có lẽ không thể đánh đổi bằng bất cứ giá trị nào.
"Hôm nay, ngày mai, tôi sẽ vẫn mãi tự hào về công việc của mình", nữ giáo viên trường THPT Bảo Lộc chia sẻ.
Bình luận