• Zalo

'Hơn 20 năm dạy học chưa đầy 8 triệu đồng/tháng, công việc ngày càng quá tải'

Diễn đànChủ Nhật, 20/11/2022 09:08:44 +07:00Google News
(VTC News) -

Ở một vài nơi, ngoài lương không đủ sống, giáo viên còn thấy "tiếng nói" của mình đôi lúc bị rơi vào thinh không.

Đến bây giờ, sau gần nửa năm người bạn thân thông báo nghỉ dạy, tôi vẫn ám ảnh bởi giọt nước mắt bất lực của bạn khi đưa ra quyết định khó khăn này.

Ngoài lý do chính là thu nhập của một giáo viên hơn 20 năm dạy học chưa đầy 8 triệu đồng/tháng, trong khi nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, chi phí cho các con đi học, sinh hoạt ngày càng nhiều, không đủ trang trải dù đã tằn tiệm hết mức có thể, còn có lý do nữa là áp lực công việc ngày càng quá tải đối với cô ấy.

Dù đến thời điểm nghỉ dạy, bạn tôi vẫn là giáo viên giỏi với nhiều thành tích, danh hiệu về nghề, nhưng không ít lần bạn tôi lo lắng khi có những chuyện không đâu không may rơi vào đầu thầy cô và ngay chính đồng nghiệp của cô ấy.

Chỉ cần một phản ánh của phụ huynh đến trường về chuyện của con ở trường lớp, nhiều khi chưa biết đúng sai thế nào, nhưng thầy, cô đã bị họp lên họp xuống, viết kiểm điểm, tường trình… khiến vụ việc trở nên nghiêm trọng. Chưa kể, nhiều nơi lãnh đạo nhà trường muốn yên chuyện đã không đứng về phía giáo viên, thầy cô luôn là người có lỗi.

Nhiều nơi, chỉ cần có clip lan truyền trên mạng xã hội là nhà trường, thầy cô bị nhắc nhở, giải trình kể cả khi làm làm đúng quy định. Mới đây nhất là vụ việc học sinh phải đứng ngoài cổng không được vào khai giảng ở Trường THPT Tô Hiến Thành (Thanh Hóa) vì đi muộn. Trong một môi trường mô phạm, việc tuân thủ, chấp hành nội quy là bắt buộc, nhưng chỉ vì thực hiện đúng mà thầy cô bị cấp trên nhắc nhở là "hành động phản cảm, kém linh hoạt".

Hay có nhiều nơi, kêu gọi sự sáng tạo của thầy, cô trong giảng dạy, tổ chức các hoạt động cho sinh viên, học sinh. Nhưng khi sự sáng tạo của họ (cũng trên cơ sở được nhiều trường trên thế giới đã làm) có nhiều ý kiến trái chiều, thì cấp trên chưa cần biết sự việc như thế nào đã vội vàng yêu cầu kiểm điểm chỉ vì… dư luận.

Rồi đến khi sự việc được sáng tỏ, sáng tạo đó không ngoài khuôn phép của môi trường mô phạm, nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện, thì sự việc lại rơi vào… thinh không.

Còn rất nhiều sự việc khác ở nhiều nơi diễn ra tương tự như vậy, khiến thầy cô cảm thấy không còn động lực để sáng tạo, thậm chí chán nản vì đôi khi cấp trên hành động theo lối: Chiều theo dư luận.

'Hơn 20 năm dạy học chưa đầy 8 triệu đồng/tháng, công việc ngày càng quá tải' - 1

Sẽ rất khó để giải bài toán thiếu giáo viên nếu không kịp thời có những giải pháp phù hợp, trước hết là về thu nhập cho người thầy.

Sau hơn 2 năm học online do đại dịch COVID-19, nhất là trong thời kỳ tất cả các ngành, các cấp đều ráo riết thực hiện chuyển đổi số, thì trên thực tế nhiều trường vẫn quản lý theo kiểu “giấy tờ”.

Thầy cô mệt mỏi trong việc soạn giáo án, có khi 1 tiết dạy phải chuẩn bị đến chục trang giấy A4. Chưa kể, nhiều khi trong ngày chỉ có một tiết dạy nhưng phải ở trường cả ngày vì có rất nhiều các cuộc họp từ chuyên môn đến các cuộc họp ngoài chuyên môn khác. Có thầy cô ngậm ngùi than thở “mỗi ngày ở trên trường từ 6h30 sáng đến 7h tối. Trường là nhà, còn nhà là nơi ta ghé thăm mỗi tối”.

Nhưng có lẽ điều mà thầy cô canh cánh nhiều nhất vẫn là bệnh thành tích ngày càng trầm trọng. Đạt thành tích tốt là mục tiêu thầy trò cùng hướng đến, nhưng không đạt mà cố vẽ ra thành tích thì đó là "bệnh" - bệnh thành tích. Vẽ ra điểm số đẹp, vẽ ra những danh hiệu của các em và của chính thầy cô.

Thành tích là thước đo năng lực giữa thầy cô, là tiêu chí để xét lên lương và các danh hiệu giảng dạy. Thành tích còn là tiêu chí so sánh giữa lớp này với lớp khác, giữa trường này và trường khác, được dùng để nâng hạng nhà trường, để thu hút học sinh, kinh phí cho trường, là tiêu chí so sánh, đánh giá giữa địa phương này và địa phương khác... Tất cả những điều đó không sai. Nó chỉ sai khi không phải là thực chất, chỉ là những con số và danh hiệu "ảo". 

Vì thế bệnh thành tích là áp lực rất lớn với thầy cô. Đôi khi nó buộc người thầy phải làm ngơ trước những điều mà lương tâm nhà giáo không cho phép.

"Từ chỗ phê phán tư duy lạc hậu trong nhà trường cũ, gán cho thầy quyền uy tuyệt đối, biến giáo dục thành quá trình truyền đạt và tiếp thu hoàn toàn thụ động, dần dần xuất hiện tư duy cực đoan ngược lại, phủ nhận vai trò then chốt của người thầy đối với chất lượng giáo dục. Nhấn mạnh một chiều “học sinh là trung tâm” rồi hạ thấp vai trò người thầy là cách hiểu giáo dục thô sơ", (GS Hoàng Tụy).

Hãy để người thầy lên lớp được làm đúng chức năng, phận sự, đó là việc giảng dạy kiến thức và ứng xử bằng tất cả sự hiểu biết và kỹ năng của mình.

An An(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn